Nguy cơ trượt oan từ khát vọng trường điểm
Các Website khác - 30/08/2005

(VietNamNet) - Hiện tại, các trường ĐH ở Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành công tác gọi SV nhập học. Năm nay, để tránh tình trạng nhiều SV tuy đạt điểm rất cao nhưng vẫn trượt ĐH oan do điền nguyện vọng không hợp lí, các trường ĐH ở Bắc Kinh đã mở rộng cánh cửa bằng cách cho họ điền lại nguyện vọng. 

Soạn: AM 533300 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Niềm vui của SV Bắc Đại ngày tốt nghiệp

Thang điểm tối đa của 4 bài thi là 750 điểm, trong đó Toán, Anh, Văn là 3 môn thi chung cho cả 2 khối Tự nhiên và Xã hội. Mỗi môn thi có điểm tối đa là 150, điểm tổng 3 môn là 450 điểm. Môn thứ 4 là bài thi tổng hợp có điểm tối đa là 300. Bài thi này gồm 3 môn: Khối tự nhiên thi: Vật lí, Hoá học, Sinh học; Khối xã hội thi Lịch sử, Địa lí, Chính trị.

Năm nay, hai thủ khoa của khối Tự nhiên và Xã hội đạt 729 và 686 điểm, khác với tình trạng bội thực điểm tối đa ở kỳ thi ĐH của Việt Nam.

 

Thi ĐH đạt 600 điểm trở lên là một thành tích hoàn toàn không tồi đối với một SV Trung Quốc. Họ đều là những thí sinh học giỏi của nhiều trường trung học.

Khát vọng trường điểm

Hàng năm, Trung Quốc vẫn tiến hành xếp hạng các trường ĐH để đánh giá chất lượng đào tạo. Có 3 tiêu chí: Khả năng nghiên cứu khoa học, Bồi dưỡng nhân tài và Danh tiếng của trường.

Top 10 ĐH năm 2005 là: Thanh Hoa, Bắc Kinh, Triết Giang, Phúc Đán, Nam Kinh, Vũ Hán, ĐH Cát Lâm, ĐH Khoa học Kỹ thuật Hoa Trung, ĐH Giao thông Thượng Hải, ĐH Nhân dân Trung Quốc. Trong đó, trường ĐH Bắc Kinh (Bắc Đại) và Thanh Hoa luôn đứng vị trí dẫn đầu. Đây là niềm ao ước của không ít phụ huynh và học sinh Trung Quốc.

Năm 2004, theo một thống kê chưa đầy đủ, ở 6 tỉnh, thành lớn gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồ Bắc, Thiên Tân, Quảng Châu, Giang Tô có 1.800/3.000 thí sinh đạt 600 điểm trở lên, tuy đã đỗ vào các trường ĐH trọng điểm nhưng vẫn quyết thi lại ĐH. Họ ấp ủ hy vọng sang năm đỗ vào trường Bắc Đại hoặc Thanh Hoa.

Theo ước tính năm nay, riêng ở Bắc Kinh có 22 thí sinh thi đạt từ 600 trở lên vẫn kiên quyết: "Không được vào  Bắc Đại và Thanh Hoa thì thà ôn thi lại một năm chứ không học trường khác". Kết quả là họ sẽ phải học lớp 13 để chờ năm sau thi tiếp.

Với quan niệm đó, vài năm gần đây, số thí sinh đạt điểm cao hoặc đỗ các trường thuộc tốp hai nhưng vẫn đợi năm sau thi lại đã tăng lên rất nhiều. Năm 2000, Bắc Kinh  có khoảng gần 2.000 trường hợp này, năm 2001 đã lên tới 5.000 và năm 2004 con số này là 10.000.

Soạn: AM 533348 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Một phòng thi ĐH tại Trung Quốc (Ảnh: Thành Lợi)

Đốt tiền cho "lớp 13 "

Con đường mà những sĩ tử trượt ĐH thường lựa chọn là vào học một lớp ôn thi ĐH ở một trường dân lập nào đó (vì trường công lập không được phép nhận những sĩ tử này). Tuy nhiên, số tiền mà họ phải bỏ ra để ôn thi lại không ít chút nào.

Ở Bắc Kinh, học phí ở một số trường dân lập nổi tiếng lên tới 10.000 đến 16.000 NDT/năm (khoảng 19 triệu đến 30 triệu VNĐ). Ngoài ra tiền ở khoảng 3.000 đến 5.000NDT, tiền sách vở và các loại tiền khác cũng là con số không nhỏ... Ở Cáp Nhĩ Tân, chi phí cho một học sinh lớp 13 trong một năm gấp đôi chi phí cho một SV ĐH.

Ở Nam Kinh, có những trường, tiền thu phí 1 năm lên tới 19800 NDT, trong khi đó tiền học phí 4 năm của trường ĐH Nam Kinh, một trường cũng rất nổi tiếng hay ĐH Sư phạm Nam Kinh mới có 18400 NDT.

Hiệu trưởng một trường dân lập ở tỉnh Vũ Hán cho biết, do trường công lập không được phép nhận học sinh lớp 13 nên tất cả những học sinh này phải lựa chọn các trường dân lập. Vì thế, thị trường thí sinh ôn thi lại ĐH ngày càng lớn, mỗi năm tiêu tốn khoảng 1 tỉ NDT.

