Đua nhau nhập rác thải vào Việt Nam
Các Website khác - 23/03/2006
Nhập rác thải vào Việt Nam:
Đua nhau ập về cảng biển

"Việt Nam sẽ trở thành bãi rác thải khi được phép nhập khẩu xe ôtô cũ từ ngày 1.5 tới" - lời cảnh báo trên chưa biết có diễn ra hay không thì ngày 21.3.2006, tại cảng Hải Phòng, 4/46 container của cái gọi là "thiết bị văn phòng đã qua sử dụng" được kiểm tra đã phát hiện ra toàn là rác thải.

Trước đó, năm 2005, hàng trăm ngàn tấn ắcquy chì phế thải cũng đã được phát hiện tại cảng biển này. Lùi về xa hơn là rác nhựa, rác sắt thép đua nhau ập về cảng biển. Rõ ràng việc ngăn chặn rác thải nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam chưa có lời giải.

Những container rác thải công
nghiệp mới được nhập về cảng
Chùa Vẽ (Hải Phòng).

Chiều 22.3, ngay sau khi vừa trở về từ Hải Phòng để chứng kiến việc mở container và kiểm tra hàng hoá của 4/46 container nói trên, tiến sĩ Trần Thế Loãn - Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm- Cục Bảo vệ môi trường - đã có cuộc làm việc với phóng viên báo Lao Động.

- Đã hơn một lần các cơ quan chức năng, mà cụ thể là Bộ Tài nguyên - Môi trường cảnh báo về tác hại của việc nhập khẩu phế thải vào VN, nhưng việc nhập khẩu (NK) không những không giảm, mà còn gia tăng? Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao?

- Theo tôi, mục tiêu cao nhất của các DN là lợi nhuận nên để có lợi nhuận, DN đã bằng mọi cách NK vào trong nước cả những thứ mà DN biết chắc bị cấm. Tuy nhiên, cũng không loại trừ nhiều trường hợp chính các cơ quan chức năng tiếp tay cho DN, như vụ hàng chục ngàn tấn ắcquy chì NK mà báo chí đã lên tiếng gần đây tại cảng Hải Phòng.

Trước đó, một lãnh đạo địa phương đã đồng ý cho nhập để tăng nguồn thu cho địa phương. Ngay như vụ NK thiết bị văn phòng đã qua sử dụng này cũng vậy. Nếu cố tình vận dụng sai, cho rằng thiết bị văn phòng không cấm nhập thì lẽ đương nhiên, DN vẫn cứ nhập về mà không cần biết hậu quả ra sao.

- Có thể thấy việc thực hiện trên thực tế đang có "vấn đề", chứ không phải chúng ta chưa có quy định cụ thể về việc cấm nhập chất thải?

- Đúng như vậy. Theo Quyết định 2504 của Bộ Thương mại quy định về xuất nhập khẩu hàng hoá và Luật Bảo vệ môi trường năm 1994 quy định là "cấm nhập chất thải". Mà theo định nghĩa của luật: "Những thứ đã bị loại bỏ trong quá trình sản xuất đó là chất thải", do đó, những linh phụ kiện được chất đống, lộn xộn, không rõ nguồn gốc xuất xứ trong các container kể trên chiểu theo quy định không thể nói là còn giá trị sử dụng được. Đây là đống chất thải phải bị loại bỏ và cấm nhập khẩu vào VN.

- Theo Nghị định 138/NĐ-CP (NĐ quy định việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan), thì mức phạt cao nhất là 70 triệu đồng cho loại sai phạm này, theo ông đã đủ sức răn đe các hành vi vi phạm?

Việc nhập khẩu phế thải vào VN
vẫn tiếp tục gia tăng.
- Mức xử phạt theo NĐ 138/NĐ-CP 70 triệu đồng/lần vi phạm là mức phạt cao nhất, nhưng trên thực tế nhiều DN không bị xử phạt ở mức này. Mức xử phạt như trên là tương đối nhẹ, chưa đủ sức răn đe các hành vi vi phạm. Thực tế đã chứng minh, thời gian qua mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng bằng cách này, cách khác, DN vẫn nhập rác thải về và được núp dưới nhiều hình thức như nhập phế liệu cho sản xuất, tái chế để tái xuất. Vì vậy, tới đây các cơ quan nhà nước cần có chế tài xử phạt mạnh hơn mới đủ sức răn đe.

- Rõ ràng là cơ chế phối hợp giữa các ngành chức năng cũng còn có "lỗ hổng", chưa nói là nhiều khi còn "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", ông có cho rằng nguyên nhân một phần do chúng ta thiếu nhất quán và buông lỏng kiểm soát, giám sát?

- Đúng là khâu phối hợp giữa các lực lượng đang có vấn đề. Nhưng hiện quy định là lực lượng hải quan làm nhiệm vụ kiểm soát hàng hoá, khi nào có yêu cầu phối hợp Cục Bảo vệ môi trường mới vào cuộc, mà thường là xử lý khi "sự đã rồi" (các lô hàng đã được NK vào VN chứ không cản được các lô hàng phế thải khi chưa vào lãnh thổ), vì vậy hạn chế đáng kể hiệu quả phòng chống, phát sinh chi phí xử lý, tiêu huỷ. Quan điểm của Bộ TNMT cũng như Cục BVMT là chất phế thải đã là hàng cấm thì không có chuyện xin phép, hay phạt cho tồn tại mà phải buộc xuất ra khỏi VN và trả về nước XK.

Hồng Quân thực hiện

Một số vụ nhập khẩu chất thải điển hình trong thời gian gần đây:

- Cuối năm 2001, vụ NK 5.035 tấn chất thải phế liệu là sắt thép vụn tại cảng Hải Phòng, buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ VN.

- Năm 2004, vụ NK 13 container phế liệu nhựa tại cảng Hải Phòng, tái chế xử lý trong nước.

- Năm 2005, vụ 14 DN (chủ yếu ở Hải Phòng, Quảng Ninh) NK qua cảng Hải Phòng 374.263 tấn ắcquy chì cũ, buộc tái xuất, nhưng 14 container đang trên đường trở lại VN.

- Năm 2006, vụ NK 46 container thiết bị văn phòng đã qua sử dụng tại cảng Hải Phòng.

Nguồn: Bộ TN&MT