Chiều 20/3, điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tại 30 Phan Đình Phùng, Hà Nội, lác đác phụ huynh, thí sinh. Cán bộ tuyển sinh Mai Thị Nghị cho biết, mới tiếp nhận gần 40 hồ sơ. Lý do là phụ huynh, thí sinh đều thận trọng trước khi đưa ra quyết định cuối.
Các điểm tiếp nhận hồ sơ tại Phòng Giáo dục và đào tạo quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân... cũng khá hiu hắt. Nơi nhiều nhất cũng chỉ nhận được 80 bộ hồ sơ trong suốt gần 10 ngày qua. Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, 14 phòng giáo dục của các quận, huyện sẽ tiếp nhận thí sinh vãng lai, chủ yếu là học sinh trượt đại học các năm trước.
![]() |
Thí sinh nộp hồ sơ tại điểm tiếp nhận 30 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Ảnh: V.A. |
Tại các trường THPT, học sinh đang trong giai đoạn nghiên cứu tài liệu tuyển sinh. Sau khi nhận hồ sơ, trường sẽ tổ chức các buổi sinh hoạt để hướng dẫn các em cách khai hồ sơ. Học sinh sẽ cân nhắc, bàn bạc kỹ với gia đình trước khi quyết định.
Trao đổi với VnExpress, Phó phòng giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Hà Nội Tạ Song Hà cho hay, hằng năm gần ngày hết hạn nộp hồ sơ, thí sinh mới đổ đến đăng ký. Những ngày đó, lực lượng cán bộ phải làm việc hết công suất. Ngoài các điểm tiếp nhận hồ sơ tại phòng giáo dục quận, huyện, trường THPT, Sở GD&ĐT mở thêm một điểm thu hồ sơ tại 30 Phan Đình Phùng (bắt đầu từ 20/3).
"Kỳ thi đại học quá quan trọng nên phụ huynh, học sinh đều cân nhắc rất kỹ. Các em tham khảo điểm chuẩn năm ngoái, nghiên cứu những ngành mới mở. Phụ huynh thì tham khảo bạn bè, xem con học ngành nào đầu ra tốt. Phải đến cuối tháng này, các em mới nộp hồ sơ đông", bà Hà cho biết.
Tại TP HCM, chiều 20/3, điểm tiếp nhận tại 47 Lý Tự Trọng, quận 1 số thí sinh tới mua, nộp hồ sơ vấn khá ít. Điểm này có 5 bàn tiếp nhận, trung bình mỗi bàn thu hơn 30 bộ. Trung tâm hỗ trợ sinh viên, 33 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, đại diện cho Văn phòng 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tiếp nhận bộ hồ sơ đầu tiên...
Theo ông Huỳnh Thành Trung, trực tiếp nhận hồ sơ tại 47 Lý Tự Trọng, so với cùng thời điểm này năm trước, thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi có phần suôn sẻ hơn. Chỉ có một số em đăng ký nhầm NV2 vào mục 3, vốn là mục dành cho đăng ký NV1 vào các ĐH, CĐ không tổ chức thi.
Hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn đã hướng dẫn học sinh những vấn đề liên quan tới đăng ký dự thi nhưng chưa có nhiều thí sinh nộp hồ sơ. "Hồ sơ sẽ thu tại từng lớp, sau đó mới tập trung lên trường. Nhưng thông thường thời điểm này, các em còn cân nhắc chọn trường nên chưa nộp", đại diện phòng Giáo vụ THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết.
Theo ông Huỳnh Minh Trí, Trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo bồi dưỡng giáo viên, Sở Giáo dục TP HCM, đến nay, việc đăng ký dự thi ĐH tại địa bàn chưa nảy sinh khó khăn, vướng mắc đáng kể. Dự kiến, công tác này sẽ thuận lợi vì các quy định không khác nhiều so với năm trước, khâu hướng dẫn và tư vấn tuyển sinh cũng làm kỹ hơn. TP HCM có gần 100 điểm nhận hồ sơ đăng ký thi ĐH.
Hội chứng thí sinh "ảo" tái diễn
Theo ghi nhận tại các điểm đăng ký dự thi tại Hà Nội, hầu hết thí sinh đều đăng ký 2-3 bộ hồ sơ. Năm thứ 2 dự thi ĐH, thí sinh Mỹ Trang, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, quyết định nộp 5 bộ hồ sơ vào các ĐH danh tiếng của thủ đô. Theo bà Mai Thị Nghị, cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại 30 Phan Đình Phùng, có thí sinh nộp tới 8 bộ hồ sơ khối A, trong đó có 3 bộ hồ sơ đăng ký vào 3 khoa của một ĐH.
Tại các điểm tiếp nhận hồ sơ TP HCM, nhiều thí sinh mua 4 bộ hồ sơ. Đinh Văn Tiến, quê ở Đồng Nai, mới nộp 3 hồ sơ tại 47 Lý tự Trọng, tâm sự: "Em thích vào ĐH Kinh tế nhưng đăng ký thêm 2 trường nữa. Nếu Kinh tế vẫn đông thí sinh như năm ngoái, em sẽ chọn thi trường khác. Trượt một năm rồi nên phải tính kỹ".
Thừa nhận thực tế thí sinh "ảo", bà Tạ Song Hà cho biết, vài năm gần đây, trung bình mỗi thí sinh Hà Nội nộp 2 bộ hồ sơ ĐKDT. Đến gần ngày thi, những thí sinh này tham khảo tỷ lệ "chọi" (lượng hồ sơ dự thi so với chỉ tiêu tuyển sinh), rồi mới quyết định chọn một trường ứng thí.
Theo bà Hà, năm nay, Hà Nội có khoảng 35.000 thí sinh dự thi ĐH, CĐ. Lệ phí ĐKDT là 43.500 đồng/thí sinh. Như vậy, với tỷ lệ trung bình 1 thí sinh/2 hồ sơ, chỉ riêng Hà Nội, số tiền lãng phí lên tới hơn 1 tỷ đồng. Đó là chưa kể khoản tiền các ĐH, CĐ thuê trường thi, mua giấy thi phục vụ các thí sinh "ảo".
Việt Anh - Lương Nga
▪ Tuyên dương hơn 100 thủ khoa đại học (20/03/2006)
▪ Kiểm tra 60 cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài (20/03/2006)
▪ Phi Harvard bất thành tổng thống! (19/03/2006)
▪ Trường nào phải qua sơ tuyển? (20/03/2006)
▪ Giáo dục giới tính sau tuổi dậy thì (19/03/2006)
▪ Những gia đình sinh viên Việt ở Đức (18/03/2006)
▪ Nghề gỡ rối... (20/03/2006)
▪ Cơ hội gặp gỡ 300 trường ĐH,CĐ trên thế giới (18/03/2006)
▪ Chương trình dự bị ĐH quốc tế IFY (19/03/2006)
▪ "Tháng Du học Anh" (19/03/2006)