Tổ chức các lớp ôn thi ĐH kiểu này sẽ thu được nguồn lợi nhuận lớn. Đơn cử, một lớp có 40 học sinh thì lợi nhuận một năm thu được khoảng 2 vạn NDT trở lên (khoảng 40 triệu VNĐ). Nếu đầu tư vào đội ngũ giáo viên hoặc thiết bị dạy học ít đi thì lợi nhuận sẽ càng nhiều hơn.

Tuy nhiên, đây không phải con đường trải thảm đối với thí sinh. Theo một điều tra dành cho 2000 sĩ tử năm đầu thi ĐH có điểm cao nhưng nuôi chí "phục thù", thì 80% thành tích không khấm khá gì hơn, thậm chí có người ngã ngựa thảm hại. Tỷ lệ đỗ được vào Bắc Đại, Thanh Hoa cũng rất thấp, lớp nào cao nhất thì chưa tới 10%, có lớp thì hoàn toàn vỡ mộng.

Nguyên nhân cuồng tín

 

Vậy tại sao ngày càng có nhiều thí sinh Trung Quốc mặc dù đỗ điểm cao nhưng vẫn cam chịu số phận "trượt ĐH " để chờ đợi một tương lai không thực sự chắc chắn? Giáo sư Viên Chấn Đông, phụ trách đề tài nghiên cứu các chính sách giáo dục quan trọng của Trung Quốc đã chỉ ra rằng "chủ yếu là do các chính sách của nhà nước tạo ra khoảng cách giáo dục giữa các trường".

Một trong những nguyên nhân khiến các trường như Bắc Đại, Thanh Hoa nổi tiếng là do chính phủ Trung Quốc đã đầu tư một khoản rất lớn, lớn hơn nhiều so với các trường ĐH khác. Nhờ đó 2 trường này có thể xây dựng những nhà cao tầng đầy đủ thiết bị dạy học, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có trình độ cao, thậm chí có thể lấy lương cao để mời các giáo viên từ nước ngoài về.

Hàng năm, bảng xếp hạng các trường mà các phưng tiện thông tin đại chúng đưa tin là một trong những tiêu chí vô hình để các sĩ tử đánh giá trường nào tốt hơn, học trường nào "oai" hơn. Và đương nhiên, những SV của Bắc Đại, Thanh Hoa khi tốt nghiệp sẽ nhận được sự "ưu ái" đặc biệt của các công ty tuyển dụng. Đây chính là sức hút mãnh liệt đối với các thí sinh thi ĐH.

Nguyên nhân thứ hai là sự mời chào hấp dẫn từ các trường luyện thi ĐH ở Trung Quốc. Họ rất muốn các sĩ tử đạt điểm cao đến luyện ở "lò" của mình vì họ có kiến thức cơ bản chắc, ôn thi lại thì khả năng đỗ rất cao, từ đó nâng cao tiếng tăm cho "lò".

Một trường dân lập ở tỉnh Hồ Nam đã đưa ra một điều kiện cực kì hấp dẫn để mời gọi: Miễn tiền giáo trình, tiền ở, được ở một địa điểm riêng biệt, ngoài ra còn được tài trợ 50000 NDT (khoảng 90 triệu VNĐ). Hay như một trường cấp 3 ở Nam Kinh đã hứa sẽ miễn giảm 30000 NDT cho các thí sinh có điểm thi ĐH từ 570 điểm trở lên, ngoài ra các thí sinh này còn được vào lớp chọn để học.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là các sĩ tử này có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía các bậc phụ huynh. Do hiện nay mỗi gia đình Trung Quốc chỉ có một cậu ấm hay cô chiêu nên các bậc phụ huynh đã không quản tốn kém, mong con em mình lấy được tấm bằng ĐH của Bắc Đại, Thanh Hoa, tương lai sẽ tìm được một công việc như ý. Ngoài ra, do một số năm trước cũng đã xuất hiện một số thủ khoa nên họ càng tin tưởng rằng chỉ cần quyết tâm cao, vận may sẽ mỉm cười với con cái họ.

Cần chín chắn khi quyết định

Tiến sĩ Hoàng Bình ở Viện khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, hiện tượng này không những gây lãng phí thời gian, tiền của bản thân thí sinh và gia đình mà còn tăng thêm tính tàn khốc của thi ĐH. Chi phí về mặt xã hội cũng vì thế mà bị tăng lên.

Nhiều chuyên gia giáo dục của Trung Quốc đang kêu gọi các thí sinh nên lựa chọn một cách chín chắn, không nên quá lí tưởng hoá Bắc Đại và Thanh Hoa. Toàn xã hội nên có một môi trường dư luận lành mạnh, tránh đánh giá một cách phiến diện về thực lực của các trường ĐH, điều này dễ gây ra sự hiểu lầm trong việc lựa chọn nguyện vọng của thí sinh. Gia đình thí sinh cũng nên có một thái độ khách quan, khoa học đối với việc thi ĐH. Và đặc biệt là các trường cấp 3 nên chấm dứt việc dùng nhiều chính sách ưu đãi để kêu gọi các thí sinh có điểm cao nhưng vẫn ôn thi lại ĐH. Việc ôn thi lại ĐH không phi thích hợp với tất cả các sĩ tử, vì vậy thí sinh tốt nhất không nên chạy theo phong trào...

  • Thành Nam (từ Bắc Kinh)