Nguyện vọng 2: Chưa khai màn đã khốc liệt
Các Website khác - 17/08/2005
Cơ hội vào đại học vẫn còn. Ảnh: Tuổi Trẻ

Sáng 17/8, ĐH Quốc gia Hà Nội, Công đoàn, Viện Mở Hà Nội thông báo xét tuyển hơn 1.000 chỉ tiêu nguyện vọng 2. Tuy nhiên, số chỉ tiêu này chỉ như "muối bỏ bể" khi hàng chục nghìn thí sinh điểm cao đang trượt đại học. Ít cơ hội tại các ĐH phía Bắc, nhiều thí sinh đã lên kế hoạch "di cư" vào Nam.
Tra cứu điểm chuẩn đại học tại đây.

Hiện nay, có khoảng 150.000 thí sinh trên mức điểm sàn nhưng trượt nguyện vọng 1. Trong đó, có nhiều thí sinh đạt điểm khá cao. Chỉ riêng ĐH Bách Khoa Hà Nội đã có khoảng vài nghìn thí sinh trên 20 điểm trượt nguyện vọng 1.

Nhằm hạn chế bi kịch mùa thi, Bộ GD&ĐT đã có công điện khẩn đề nghị các trường có điểm trúng tuyển dưới 20 cần nâng điểm trúng tuyển, dành 15% chỉ tiêu xét tuyển 2, 3. Nhưng năm nay, phổ điểm khối A cao đột biến nên hầu hết các ĐH có điểm tuyển trên 20. Ngay cả một số trường trung bình như ĐH Thương mại cũng "thẳng thừng" tuyên bố tuyển 100% nguyện vọng 1. Những ĐH công lập "chiếu cố" tuyển nguyện vọng 2 thì điểm sàn cũng cao chót vót, chỉ tiêu vỏn vẹn vài chục sinh viên.

24-25 điểm, loay hoay tìm "bến đỗ"

Mặc dù đạt 24,5 điểm, Hà, học sinh THPT Trần Hưng Đạo Hà Nội, đã trượt ĐH Ngoại thương Hà Nội - một trường top của cả nước. Trong khi, cô bạn thân chỉ 21 điểm đã đường hoàng vào ĐH Thương mại. Với kết quả thi khá tốt, nhưng giờ đây Hà lại phải phấp phỏng hy vọng để được trúng tuyển NV2 vào các trường khối kinh tế.

Thế nhưng, hầu hết ĐH công lập khối kinh tế của thủ đô như Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính kế toán, Thương mại đều tuyển gần như 100% NV1 và không tham gia xét tuyển NV2. Tại Hà Nội, chỉ còn duy nhất Khoa kinh tế của ĐH Quốc gia Hà Nội là xét tuyển nguyện vọng 2. Tuy nhiên, ngành học Kinh tế chính trị cũng chỉ tuyển 21 chỉ tiêu (10 chỉ tiêu khối A, 11 chỉ tiêu khối D).

Theo Hiệu trưởng một trường ĐH công lập ở Hà Nội, lấy 100% chỉ tiêu NV1 trường sẽ sớm hoàn thành công tác xét tuyển ĐH và tập trung thời gian chuẩn bị cho năm học mới. "Nếu xét tuyển NV2 thời gian chuẩn bị cho năm học mới sẽ ít hơn, trường lại bị động về chỉ tiêu. Hơn nữa, thí sinh dự thi vào trường điểm thi cũng tốt nên phải ưu tiên", vị hiệu trưởng này nói.

Chính vì tâm lý này nên một số trường chấp nhận lấy điểm xét tuyển NV1 ở mức trung bình để lấy đủ 100% chỉ tiêu. ĐH Thương mại một số khoa như Marketing, Khách sạn du lịch chỉ lấy điểm chuẩn là 20. Thực tế, với đề thi khối A khá dễ, nếu lấy điểm chuẩn NV1 cao hơn, dành chỉ tiêu cho NV2, ĐH này có thể tuyển được những thí sinh có chất lượng tốt.

Chỉ tiêu ít, thí sinh điểm cao nhiều nên ngay cả các ĐH dân lập cũng "kiêu". Năm nay, ĐH dân lập Thăng Long lấy 900 chỉ tiêu, chủ yếu khối A, D. Điểm sàn xét tuyển NV2 khối A là 17 và khối D là 16. Hiệu trưởng Phan Huy Phú tỏ ra khá tự tin khi dự đoán, thí sinh khối A phải 19 điểm mới có hy vọng trúng tuyển.

