Chỉ số tăng trưởng kinh tế quý I: 7,2% không thuyết phục
Các Website khác - 03/04/2006

Chỉ số tăng trưởng kinh tế quý I: 7,2% không thuyết phục
Đình Chúc

Xung quanh chỉ số tăng trưởng GDP quý đầu năm (tạm tính là 7,2%) có khá nhiều cách nhìn nhận. Người thận trọng thì cho đây là mức "tăng trưởng không quá thấp", nhưng không ít ý kiến lại thẳng thắn: Một con số không có dấu ấn, thậm chí thất vọng! Song dẫu sao thì mức tăng trưởng 7,2% rõ ràng thấp hơn chỉ số tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái (7,4%), càng cách xa so với mức tăng trưởng cả năm ngoái (8,4%) và cũng rất khiêm tốn so với mục tiêu tăng trưởng cả năm nay (8%).

Nhiều chỉ tiêu hụt hẫng
Nhìn vào số liệu thống kê thuần tuý thì "thủ phạm" chính kéo GDP quý I xuống thấp chính là tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản (vốn chiếm khoảng 14,4% GDP toàn quý), chỉ tăng bằng non nửa năm ngoái (2,1/4,3%). Điều này lý giải vì sao lĩnh vực này chỉ đóng góp có 0,3 điểm phần trăm vào chỉ số tăng trưởng chung.

Mảng công nghiệp và xây dựng mặc dù chiếm tới 43,2% trong cơ cấu GDP của quý I, nhưng 3 tháng qua, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế này chỉ đạt 14,7%, kém chỉ tiêu cả năm tới 0,8%. Ngay cả lĩnh vực dịch vụ và xuất khẩu dù đã gắng sức vươn lên chiếm tới 42,4% GDP, trong đó xuất khẩu tăng tới 20%, nhưng tính bình quân kim ngạch chỉ đạt 2,85 tỉ USD/tháng (thấp xa so với mức phải phấn đấu 3,2 tỉ USD/tháng của cả năm 2006).

Cũng không thể không lo ngại khi TPHCM - một trung tâm kinh tế lớn nhất nước 3 tháng qua chỉ tăng trưởng 9,5% - thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra (12%). Một trong những "điểm sáng" kinh tế trong quý I là chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) chỉ giới hạn ở mức 2,8% cũng được một quan chức Bộ Công nghiệp khắt khe nhận xét là do tâm lý tiêu dùng chứ không phải giảm giá thực chất!

Lỗi khách quan: Chưa đủ
Ngay từ cuối năm ngoái, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, muốn GDP cả năm đạt và vượt 8% thì ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm 2006 phải làm việc thực sự, làm việc cật lực. Nhưng kết quả trên rõ ràng chưa thể hiện tinh thần này.

Thứ nhất là dường như xuất hiện tâm lý "con chim sợ cành cây cong" khi một loạt vụ tiêu cực bê bối trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản bị phanh phui nên tốc độ giải ngân đầu tư chỉ đạt trên 17% kế hoạch cả năm, trong đó khu vực DNNN tăng trưởng rất chậm.

Theo TS Lê Đăng Doanh, một nền kinh tế mà bị chững lại trong đầu tư sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Chưa hết, theo các số liệu thống kê, một loạt ngành công nghiệp mũi nhọn như ôtô, xe máy, xe đạp, điện tử... cũng giảm mạnh do một số thay đổi trong điều tiết vĩ mô hoặc sức mua chững lại. Điều này giải thích vì sao chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 lại giảm tới 0,5% và kéo chỉ số CPI cả quý xuống 2,8%.

Tuy nhiên, có một nguyên nhân làm cho chỉ số tăng trưởng kinh tế chậm lại là khu vực kinh tế có vốn nước ngoài sau một thời gian bứt phá nay có phần "đủng đỉnh" do hụt hẫng về lao động, cùng những khó khăn về đầu ra tại các thị trường xuất khẩu.

Không nên quá lo lắng?
TS Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM - đã tỏ ra không quá bi quan, khi ông cho rằng chỉ số tăng trưởng quý I thường chưa nói lên nhiều điều. Nghiên cứu biểu đồ tăng trưởng kinh tế trong vài năm gần đây đã nhận thấy: Các tháng đầu năm thường tăng trưởng chậm, sau đó tăng tốc vào giữa và cuối năm.

Theo một chuyên gia Bộ Thương mại, với 56 triệu USD xuất siêu trong quý I, xuất khẩu (vốn chiếm tới 40% GDP) trong những tháng tới sẽ thuận hơn do cán cân ngoại thương đang nghiêng về xuất siêu và điều này sẽ tăng thêm ngoại tệ để kích cầu. Các làn sóng đầu tư từ Nhật, Thái Lan, Mỹ... cũng sẽ thành hiện thực trong các tháng tới. Lĩnh vực nông nghiệp sẽ hồi sinh trở lại khi hậu quả của cúm gà được giải quyết.

Một chuyên gia Bộ KHĐT dự báo rằng, kinh tế các tháng tiếp theo và cả năm sẽ sáng sủa hơn, nhưng cũng phải cần nỗ lực rất lớn.