Dầu khí Việt Nam vươn ra nước ngoài
Các Website khác - 14/12/2005
Dầu khí Việt Nam: Vươn ra nước ngoài

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dầu thô năm nay dự kiến đạt 6,9 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay, nhưng nhiều chuyên gia dầu khí nhận định mức tăng trưởng này là do lợi thế giá dầu thô tăng mạnh trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu khí VN cũng đang điều chỉnh để có hướng đi vững chắc.

Mỏ dầu Sư tử đen.
Điều chỉnh sản lượng

Ông Phạm Quang Dự - Chủ tịch HĐQT PetroVietnam - đưa ra một con số đầy lạc quan về triển vọng khai thác dầu khí:

Đến nay, đã có 50 hợp đồng dầu khí được ký kết giữa PetroVietnam và các công ty dầu khí lớn trên thế giới, trong đó 27 hợp đồng đang còn hiệu lực hoạt động với tổng số vốn đầu tư cho thăm dò khai thác tại VN đạt trên 7 tỉ USD.

Kết quả tìm kiếm thăm dò đã phát hiện hơn 70 mỏ, trong đó đã đưa vào khai thác 10 mỏ với sản lượng dầu khí quy dầu khoảng 79.000m3 (tương đương khoảng 530.000 thùng dầu/ngày đêm).

Tổng trữ lượng dầu khí và tiềm năng dầu khí tại các bể trầm tích của Việt Nam được dự báo khoảng 4,6 tỉ mét khối quy dầu, trong đó, trữ lượng đã phát hiện khoảng 1,210 tỉ mét khối.

Sau một thời gian dài lên đến sản lượng đỉnh, XNLD dầu khí Vietsovpetro đang phải điều chỉnh sản lượng khai thác từ 13 triệu tấn những năm trước xuống còn 10,6 triệu tấn trong năm nay và dự kiến sản lượng năm sau sẽ còn khoảng 9,6 triệu tấn.

Để bù đắp sản lượng thiếu hụt của mỏ dầu lớn nhất nước, PetroVietnam chủ trương tăng sản lượng khai thác ở một số mỏ đang khai thác và dự kiến sẽ phát triển thêm các mỏ mới như mỏ Rạng Đông do JVPC (Nhật Bản) điều hành, Hồng Ngọc do Petronas (Malaysia) điều hành và mỏ Sư Tử Đen do Liên doanh Cửu Long JOC điều hành (trong đó VN góp trên 50% vốn).

Các mỏ trong kế hoạch chuẩn bị đưa vào khai thác là Hải Thạch, Rồng Đôi, Rồng Đôi Tây, Sư Tử Vàng... Sản lượng khai thác dầu khí cũng vì thế tăng nhanh, dự báo, VN sẽ đạt tới tấn dầu thứ 200 triệu vào đầu năm tới.

Mở rộng đầu tư ra nước ngoài
Ông Phạm Quang Dự cho biết, để duy trì sản lượng khai thác ổn định, liên tục từ nay đến năm 2010 và sau 2010, ngành cần gia tăng trữ lượng hằng năm (ở cả trong và ngoài nước) khoảng 35-40 triệu mét khối (tương đương 30-35 triệu tấn) quy dầu; đến 2010, toàn ngành phải đạt sản lượng khai thác 27-30 triệu tấn quy dầu/năm.

Tuy nhiên, theo tính toán, nguồn trữ lượng thu hồi tại các mỏ và phát hiện chỉ đảm bảo duy trì khai thác dầu thô ổn định ở mức 17-19 triệu tấn/năm cho tới năm 2012.

Cũng theo ông Dự, thời gian qua PetroVietnam đã tích cực tìm kiếm các hợp đồng dầu khí ở nước ngoài và kết quả là đã tham gia vào 7 đề án (trong đó trực tiếp điều hành 2 dự án tại Iraq và Algeria, tham gia 3 dự án tại Malaysia và 2 dự án tại Indonesia; đang giành được quyền lựa chọn sẽ tham gia vào 1 dự án tại Mông Cổ).

Theo đánh giá PetroVietnam, tổng trữ lượng dầu khí của các phát hiện từ các hợp đồng đầu tư ra nước ngoài hiện có khoảng 120 triệu mét khối quy dầu, trong đó phần mang về nước (tính theo tỉ lệ PetroVietnam tham gia) khoảng 80 triệu mét khối quy dầu. PetroVietnam đặt mục tiêu, giai đoạn 2005-2010 tập trung đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm dự án mới ở nước ngoài để có thể ký được 6-7 dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác.

Gia tăng trữ lượng dầu khai thác ở nước ngoài khoảng 35-40 triệu tấn quy dầu để bắt đầu có sản lượng khai thác vào cuối năm 2006. Đến năm 2010, sản lượng dầu khí khai thác từ nước ngoài ổn định ở mức 1-2 triệu tấn quy dầu; đến năm 2015 đạt từ 3-4 triệu tấn và 5-6 triệu tấn từ sau năm 2020.

PetroVietnam cũng đang đề nghị Chính phủ có cơ chế và hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài để hoạt động này sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Để nhanh chóng tìm kiếm được các dự án mới ở nước ngoài một cách hiệu quả, PetroVietnam kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành các chính sách và cơ chế thống nhất thuận lợi để tạo điều kiện cho hoạt động dầu khí ở nước ngoài như quy chế đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ra nước ngoài, quy chế về thành lập mới hoặc mua lại công ty ở nước ngoài, quy định về tái đầu tư, chuyển lợi nhuận...

Hồng Quân