"Mẹ ơi, con muốn đi học! Mẹ đừng bắt con ở nhà!
Các Website khác - 28/08/2008

 

 
Mến bật khóc khi nghe tin mình sắp phải nghỉ học. Ảnh: Hà Vy

Hanoinet - Khi chúng tôi hỏi: "Mến có muốn đi học không?", em vừa khóc vừa nói: “Cháu muốn đi học lắm, nhưng đêm qua nghe bố mẹ nói chuyện với nhau là bắt cháu phải nghỉ học”.Rồi quay sang mẹ, Mến van xin: "Mẹ ơi, con muốn đi học! Mẹ đừng bắt con phải ở nhà! Dù không đủ sách vở nhưng con không đòi nữa đâu”.

 

Đừng bắt con nghỉ học mẹ ơi!

 

Chúng tôi trở lại Rú Mốc (xã Thạch Bàn - huyện Thạch Hà - Hà Tĩnh) sau 8 tháng xảy ra vụ tai nạn sập mỏ đá kinh hoàng. Không khí nơi đây vẫn đìu hiu, xơ xác. Hàng chục phụ nữ vẫn kiên trì ngồi trước mỏ đá chờ xe đến để bốc hàng. Khuôn mặt ai cũng rầu rĩ, nặng trĩu ưu phiền.

 

Trò chuyện với chúng tôi tại nhà riêng, ông xóm trưởng xóm 9 lắc đầu ngao ngán: "Sau trận sập núi kinh hoàng, mỏ đá bị đóng cửa khiến lao động trong xóm hầu như thất nghiệp, đời sống người dân ngày càng khó khăn. Năm học mới sắp bắt đầu nhưng nhiều trẻ em của xóm đang đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục đến trường”.

 

Theo lời chỉ dẫn của ông xóm trưởng, chúng tôi vượt qua cây cầu nhỏ để tìm đến nhà của em Nguyễn Thị Mến, học sinh lớp 3B Trường Tiểu học Thạch Bàn.

 

Nhà Mến có 6 chị em tuổi sàn sàn như nhau. Mặc dù tất cả đã đến tuổi đi học, nhưng trong nhà chỉ có 3 chị em may mắn được đến trường, số còn lại đều phải bỏ học giữa chừng vì nghèo.

 

Chị Trần Thị Linh (mẹ em Mến) tâm sự: "Trước đây, mấy đứa ngày nào cũng theo bố vào mỏ làm đá nên cũng kiếm được ít nhiều, nhưng từ khi họ cấm không cho làm thì mấy bố con chỉ biết ngồi nhà nhìn nhau. Năm ngoái, đứa đầu là Nguyễn Thị Hương phải nghỉ khi chưa học hết lớp 5 để ở nhà giúp mẹ chạy chợ kiếm ăn qua ngày. Làm việc quần quật suốt cả ngày khiến đầu óc nó mụ mị, bây giờ thì chữ không còn đọc nổi nữa”.

 

“Mấy tuần nay, cả hai vợ chồng chạy đôn chạy đáo khắp nơi mong vay được ít tiền về mua sách cho con, nhưng không tài nào kiếm nổi. Hôm qua, tôi đánh liều đi mua nợ cho cháu, họ nhất quyết không cho nợ cả bộ mà chỉ bán cho 5 cuốn. Không biết ít bữa nữa phải đóng góp các khoản thì kiếm đâu ra. Mến là đứa học giỏi nhất nhà nên vợ chồng tôi định cho cháu học hết cấp 2 nhưng có lẽ mong muốn này không thể thực hiện nổi” - chị Linh buồn rầu.

 

Khi chúng tôi hỏi: "Mến có muốn đi học không?”, em vừa khóc vừa nói: “Cháu muốn đi học lắm nhưng đêm qua nghe bố mẹ nói chuyện với nhau là bắt cháu phải nghỉ học...”. Rồi quay sang mẹ, Mến van xin: "Mẹ ơi, con muốn đi học! Mẹ đừng bắt con phải ở nhà! Không có sách vở cũng được, con không đòi mẹ mua nữa đâu”...

 

“Do bây giờ mới đầu năm học, nhà trường chưa tiến hành thu các khoản nên các cháu vẫn đến trường đông, nhưng ít tháng nữa các em sẽ phải nghỉ học vì không có tiền đóng đâu” - giọng ông xóm trưởng chùng hẳn xuống.

 

Không có ăn lấy gì mà học

 

Không chỉ riêng trẻ em Rú Mốc đối mặt với việc phải nghỉ học, tình trạng này cũng xuất hiện khá nhiều tại xã vùng biển nghèo Kỳ Hà (huyện Kỳ Anh). Hầu hết người dân trong xã đều sống dựa vào nghề làm muối, thu nhập thấp nên khi năm học mới sắp bắt đầu nhiều gia đình đã phải nghĩ đến việc cho con nghỉ học.

