Trong quý 2, Công ty cổ phần G7 sẽ bật đèn xanh cho chuỗi hệ thống phân phối G7 Mart, dự kiến với 5.000 siêu thị thành viên. Trước mắt, 500 siêu thị G7 mở cửa tại các thành phố lớn sẽ mở đầu cho việc lên đời các cửa hàng bán lẻ bình dân theo mô hình kinh doanh 24 giờ của tập đoàn 7-Eleven tại Thái Lan.
Đây không phải là lần đầu tiên loại hình siêu thị 24 giờ được thành lập tại Việt Nam. 7 năm trước, Massan Group cũng đã mở một loạt siêu thị tự chọn mở cửa suốt ngày đêm tại TP HCM. Song, các siêu thị này chỉ cầm cự được một thời gian ngắn, rồi đóng cửa. Đại diện của Massan cho biết, thất bại này chủ yếu là do mô hình 24 giờ còn quá mới ở Việt Nam, người tiêu dùng chưa có thói quen mua sắm vào ban đêm và cạnh tranh không xuể với các loại hình bán lẻ bình dân khác như chợ, cửa hàng, siêu thị...
![]() |
Siêu thị bình dân tồn tại song song cùng siêu thị hiện đại. Ảnh: A.T. |
Còn bây giờ, với G7 mart, liệu các nhà đầu tư có quá phiêu lưu? Trả lời câu hỏi này của VnExpress, Trưởng phòng đối ngoại G7 Đặng Thanh Hùng cho rằng, công ty này học được nhiều kinh nghiệm từ thất bại của Massan Group và thành công của chuỗi bán lẻ 24 giờ 7-Eleven Thái Lan. Theo ông Hùng, nếu Massan tự bỏ vốn thành lập cửa hàng 24 giờ, thì các siêu thị G7 lại lựa chọn từ những cửa hàng bán lẻ bình dân đang hoạt động hiệu quả, theo nhiều tiêu chí đánh giá của công ty này như doanh thu tháng, quy mô cửa hàng, diện tích, vị trí... Với hình thức hợp tác kinh doanh, nhượng quyền thương hiệu, chủ các cửa hàng bán lẻ sẽ ký hợp đồng với G7 để trở thành thành viên của chuỗi thương hiệu này.
Đổi lại, theo đúng công thức nhượng quyền thương hiệu, G7 sẽ đầu tư cửa hàng theo một thiết kế trang trí độc quyền, cung cấp và phân phối hàng tập trung, đồng thời thiết lập những dịch vụ giá trị gia tăng như phát hành thẻ mua hàng trả trước khuyến mãi 10% trên giá trị thẻ, thanh toán chi phí các dịch vụ sinh hoạt như điện nước, điện thoại... để phục vụ người tiêu dùng.
Liên kết để tồn tại
Ông Đặng Thanh Hùng cho rằng, đã đến lúc ngành phân phối Việt Nam xác định phân khúc thị trường của mình và chiếm lĩnh trước khi các đại gia nước ngoài ào ạt đổ vào. Phân khúc đó theo ông Hùng, chính là chuỗi siêu thị bình dân về sản phẩm, hạ tầng như không có máy lạnh, nhưng hiện đại ở khâu phân phối hàng, dịch vụ và hậu mãi.
Chia sẻ quan điểm này bà Bùi Thị Lan Hương, giảng viên kinh tế Trung tâm đào tạo Pháp Việt cho hay bên cạnh các trung tâm bán lẻ hiện đại, các siêu thị bình dân dành cho công nhân, người lao động thu nhập thấp vẫn rất thành công ở Pháp, Đức. Những cơ sở này đôi khi chấp nhận bán dưới giá thành của nhà sản xuất để kích cầu.
