Dự án càphê Chư Prông (Gia Lai): Chông chênh bên bờ vực
Các Website khác - 05/05/2006

Dự án càphê Chư Prông (Gia Lai):
Chông chênh bên bờ vực

Nguyễn Thịnh

Dự án càphê Chư Prông do Xí nghiệp càphê Vina thực hiện đang lâm vào tình thế chông chênh chưa từng có...

Chỉ tốt... một chiều
Từ năm 1999, trong làn sóng ồ ạt khai lập các dự án càphê ở Tây Nguyên của TCty Càphê VN, UBND tỉnh Gia Lai đã thoả thuận giao 881ha đất nông nghiệp trên địa bàn hai xã Ia Vê, Ia Pia (huyện Chư Prông) cho Xí nghiệp càphê Vina (thuộc Cty dịch vụ xuất khẩu càphê II đóng tại TP.Nha Trang - thành viên của TCty Càphê VN) để sản xuất - kinh doanh càphê. Đổi lại, dự án sẽ tiếp nhận đồng bào dân tộc bản địa vào làm công nhân.

Dự án Chư Prông được chia hai phần: Dự án càphê vối có tổng vốn trên 65,2 tỉ đồng, đến hết năm 2004 đã thực hiện được khối lượng gần 57,3 tỉ đồng. Toàn bộ dự án Chư Prông đã sử dụng được 622 lao động (trên tổng số LĐ theo nhu cầu là 1.150 người), trong đó có 374 LĐ người dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ, chiếm 68,18%. Chưa kể các sự hỗ trợ vật chất khác cho làng, xã trong vùng dự án.

Đến thời điểm bi đát nhất (tháng 3 - tháng 4.2006), dự án vẫn giữ được trên 600ha càphê và được coi là đạt "kết quả tốt nhất" so với các dự án càphê thuộc tổng công ty - theo đánh giá của ông Phan Đăng Hiên - Chủ tịch HĐQT TCty Càphê VN - tại cuộc họp với tỉnh Gia Lai vào trung tuần tháng 3 vừa qua. Song cũng từ cuộc họp này, rất nhiều hệ lụy từ dự án cũng được phơi bày.

Ly tán
Theo báo cáo của chính ban quản lý dự án, chỉ trong vài năm lại đây, khi càphê mất giá kéo dài, đã có hơn 200 công nhân - lao động bỏ việc vào các KCN phía nam; phần lớn các hộ đồng bào DTTS cũng bỏ vườn cây nhận khoán trở lại... làm rẫy, hoặc chấp nhận làm thuê.

Biến động xấu về giá cũng khiến các tổ chức tín dụng dừng hoặc giải ngân dè dặt so với tiến độ dự án; mặt khác, tình hình tài chính tồi tệ ở công ty "mẹ" - Cty dịch vụ XNK càphê II Nha Trang - khiến các ngân hàng dừng việc cho vay... Khó khăn chồng chất còn khiến từ đầu năm 2005, một bộ phận công nhân người DTTS bị chậm lương và toàn bộ công nhân người Kinh đã không có lương suốt từ tháng 6.2005 đến nay.

Mới đây, trong giữa lãnh đạo tổng công ty với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, một số giải pháp "phủi nóng" đã được lãnh đạo tỉnh Gia Lai kết luận, như kiểm tra quỹ đất chưa sử dụng; áp dụng các chính sách mới (giảm định mức, hỗ trợ khác...) cho công nhân DTTS; phân định lại tư cách pháp nhân của dự án... nhằm duy trì dự án như một "bà đỡ" đủ lực đưa vùng dự án càphê Chư Prông phát triển cả về kinh tế lẫn xã hội. Tuy vậy, về phía TCty Càphê VN, các cam kết tích cực vẫn án binh bất động; và đến thời điểm này (tháng 5.2006), những khó khăn của dự án vẫn mỗi ngày một tăng.