Lần đầu... ngủ qua đêm!
Các Website khác - 27/05/2006

Lần đầu... ngủ qua đêm!
Lâm Chí Công

Giấc mơ về một hành lang kinh tế Đông - Tây năng động và phồn thịnh, mà tâm điểm về phía Việt Nam chúng ta là con đường ngắn nhất từ Đà Nẵng đến Lao Bảo để đến với các quốc gia trên cùng hành lang đã và đang thành hiện thực, rõ ràng và sáng sủa hơn bao giờ hết.

Chưa tính đến những lĩnh vực buôn bán, giao dịch thương mại, dịch vụ, công nghiệp..., chỉ riêng sự bùng nổ của ngành "công nghiệp không khói" - du lịch Xuyên Á qua đường bộ số 9 trong vài năm lại đây, thực sự đã mở ra rất nhiều cơ hội, công ăn việc làm, thu nhập cho rất nhiều công ty, cá nhân ở các quốc gia trên hành lang, nhất là Việt Nam và Thái Lan.

Một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành ở các tỉnh thành miền Trung nước ta đang làm ăn được với các tour tuyến du lịch đường bộ hấp dẫn bởi giá cả phải chăng và chất lượng phục vụ ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Giám đốc Trung tâm lữ hành Sê Pôn (Quảng Trị) đã vỡ oà niềm vui khi phát biểu: "Lần đầu tiên du khách Thái đã "chịu" ngủ lại qua đêm ở Quảng Trị. Đây phải được coi là một cột mốc, sự kiện của ngành du lịch, nó cho thấy dân ta đã bắt đầu biết làm du lịch, biết chiều chuộng "Thượng đế"...".

Từ "sự kiện" lần đầu... qua đêm của người Thái cho thấy sự chuẩn bị cho hội nhập của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém. Một giám đốc doanh nghiệp người Thái có nhà máy sản xuất tại khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo nói rằng nhà máy của ông cần tuyển những kỹ sư, cử nhân kinh tế để trao trọng trách quản lý, điều hành công việc nhưng không có ai dám đáp ứng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Lê Hữu Thăng - người đặc trách về hội nhập hành lang kinh tế Đông - Tây, cũng thừa nhận tình trạng thiếu hụt, và sự chuẩn bị chưa tương xứng về nguồn nhân lực cho sự hội nhập trên hành lang kinh tế này.

Lâu nay, chúng ta vẫn thường kêu rằng thừa thầy thiếu thợ. Nhưng, thực tiễn từ các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp ở miền Trung đang gióng lên tín hiệu S.O.S rằng thầy cũng thiếu mà thợ cũng thiếu. Thanh niên thất nghiệp vẫn nhiều, nhưng nhà máy không nhận vào được vì họ không có và không chịu thích nghi với tác phong làm việc công nghiệp, không có khả năng, thói quen làm việc theo nhóm, dây chuyền... Cử nhân, kỹ sư không xin được việc làm vẫn nhiều nhưng nhà máy không nhận vì họ không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Một doanh nhân Thái nói rằng, cử nhân, kỹ sư của các bạn rất ít người nói được tiếng Anh (dĩ nhiên tiếng Thái càng không). Đấy là hệ quả của lối tư duy, cách làm giáo dục "đóng cửa dạy nhau", không cần biết cuộc sống, thị trường, hội nhập...

Cũng liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực và sự khơi thông trên con đường hội nhập, nhiều người đã và đang tiếp tục băn khoăn, lo lắng về những vướng mắc, lực cản cụ thể trên con đường Xuyên Á - đường số 9, nơi Quảng Trị đang án ngữ đầu cầu. Du khách thực sự ngạc nhiên trước việc có quá nhiều "barie" vô hình - kiểm soát trên đường 9.

Trả lời các nhà báo về băn khoăn này, ông Lê Hữu Thăng thừa nhận hiện đang có nhiều lực lượng, trạm chống buôn lậu trên con đường này và nó tạo ra một ấn tượng chưa được khơi thông thực sự trên hành lang kinh tế hội nhập này.

Đó là chưa kể, không ít người trong số nhân viên thực thi công vụ trên đường số 9 không được chuẩn bị để làm công việc giao tiếp với du khách nước ngoài. Và ở phương diện mỗi công dân là một sứ giả tiếp thị hình ảnh đất nước, những "barie vô hình" như vậy là cả một sự nhức nhối, tổn thương vô cùng lớn.