TT - Hôm qua, đứa em gái của tôi vừa đi học về đã tức tưởi kể lại câu chuyện mà nó vừa chứng kiến trong lớp. Một nhỏ bạn của em tôi, vì gia đình đang có chuyện buồn nên không nộp bài làm văn (về nhà) vào tiết một theo yêu cầu của giáo viên.
Bù lại, em đã cố gắng hoàn thành bài tập để nộp cho cô vào tiết ba. Thế mà cô giáo dạy văn ấy đã chẳng nói chẳng rằng, xé bài của cô trò nhỏ trước mặt cả lớp.
Em tôi và các bạn của nó đã 18 tuổi, chúng đã đủ lớn để nhận ra rằng đó là một việc làm phản sư phạm. Cho nên tôi tự hỏi người giáo viên ấy có biết cô đã đánh mất hình ảnh mẫu mực của mình trong mắt học sinh không? Cô có hay rằng mình đang làm cho các em hoài nghi về những bài học “giữ gìn sách vở, trân trọng chữ nghĩa” mà các em đã được học từ thuở còn thơ?
Tôi nhớ bài học vỡ lòng của tôi chính là bài học về việc giữ gìn tập sách. Chữ viết sạch sẽ, không làm vấy bẩn ra tập, bao bìa dán nhãn đàng hoàng... Đó là những công việc mà bất kỳ học sinh nào cũng được rèn luyện từ khi chập chững bước vào thế giới học thức. Kiến thức là kho tàng quí giá nhất của nhân loại và sách vở chính là phương tiện mang kho tàng ấy đến với con người. Chỉ có tôn trọng sách vở, người ta mới có thể tiếp nhận một lượng kiến thức phong phú và đẹp đẽ.
Ngày tôi học tiểu học, thầy tôi nghiêm khắc tới mức tập sách phải đóng bìa plastic để không làm quăn góc, không được viết bất cứ thứ gì vào sách (kể cả bằng bút chì), giấy kiểm tra phải được rứt ra từ một quyển tập riêng và quyển tập ấy phải được rút kim trước để giấy không bị rách lỗ... Thầy đã dạy cho bọn trò chúng tôi một lẽ học: phải nâng niu, kính trọng chữ nghĩa thì chữ nghĩa mới chịu ở lại lâu dài với mình!
Tất nhiên em học sinh có lỗi, nhưng bài làm văn vẫn là công sức của em, là kiến thức, là những gì mà em đã được tiếp thu từ cô rồi gửi gắm vào bài viết. Xé bài - đó thật sự không chỉ là một hành động nhục mạ học sinh. Câu “giấy rách phải giữ lấy lề”, nghĩa đen chính là một sự trân trọng tuyệt đối dành cho chữ nghĩa.
Xét từ khía cạnh của một học sinh, xé bài trước cả lớp là hành động làm nhục nặng nề. Xét từ khía cạnh của người cầm phấn, đó là việc làm phản sư phạm. Còn đứng từ góc nhìn của một người lớn có suy nghĩ, đó là thái độ nóng nảy, không biết tự kiềm chế bản thân. Rất mong cô giáo của em tôi sau giây phút nóng giận hãy bình tâm suy xét về hành động của mình.
LÊ HỮU
▪ 'Em muốn góp ý kiến của mình cho giáo dục nước nhà' (07/10/2005)
▪ Thêm 3 trường công bố điểm chuẩn NV3 (07/10/2005)
▪ 'Tôi đánh giá cao suy nghĩ của em nữ sinh' (06/10/2005)
▪ Một quyết định được lòng phụ huynh! (07/10/2005)
▪ Triển lãm giáo dục Mỹ (06/10/2005)
▪ Định hình một lớp doanh nhân sinh viên (06/10/2005)
▪ Tăng học phí: Có tăng chất lượng? (06/10/2005)
▪ Trả lại "hình hài thiết kế" cho ĐH mở Việt Nam! (07/10/2005)
▪ Trao học bổng Panasonic, Samsung cho sinh viên xuất sắc (05/10/2005)
▪ Học bổng 'Lá phong' đến với sinh viên nghèo Cần Thơ (05/10/2005)