Gần đây một số nhà đầu tư phản ánh về tình trạng đặt lệnh mua và bán trong giờ giao dịch nhưng không được nhập vào hệ thống. Theo các công ty chứng khoán, nguyên nhân là lượng giao dịch quá nhiều, nhất là vào thời điểm gần chốt giá, trong khi điều kiện máy móc hạn chế.
Sàn giao dịch của Công ty chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACBS) vào giờ giao dịch lúc nào cũng kín chỗ. Đặc biệt là thời điểm sát giờ chốt lệnh giao dịch, nhà đầu tư phải chen lấn để đặt lệnh. Đây là thời khắc vàng để nhà đầu tư quyết định lệnh mua bán.
Giao dịch mua bán chứng khoán đang tăng dần, bình quân mỗi ngày có 8-10 nhà đầu tư tới ACBS để mở tài khoản. Trong khi, quy mô thị trường chưa thể thay đổi ngay nên khó tránh khỏi việc nghẽn lệnh ở các công ty chứng khoán.
Mỗi phiên giao dịch có hai đợt khớp lệnh, đợt 1 diễn ra trong 20 phút, đợt 2 là 30 phút. |
Chị Thùy Anh, một nhà đầu tư cho biết, trong phiên giao dịch ngày 20/3 vừa qua chị đặt lệnh mua cổ phiếu GMD vào phút thứ 25 của đợt khớp lệnh lần hai, nhưng lệnh mua trật nhịp, bởi nhân viên của công ty chứng khoán không nhập kịp dữ liệu của máy tính.
Cũng vì ùn tắc vào giờ cao điểm nên trong khá nhiều trường hợp nhà đầu tư bị thua thiệt. Ông Trần Phúc Nhân, nhà đầu tư tại sàn Bảo Việt Hà Nội cho hay, tháng trước ông đặt lệnh bán BBT, do không chú ý ông bán giá thấp hơn mức phổ biến 1.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó ông mở tài khoản giao dịch tại sàn TP HCM, theo quy định ông phải hủy tài khoản đăng ký tại BVSC TP HCM mới được giao dịch tại sàn Hà Nội. Do chưa hủy tài khoản, ông đinh ninh lô cổ phiếu đó chưa mất, nhưng hơn một tuần sau kiểm tra tài khoản ông mới biết lệnh đó đã được khớp. Hỏi công ty thì ông nhận được câu trả lời: "Do lệnh đặt mua bán nhiều quá không kiểm tra xuể".
Giờ giải lao nhưng phòng giao dịch của ACBS vẫn kín chỗ. Ảnh: T.V. |
Nghẽn vì nhà đầu tư đặt lệnh trễ
Theo ông Nguyễn Hồng Nam, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), hiện SSI đã có 4 đầu máy tại TTGDCK. Với 4 máy này SSI đủ khả năng để nhập lệnh giao dịch của nhà đầu tư chuyển đến từ công ty. Tuy nhiên, nếu giới đầu tư chỉ tập trung đặt lệnh vào giờ cuối thì khó tránh khỏi việc nghẽn lệnh. Chẳng hạn 10h30 là chốt phiên giao dịch đợt hai trong ngày, nhưng có nhiều lệnh được đặt lúc 10h29 phút khiến nhân viên không thể thực hiện kịp.
Mặt khác, quy trình nhận chuyển lệnh mua bán tại các công ty chứng khoán VN phải xứ lý qua nhiều công đoạn, tốn thời gian. Vào phiên giao dịch, khách hàng muốn mua hay bán cổ phiếu sẽ chuyển lệnh cho một cán bộ môi giới, nếu là lệnh bán nhân viên này có trách nhiệm kiểm tra số dư chứng khoán, nếu là lệnh mua sẽ kiểm tra tiền trong tài khoản, sau đó rà soát mẫu con dấu, số tài khoản... Lệnh tiếp tục chuyển cho trưởng phòng, sau đó được chuyển sang trung tâm giao dịch. Nếu giao dịch tự động, lệnh đó sẽ nhảy vào hệ thống của trung tâm, nhưng tại VN do cơ chế giao dịch bán tự động nên nó được chuyển sang máy chủ của các công ty đặt tại trung tâm.
