Người của 100 sáng kiến kỹ thuật
Các Website khác - 28/04/2006
Người của 100 sáng kiến kỹ thuật
Cẩm Văn

Sở hữu gần 100 sáng kiến và cải tiến kỹ thuật với nhiều công trình nghiên cứu cấp nhà nước, làm lợi hàng tỉ đồng, nhưng điều khiến kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt "đau" nhất là sản phẩm của mình lại bị từ chối khi tham gia đấu thầu trong nước.

Dám nghĩ, dám làm
Đảm nhiệm vai trò kỹ sư chính của Nhà máy chế tạo thiết bị điện (TCty Điện lực VN), trong hơn 30 năm công tác, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt (ảnh) là người sở hữu gần 100 sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho Nhà nước hàng tỉ đồng. Trong đó đáng lưu ý có 4 công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp bộ và cấp nhà nước.

Năm 1992, sau một thời gian dài gắn bó với các máy biến áp 110kV trong vai trò người thiết kế chính, kỹ sư Nguyệt đảm nhiệm việc nghiên cứu thiết kế chiếc máy biến áp 110kV công suất 25.000kVA đầu tiên trong nước.

"Lúc bấy giờ, đây là công trình nghiên cứu lớn nhất của ngành cơ khí điện lực VN cũng như của ngành chế tạo thiết bị điện trong nước. Thú thực tôi run lắm" - kỹ sư Nguyệt cho biết; rất nhiều đồng nghiệp hoài nghi và không tin nhóm kỹ sư đảm nhiệm công trình có thể chế tạo thành công.

Song suốt thời gian dài sau đó, nhóm nghiên cứu do kỹ sư Nguyệt đứng đầu lăn lộn hầu như khắp các trạm 110kV trên cả nước, miệt mài nghiên cứu sức tiêu thụ và phân bố của phụ tải, vừa thiết kế vừa lấy thêm ý kiến các chuyên gia người Mỹ, Nhật đang công tác tại nhà máy.

"Và chúng tôi thành công. Cả nhóm nghiên cứu đứng ngắm chiếc máy có trọng lượng trên 62 tấn, giá thành 3,3 tỉ đồng và hoàn toàn tin có thể làm những chiếc máy lớn hơn nữa" - kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt nhớ lại.

Cuối tháng 9.1995, sau đúng 2 năm nghiên cứu chế tạo, máy biến áp 110kV công suất 25.000kVA được đưa vào lắp đặt vận hành an toàn tại trạm Vĩnh Yên. Sau 4 tháng vận hành, thiết bị được hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước thông qua với số phiếu xuất sắc tuyệt đối (11/11). Ngay sau đó, Nhà máy chế tạo thiết bị điện liên tiếp nhận được các đơn đặt hàng chế tạo máy biến áp 110kV có công suất lớn hơn, 40.000kVA và 63.000kVA.

Kỹ sư Nguyệt tâm sự: "Chúng tôi thực sự hạnh phúc khi máy biến áp 110kV có thể bình đẳng đấu thầu với máy của các hãng ABB - Thuỵ Điển và Takaoka - Nhật Bản từ năm 2000 đến nay và điều này khiến chúng tôi tự tin hơn khi nhận trọng trách thiết kế máy biến áp 220kV".

Chưa hết khó...
Trước khi giao cho các kỹ sư trong nước thiết kế, TCty Điện lực VN (EVN) được nhiều tập đoàn chuyên chế tạo máy biến áp 220kV trên thế giới chào hàng bản vẽ thiết kế với giá 1,1-1,8 triệu USD. Mức giá chào hàng quá lớn và vượt khả năng hỗ trợ của EVN đối với công trình nghiên cứu thiết kế máy 220kV. Song trong lúc có nhiều ý kiến cho rằng không nên tiếp tục chương trình nghiên cứu này, Nhà máy chế tạo thiết bị điện liên tiếp 3 lần viết cam kết với EVN "sẽ làm được".

Suốt 14 tháng sau đó, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt đêm đọc sách nghiên cứu, ngày thiết kế máy 220kV với hơn 900 nghìn chi tiết máy. Vì là chiếc máy đầu tiên, nên kỹ sư Nguyệt phải có mặt ở hầu hết những công đoạn phức tạp. Ngày cuối cùng của năm 2003, máy biến áp 220kV chính thức được đưa vào vận hành tại trạm Sóc Sơn. Do yêu cầu kỹ thuật cao, đến cuối tháng 10.2004, máy biến áp 220kV mới được hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước thông qua và đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế với 9/9 phiếu bầu xuất sắc...

Nếu không có gì thay đổi, cuối năm 2006, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt sẽ về nghỉ hưu. Bà tâm sự: "Lúc này điều tôi buồn nhất là máy biến áp 220kV, một thiết bị chỉ có rất ít nước sản xuất thành công lại bị từ chối, khi đấu thầu lắp đặt trong nước".

Kỹ sư Nguyệt bộc bạch, máy biến áp 220kV sản xuất trong nước từng bị từ chối khi tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị cho Nhà máy thuỷ điện Sê San 4, đơn giản vì Nhà máy chế tạo thiết bị điện chưa đủ thời gian kinh nghiệm sản xuất thiết bị này theo quy định.