Phía Nam dồi dào chỉ tiêu khối C, D

Trong khi chỉ tiêu nguyện vọng 2 khu vực phía Bắc khan hiếm, thì tại phía Nam số trường xét tuyển nguyện vọng 2 khá nhiều. Chỉ tiêu xét tuyển NV2 của ĐH Luật TP HCM là 50 người cho khối A và 200 người cho khối C. Riêng ngành Luật Thương mại không lấy NV2 vì điểm chuẩn NV1 đã cao. Điểm chuẩn NV2 khối A là 20 và khối C là 17.

ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM còn 5 ngành xét tuyển NV2 là Kỹ thuật Công nghiệp, Cơ tin kỹ thuật, Kỹ thuật in, Công nghệ môi trường và Kỹ thuật nữ công với tổng chỉ tiêu khoảng 200 người. Trong đó, mức điểm chuẩn ngành Kỹ thuật nữ công là 16, những ngành còn lại là 18. Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Tiến Dũng cho biết, năm trước, điểm chuẩn NV 2 tương đương năm nay mà trường đã nhận tới 4.000 hồ sơ đăng ký. Năm nay, thí sinh phải có điểm cao hơn điểm sàn chừng 2 điểm mới có khả năng trúng tuyển.

Điểm tuyển sinh của ĐH Y Dược TP HCM khá cao và trường đang trong quá trình tính toán lấy mức chuẩn NV 2 thế nào cho phù hợp. Theo ông Lý Văn Xuân, Trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Y Dược TP HCM còn 5.000 – 6.000 thí sinh có mức điểm từ điểm sàn của Bộ trở lên. Vì vậy, việc xác định điểm chuẩn cho NV 2 rất khó. Trường có 12 ngành nhưng đã 9 ngành tuyển đủ trong đợt 1. Đợt 2 còn ngành Y tế công cộng, chỉ tiêu 10 -12 người, ngành Xét nghiệm: 6-8 người và Vật lý trị liệu, chỉ còn 3 – 4 chỉ tiêu.

Ông Xuân nhận định: “Nếu điểm chuẩn đợt 2 quá chênh lệch với đợt 1 sẽ là thách thức với thí sinh. Nhưng điểm chuẩn thấp thì sẽ có hàng ngàn hồ sơ nộp vào và việc chọn ra khoảng 20 người theo chỉ tiêu không đơn giản”.

Sẽ xuất hiện làn sóng Nam tiến

Theo dòng sự kiện:
Hơn 80 trường công bố điểm trúng tuyển (16/08)
Thêm hai ĐH TP HCM công bố điểm chuẩn (15/08)
Gần 40 trường công bố điểm trúng tuyển (14/08)
Gần 30 trường công bố điểm trúng tuyển (13/08)
Các trường đồng loạt thông báo điểm trúng tuyển (13/08)
Xem tiếp»

Theo Trưởng phòng Đào tạo ĐH Luật TP HCM, thí sinh khối C ở các trường phía Nam có điểm từ 17 trở lên tương đối ít. “Với mức chuẩn này, thí sinh các trường phía Bắc dễ trúng tuyển hơn, vì nhìn chung điểm tuyển sinh phía Bắc cao hơn. Chắc chắn chúng tôi sẽ nhận nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh miền Bắc”, ông này cho biết.

So với các ĐH công lập, “cửa vào” nhiều ĐH dân lập phía Nam còn rộng mở. Phần lớn điểm chuẩn NV2 những trường này ngang với điểm NV1, ở mức 15-16 điểm. Với điểm số dưới 18, các thí sinh miền Bắc rất ít cơ hội trúng tuyển, kể cả ĐH dân lập ở Hà Nội. Tuy nhiên, tại miền Nam, cơ hội của những thí sinh này khá rộng mở.

Trao đổi với VnExpress, Hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TP HCM cho biết, hiện nay, thí sinh chưa nhận được phiếu báo điểm nên chưa đủ điều kiện đăng ký xét tuyển. Nhưng trung bình 10 thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển thì có 3 người ở khu vực phía Bắc, một con số kỷ lục từ trước đến nay.

Năm ngoái, hiện tượng "đổ bộ" của thí sinh phía Bắc vào Nam xét tuyển NV2 sẽ giúp các trường ở đây tuyển đủ lượng thí sinh với chất lượng cao. Tất nhiên, thí sinh nếu trúng tuyển và vào học trong Nam sẽ phải chấp nhận tốn kém hơn. Đây sẽ là một thách thức đối với phụ huynh, thí sinh, đặc biệt những gia đình nông thôn.

Việt Anh - Lương Nga