Tuy không trở thành một trào lưu song tại TP HCM và Hà Nội một số cửa hàng bán lẻ đã áp dụng chiêu thức trên và khá thành công. Shop bách hóa Thu trên đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, chỉ rộng khoảng 30 m2, nhưng hiện có doanh thu gần nửa tỷ đồng mỗi tháng. Bật mí bí quyết kinh doanh, chủ shop cho biết, thay vì bán bằng với giá niêm yết trên sản phẩm của nhà cung cấp, chị đã xuống 2.000-3.000 đồng nên khách hàng rất thích. "Lợi nhuận có được chủ yếu là từ chiết khấu hoa hồng từ nhà cung cấp, nhưng bù lại lượng khách mua tăng cao", chị Thu nói.
Thông thường chiết khấu của nhà sản xuất dành cho khâu bán lẻ khá cao phổ biến nhất là hàng hóa mỹ phẩm, tiêu dùng, chẳng hạn Bitis dành tới 15%. Khoảng cách khá lớn này giúp các cửa hàng bán lẻ có thể linh hoạt đưa ra các mức giá thấp hơn mức niêm yết để thu hút khách hàng.
Theo giới kinh doanh bán lẻ, trên bản đồ phân phối hàng tại Việt Nam, đến 90% thị trường vẫn còn do các kênh cung cấp truyền thống như chợ, cửa hàng bán lẻ, shop... chi phối. Các kênh phân phối hiện đại chỉ mới nắm được 10% thị trường. Trong khi đó, người tiêu dùng trẻ (từ 18 đến 35 tuổi) có xu hướng thích mua sắm tại các cửa hàng chuyên và siêu thị, họ thích đi tham quan nhiều cửa hàng không ngại xa hay gần trước khi quyết định mua.
Trước sức ép cạnh tranh của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Metro, Big C, Parkson...con đường duy nhất để tồn tại của các nhà phân phối nhỏ Việt Nam là liên kết. "Chỉ có phối hợp với nhau mới tăng sức mạnh cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài", Tổng giám đốc Saigon Coop - đơn vị được xem là nhà phân phối số 1 tại Việt Nam - ông Nguyễn Ngọc Hòa nói. Từ 2 năm nay, nhà bán lẻ nội địa này đã nhắm đến chiến lược mở rộng mạng lưới phân phối về các tỉnh và tăng cường liên kết với các nhà phân phối trong nước khác như Strata, Vissan, Unilever... Hàng loạt siêu thị mới của Saigon Coop đang được đầu tư xây dựng ở các tỉnh Trung, Nam, Tây Nguyên, dự kiến cuối năm nay sẽ đi vào hoạt động.
Bà Phạm Chi Lan, thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng sự xuất hiện của hệ thống siêu thị lớn không đồng nghĩa với xóa bỏ hệ thống phân phối bán lẻ truyền thống. Một số nước vẫn duy trì nâng cấp được hệ thống bán lẻ truyền thống để cùng tồn tại với hệ thống siêu thị theo kiểu của phương Tây.
Bà lan dự đoán với cơ cấu kinh tế, dân cư và mức sống của VN trong vòng 5-10 năm tới nếu hành động kịp thời các doanh nghiệp Vn vẫn hoàn toàn có thể xác lập chỗ đứng của mình cả ở hệ thống siêu thị. "Tạo được liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ, liên kết giữa các vùng sẽ tạo ra khả năng thích ứng cao", bà Lan phân tích.
Việt Phong - Phan Anh
▪ Tạm dừng thanh lý nhà chuyên dùng (30/03/2006)
▪ Quảng Ngãi: Dừng thi công tất cả cầu, cống tuyến đường Sơn Bua - Sơn Mùa (30/03/2006)
▪ Giá tăng, tôm chết, nuôi cá... theo giá! (30/03/2006)
▪ Bàn Xuân Hoà bị "nhái" kiểu dáng? (30/03/2006)
▪ Chỉ thị về tiết kiệm điện (30/03/2006)
▪ Vàng sụt giá ngay khi FED tăng lãi suất (30/03/2006)
▪ Tạo đất lành (30/03/2006)
▪ Nới lỏng quản lý nhập khẩu đường (30/03/2006)
▪ Việt Nam tiến gần hơn đến quy chế thành viên WTO (29/03/2006)
▪ Doanh nghiệp New Zealand quan tâm dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (29/03/2006)