 

Chúng tôi tìm đến nhà chị Trần Thị Lĩnh - người được cho là nghèo nhất, nhì xã. Trong căn nhà trống hoác, chị cùng đứa con gái thứ hai đang ngồi cặm cụi gọt bưởi bán kiếm sống qua ngày.

 

Chị Lĩnh nghẹn ngào: "Những năm trước, gia đình chúng tôi sống dựa vào nghề muối rất vất vả nhưng cũng đủ nuôi các con ăn học. Thế nhưng, cách đây 2 tháng, chồng tôi phải vào tù vì tội vô tình đánh chết người. Từ hôm anh ấy bị bắt, bao nhiêu tiền bạc trong nhà đều đội nón ra đi sạch”.

 

Gia đình chị Lĩnh có 3 đứa con, cháu đầu là Trần Xuân Nhật học lớp 2, cháu thứ hai là Trần Thị Loan chuẩn bị bước vào lớp 1, còn cháu cuối học mẫu giáo.

 

“Năm ngoái, cả hai vợ chồng làm quần quật suốt ngày mà chưa nuôi nổi chúng, bây giờ chỉ còn mình tôi thì lo sao nổi? Nếu bây giờ để các cháu bước vào năm học mới thì phải nộp gần 2 triệu đồng, mà khoản tiền lớn như vậy thì tôi xoay xở đâu ra, cho nên có lẽ đành phải cho hai cháu nghỉ học năm nay rồi sau đó tính tiếp”- chị Lĩnh đau xót.

 

Chị kể, mấy ngày nay, khi thấy các bạn được bố mẹ sắm sách vở, quần áo mới để đi học, cái Loan lại chạy về nhà khóc, đòi mẹ cho đến trường. Thương em, nên ngày nào Nhật cũng đội nắng ra đồng muối làm thuê, mong có tiền về cho em đi học.

 

“Thằng Nhật nếu phải nghỉ học thì ít ra nó cũng đã biết mặt chữ rồi, còn cái Loan thì tôi thương lắm, đến tuổi đi học nhưng chẳng được đến trường” - chị Lĩnh bần thần

 

Trên cánh đồng muối Kỳ Hoa trời nắng chang chang, gió Lào thổi như quất vào mặt nhưng Nhật vẫn cặm cụi làm đất đem phơi để về lọc nước làm muối.

 

Đường đến trường xa dần

 

Đường đến trường với các em học sinh ở làng Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị cứ xa dần. Làng có 968 khẩu, trong đó gần 100 học sinh phải bỏ học.

 

Dừng chân bên đường, hỏi một em nhỏ đang rà phế liệu đường vào làng Tân Hiệp. Hỏi em: "Nhỏ thế sao đã đi rà phế liệu, không đi học ư?" Em trả lời: “Nhà em không có tiền cho em đi học. Em phải nghỉ học để phụ mẹ, nhường cho hai đứa em sau học bù”.

 

Con đường vào làng Tân Hiệp được rải nhựa chạy thẳng tắp từ đầu đến cuối làng. Nhìn vào, ai cũng nghĩ đây chắc hẳn là một ngôi làng trù phú, nhà nào cũng sung túc. Nhưng không!

  

Ông Phạm Văn Phương, Trưởng làng cho hay: “Năm 2005, do nạn đất sụt ở làng cũ nên mọi người được Nhà nước di chuyển vào đây định cư. Nhà và đường đó đều do Nhà nước làm hết. Ở nơi định cư mới, đất canh tác ít, lại không có thuỷ lợi nên kinh tế rất khó khăn”.

  

Hầu hết mọi người trong làng Tân Hiệp đều lấy nghề rà phế liệu làm nghề mưu sinh. Ông Phương cho biết đến 90% dân làng làm nghề này. “Nói ra thật đau lòng, dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng trong làng có đến chừng 100 em phải bỏ học do hoàn cảnh kinh tế, chiếm đến 1/10 dân số của làng”.

  

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Năm, câu chuyện xảy ra cách đây 2 năm, giờ kể lại anh Năm vẫn tiếc nuối: “Lúc đó, gia đình kẹt quá nên mới phải cho thằng Phồn nghỉ học. Rứa là hắn mới học xong lớp 7 đã phải bỏ giữa chừng”.

  

Chỉ có điều, những đứa trẻ phải nghỉ học giữa chừng như Phồn ở trong làng khá đông. Các em nghỉ học chủ yếu ở lớp 7 - 8. Mặc dù được bố mẹ động viên nghỉ học đến khi nào có tiền sẽ học tiếp, nhưng với nhiều em học sinh ở làng Tân Hiệp, một khi đã nghỉ học thì con đường tiếp tục đến trường cứ xa dần và mất hút...

 

Theo VNN