Thí sinh đến nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 trực tiếp tại Trường ĐH dân lập Tôn Đức Thắng sáng 26-8-2005 - Ảnh: Như Hùng |
TT - Xem lại điểm chuẩn xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2) năm 2004 của các trường ĐH, bạn sẽ thấy nhiều ngành năm 2005 này lại tiếp tục xét tuyển NV2.
Tham khảo điểm chuẩn xét tuyển của mùa tuyển sinh năm trước sẽ ít nhiều giúp thí sinh (TS) có thêm thông tin để quyết định lần cuối: chọn ngành nào cho NV2...
Điểm xét tuyển khác xa điểm chuẩn!
Trong một buổi tư vấn tuyển sinh, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM) đã khuyên TS nên cân nhắc khi nộp hồ sơ đăng ký vào một số ngành có xét tuyển NV2 của các trường công lập, vì những ngành này thường có điểm chuẩn (ĐC) khác xa so với điểm sàn (ĐS) xét tuyển.
Lời khuyên này không phải không có lý khi mà tại ĐHQG TP.HCM, khoảng cách giữa ĐS xét tuyển NV2 và ĐC rất cách biệt. Với những ngành có ĐS xét tuyển NV2 cao như công nghệ thông tin (21) thì ĐC được đẩy lên thành 21,5. Còn những ngành có ĐS xét tuyển 18 hay 19 điểm thì ĐC cũng cao không kém, như các ngành thủy lợi - thủy điện - cấp thoát nước ĐS 17 thì ĐC là 20,5; ngành vật lý kỹ thuật ĐS 17, ĐC 20; hai ngành kỹ thuật địa chính và trắc địa - địa chính cùng có ĐS là 17 và cùng ĐC là 19.
Thế nhưng khoảng cách điểm nói trên vẫn không là gì cả so với ngành toán - tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên, khi ĐC cách ĐS đến 3,5 điêm. Các ngành khác của trường này cũng có sự cách biệt khá rõ như ngành vật lý ĐS là 17 thì ĐC là 20,5; ngành sinh học ĐS là 20 và ĐC là 23 điểm.
Cũng cần phải nói thêm rằng phần lớn những ngành nói trên là những ngành tuyển sinh khối A và điểm thi khối này năm 2004 vốn không "được mùa" như mùa tuyển sinh 2005 này. Nghĩa là năm nay khoảng cách ấy có thể sẽ còn "khủng khiếp" hơn.
Năm trước, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã trở thành một trường hợp "sát thủ" khi tung chiêu ĐS xét tuyển các ngành đều là 14 điểm, để rồi sau đó ĐC đã đội lên một cách chóng mặt khiến nhiều TS phải mất đi NV2 một cách oan uổng, như ngành điện tử và tự động tàu thủy ĐC đến 20, cơ giới hóa xếp dỡ 19, bảo đảm an toàn hàng hải 18...
Tương tự, ở Trường ĐH Nông lâm TP.HCM ngoài ngành công nghệ thông tin có ĐS là 18 và hai ngành chăn nuôi và ngư y có chung ĐS là 16, những ngành còn lại tuyển khối A đều lấy chung 15 điểm. Kết quả là ĐC tăng khá cao vì có nhiều TS thấy ĐS thấp cùng lúc nộp hồ sơ vào, như ngành ngư y lấy 20,5 điểm, chăn nuôi 20, kinh tế tài nguyên môi trường khối A lấy 18,5 điểm, khối D 19 điểm. Chỉ một số ngành có ĐC không cao lắm so với ĐS là chế biến lâm sản (ĐC 15) hay ba ngành cơ khí bảo quản, cơ khí nông lâm, công nghệ giấy và bột giấy cùng có ĐC là 16,5.
Chọn NV2 như thế nào?
Tổng quan giữa ĐS xét tuyển và ĐC NV2 mùa tuyển sinh 2004 của các trường công lập thường cách nhau 2 điểm. Đối với những ngành có ĐS xét tuyển cao thì ĐC không cách xa lắm, trong khi những ngành có ĐS thấp thì ĐC thường cách biệt khá lớn so với ĐS, vì có quá nhiều TS điểm thi bằng với ĐS xét tuyển đã nộp hồ sơ vào nhằm tìm kiếm cơ may cho mình.
Chọn như thế nào để không bị mất đi NV2 một cách oan uổng không phải là dễ dàng, ngoài việc TS phải biết ước lượng giữa điểm thi của mình và ĐS xét tuyển. Nếu điểm thi chỉ bằng hoặc hơn ĐS từ 0,5-1 điểm thì cơ may trúng tuyển NV2 vào các trường ĐH công lập hầu như không có.
Điều quan trọng là mỗi TS phải hết sức bình tĩnh cân nhắc giữa các ngành có tuyển NV2 của các trường, theo dõi thêm thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để biết thêm ngành nào, trường nào đã nhận được bao nhiêu hồ sơ xét tuyển NV2, từ đó làm cơ sở để tiến hành nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Một chi tiết nữa khiến nhiều TS lầm tưởng rằng nếu tuyển thiếu các trường ĐH công lập sẽ tuyển bằng ĐS xét tuyển các trường đã công bố, mà quên rằng các trường này sẵn sàng nhận hồ sơ xét tuyển NV3 để nâng cao chất lượng đầu vào.
Mặc dù theo qui định, TS nếu trúng tuyển NV2 sẽ không được xét tuyển NV3, nhưng trên thực tế lại không có một biện pháp nào quản lý qui định này cả, dẫn đến việc TS có thể nộp cùng một lúc cả NV2 lẫn NV3 để sau đó có thể chọn một nguyện vọng tốt hơn để học. Và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "ảo" NV2 tại các trường ĐHDL có xét tuyển NV2, 3 vẫn diễn ra hằng năm.
Điển hình như năm 2004, Trường ĐHDL Văn Hiến đã không thể mở được ba ngành điện tử viễn thông, tiếng Pháp và tiếng Trung vì không đủ người học. Lượng TS trúng tuyển NV2 vào trường này là 423, NV3 là 1.376 nhưng nhập học chỉ có 778 TS.
NGUYỄN PHAN
▪ Học bổng học Thạc sĩ Đại học Queensland (26/08/2005)
▪ VN đoạt 1 huy chương bạc, 3 huy chương đồng (26/08/2005)
▪ AIT khai giảng chương trình đào tạo iEMBA (26/08/2005)
▪ Nhật Bản: Các trường ĐH tư “vật lộn” với việc tuyển sinh (26/08/2005)
▪ Giấy báo điểm: Kẻ nhận nhanh, người dài cổ! (26/08/2005)
▪ Ngày đầu xét tuyển NV 2: Vắng vẻ! (26/08/2005)
▪ Tiếp tục chương trình “Hướng nghiệp & du học” (26/08/2005)
▪ Việt Nam đoạt 4 huy chương Olympic Tin học quốc tế (26/08/2005)
▪ Giấy báo điểm: Kẻ nhận nhanh, người dài cổ! (26/08/2005)
▪ Số lượng học sinh TP.HCM tăng quá nhanh (26/08/2005)