Ngân hàng muốn tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi
Các Website khác - 11/08/2005

Sự cố tin đồn thất thiệt cuối 2003 khiến hơn 1.000 tỷ đồng ồ ạt "chảy" khỏi Ngân hàng Á châu - ACB. Ngân hàng Phương Nam cũng một phen hú vía khi thông tin rủi ro tín dụng bị rò rỉ ra ngoài. Giữa thời khắc khó khăn đó, bảo hiểm tiền gửi được xem như một tấm bùa hộ mệnh giúp nhà băng trấn an khách hàng.

Lượng khách hàng đến rút tiền tại Phương Nam giảm dần sau khi biết tin tài sản của mình vẫn được bảo toàn.

Những ngày giữa tháng 10/2003, tin đồn Tổng giám đốc bỏ đi làm đảo lộn toàn bộ hoạt động của ACB, một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam. Lượng người đến rút tiền chỉ giảm bớt khi "nạn nhân" chính của tin đồn cùng Thống đốc ngân hàng trung ương xuất hiện với lời hứa bảo toàn tài sản cho khách gửi tiền tại ACB.

Gần đây nhất, đích thân Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cũng phải đứng trước hàng trăm khách hàng của Phương Nam để đưa ra cam kết tương tự, nhằm ổn định lại hoạt động của nhà băng cổ phần này sau vụ rò rỉ thông tin tín dụng không lành mạnh. Cơ sở của những cam kết đó chính là bảo hiểm tiền gửi.

Theo Nghị định số 89/CP ban hành ngày 1/9/1999 về Bảo hiểm tiền gửi, hạn mức chi trả bảo hiểm tối đa đối với người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng có sự cố là 30 triệu đồng. Hạn mức này nghĩa là khách hàng có thể an tâm nhận lại toàn bộ tài sản của mình nếu tổng tiền gửi và lãi không quá 30 triệu đồng. Trong trường hợp tiền gửi lớn hơn hạn mức kể trên, khách hàng được bảo hiểm 30 triệu đồng, phần còn lại sẽ được bù đắp từ nguồn dự phòng rủi ro của ngân hàng cũng như Ngân hàng Nhà nước. Bảo hiểm tiền gửi hiện là quy định bắt buộc đối với tất cả các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.

Giới kinh doanh ngân hàng cho rằng 5 năm qua, bảo hiểm tiền gửi đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình, nhưng trong điều kiện hiện nay, khi mức sống của người dân được cải thiện và lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng lên, hạn mức 30 triệu đồng không còn phù hợp. Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89 vừa trình Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã đề xuất nâng hạn mức lên 50 triệu đồng nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng và chia sẻ bớt gánh nặng rủi ro nếu có đối với ngân hàng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lo ngại mức 50 triệu đồng là quá cao, có thể phát sinh tư tưởng ý lại, các tổ chức tín dụng sẽ không áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn đúng mức. Hơn nữa, theo Bộ Tài chính, mức chi trả tối đa hiện nay (30 triệu đồng) gấp hơn 3 lần thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2004, cao hơn khuyến nghị chung của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF và thông lệ quốc tế. Trong khi đó, nguồn thu phí bảo hiểm tiền gửi còn hạn chế, chưa đủ năng lực tài chính để chi trả ngay khi các ngân hàng thương mại cổ phần mất khả năng chi trả.

"Phải thừa nhận tính hai mặt của bảo hiểm tiền gửi. Một mặt nó giúp bảo vệ khách hàng trong trường hợp ngân hàng gặp sự cố. Mặt khác nó cũng có nguy cơ dẫn tới những rủi ro về đạo đức kinh doanh. Nếu không được kiểm soát tốt, ngân hàng sẽ bỏ qua những yêu cầu về đảm bảo an toàn hệ thống, còn người gửi tiền có thể liều lĩnh gửi vào bất cứ ngân hàng nào mà không cần cân nhắc, bởi họ tin rằng tài sản của mình đã được bảo hiểm", Vụ trưởng Các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Kiều Hữu Dũng trao đổi với VnExpress.

Theo ông Dũng, kinh nghiệm xử lý vấn đề trên là tập trung bảo vệ quyền lợi cho khách hàng nhỏ, những người thu nhập thấp, ít thông tin và không đủ khả năng để lựa chọn nên gửi tiền ở ngân hàng nào. Ở Việt Nam, lượng khách hàng nhỏ thường chiếm 75-80% và số tiền họ gửi chỉ bằng 10-15% tổng lượng tiền gửi vào ngân hàng. Vì vậy, tập trung cho khách hàng nhỏ vừa đảm bảo mục đích bảo vệ quyền lợi của số đông khách hàng, nhưng số tiền được bảo hiểm không quá lớn khiến ngân hàng chủ quan.

"Bản thân mức chi trả bảo hiểm tối đa cũng phải đủ cao để ngăn chặn nguy cơ rút tiền hàng loạt khi ngân hàng có sự cố; đồng thời phải đủ thấp để khuyến khích sự thận trọng của người gửi tiền, từ đó tăng cường giám sát và tạo áp lực để tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả. 5 năm trước, mức chi trả tối đa 30 triệu đồng có thể đáp ứng tiêu chí này. Trong điều kiện hiện nay, nên nâng lên 50 triệu đồng", ông Dũng nói.

Số liệu điều tra mới đây của Ngân hàng Nhà nước tiến hành tại hơn 140 tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi cho thấy, 81% khách hàng gửi tiền với mức dưới 50 triệu đồng và số tiền của họ chỉ chiếm 15% tổng tiền gửi vào ngân hàng. Theo ông Dũng, với số tiền gửi được bảo hiểm chiếm tỷ trọng dưới 15% tổng số tiền gửi, các tổ chức tín dụng không thể ỷ lại vào cơ chế bảo hiểm. Trên thực tế, các tổ chức tín dụng phải tự có trách nhiệm với phần lớn số tiền gửi còn lại và để giữ được những khách hàng có tiền gửi lớn (trên 50 triệu), họ phải chứng minh được sự an toàn bằng chính hoạt động lành mạnh và hiệu quả của mình.

Trên thế giới, mức chi trả bảo hiểm tối đa đối với tiền gửi của cá nhân thường cao gấp 3 lần bình quân thu nhập đầu người của một quốc gia. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở nước nghèo có xu hướng cao hơn so với những nước giàu. Oman có mức bảo hiểm cao nhất, gấp 8,8 lần bình quân thu nhập, Peru 8,5 lần, Bangladesh 5 lần, trong khi ở Anh và Canada tỷ lệ này dưới 1. Theo nhận định của IMF, nguyên nhân của xu hướng này là các nước đang phát triển muốn tăng cường tiền gửi vào hệ thống ngân hàng nội địa và hạn chế việc gửi tiền ra nước ngoài.

Song Linh