Quy trình này đòi hỏi các công ty chứng khoán phải có đội ngũ nhân viên lành nghề, đặc biệt là trong bối cảnh quy mô giao dịch thị trường đang trên đà tăng trưởng khá cao. Điển hình như BVSC, trung bình mỗi ngày khoảng 500 lệnh mua bán thông qua công ty, thậm chí có ngày lên tới 800 lệnh. Với 4 đầu máy đặt tại TTGDCK TP HCM, việc nhập thành công toàn bộ lượng lệnh dồn quá lớn trong 3 phút cuối phiên là một nỗ lực lớn. Các công ty có lượng tài khoản giao dịch lớn như SSI, VCBS, ACBS, dù đầu tư 4 máy, song công việc có vẻ quá tải. Các công ty có thị phần môi giới nhỏ hơn chỉ duy trì 2-3 máy nhập lệnh.
Tuy nhiên, tổng giám đốc ACBS Lê Minh Tâm cho rằng, không phải có nhiều máy là giải quyết được tất cả mọi chuyện. Vấn đề quan trọng ở đây là việc đặt lệnh không nên đổ dồn vào phút cuối. Theo ông, một mối dưới nhập lệnh xuất sắc nhất trung bình cũng mất 6-7 giây mới nhập được một lệnh. Nếu nhận lệnh qua điện thoại thì nhân viên phải trừ 10 giây để nhấc máy nghe, đó là chưa kể thời gian kiểm tra số dư có thể phát sinh rắc rối. Như vậy, bình quân một nhân viên chỉ nhập tối đa 100-120 lệnh trong một phiên giao dịch. Nếu đặt lệnh sát với giờ chốt giá, sẽ dễ có nguy cơ bị đẩy khởi sàn.
Chị Đỗ Song Hồng, một nhà đầu tư chuyên nghiệp khuyến cáo, nếu đã có ý định mua cổ phiếu thì nhà đầu tư nên chuẩn bị trước một thời gian để có thể đặt lệnh sớm.
Thị trường tăng trưởng tốt mới đầu tư thêm
SSI và ACBS cho biết, nếu thị trường tiếp tục đà tăng trưởng như hiện nay, công ty sẽ đầu tư thêm máy tại TTGDCK trong thời gian tới.
Đại diện một công ty chứng khoán cho hay, ngoài tiền mua máy công ty còn phải trả phí 50 triệu đồng/năm cho TTGDCK TP HCM, hiện giờ phí môi giới giảm, hơn nữa thị trường chưa có tính ổn định. Thực tế, nhu cầu mua bán cổ phiếu chỉ mới bắt đầu sôi động nên công ty chưa có ý định mua thêm máy.
Trưởng phòng Quản lý thành viên TTGDCK TP HCM Trầm Tuấn Vũ cho biết, việc trang bị thêm máy để đáp ứng nhu cầu giao dịch là do các công ty chứng khoán tự đề xuất với trung tâm. Nếu các thành viên cảm thấy nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư tăng cao cần lắp thêm thiết bị thì chỉ việc đề xuất để được giải quyết. Tuy nhiên, nếu qua theo dõi và xét thấy tốc độ thị trường cũng như lượng tài khoản ngày càng tăng nhưng các thành viên không có sự đầu tư về máy móc thì TTGDCK sẽ có sự chỉ đạo, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu mua bán của nhà đầu tư.
Nguyễn Thùy - Việt Phong
▪ Giá vàng tăng mạnh (30/03/2006)
▪ Chưa ấn định phiên đa phương WTO tiếp theo (30/03/2006)
▪ Tạm dừng thanh lý nhà chuyên dùng (30/03/2006)
▪ Quảng Ngãi: Dừng thi công tất cả cầu, cống tuyến đường Sơn Bua - Sơn Mùa (30/03/2006)
▪ Giá tăng, tôm chết, nuôi cá... theo giá! (30/03/2006)
▪ Bàn Xuân Hoà bị "nhái" kiểu dáng? (30/03/2006)
▪ Chỉ thị về tiết kiệm điện (30/03/2006)
▪ Vàng sụt giá ngay khi FED tăng lãi suất (30/03/2006)
▪ Tạo đất lành (30/03/2006)
▪ Nới lỏng quản lý nhập khẩu đường (30/03/2006)