Cơ quan chức năng cho rằng tình trạng xây nhà sai phép do ý thức chấp hành của người dân kém, còn doanh nghiệp địa ốc khẳng định nguyên nhân sâu xa bởi người thực thi pháp luật chưa nghiêm minh.
Ngày 20/2, hội thảo "Xây dựng sai phép - Thực trạng và giải pháp" trở thành diễn đàn tranh luận sôi nổi của cơ quan chức năng và doanh nghiệp địa ốc TP HCM. Vấn đề được đem ra bàn luận nhiều nhất là tính nghiêm minh trong việc xử lý nhà sai phép, thời gian cấp và điều chỉnh giấy phép quá dài cũng như luật can thiệp vào tiểu tiết không cần thiết của công trình.
Theo Quyết định 04 của UBND TP HCM, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng gồm có đơn xin cấp phép, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và bản vẽ thiết kế. Thời gian cấp phép theo quy định là 15 ngày.
Song thực tế tại mỗi quận huyện lại diễn ra khác hẳn. Nếu gặp phải chỉnh sửa giấy phép thì thời gian chờ đợi có thể kéo dài gấp đôi, gấp ba, thậm chí lâu hơn, tùy địa phương. Sự thiếu thống nhất này cộng thêm giấy phép xây dựng quá "ôm đồm" tiểu tiết bên trong căn nhà, khiến nhiều công trình "vô tình" phạm lỗi xây sai phép. Trong số đó có nhiều trường hợp bị xử lý một cách máy móc, chẳng hạn như nới rộng diện tích của cầu thang hay gian gác lửng cũng bị quy chụp là xây sai giấy phép, buộc phải điều chỉnh.
Giám đốc Công ty bất động sản Diệp Bạch Dương, bà Dương Thị Bạch Diệp cho rằng mấu chốt của việc xây dựng sai phép bắt nguồn từ việc xử lý sai phạm thiếu nghiêm minh và không công khai quy hoạch đến từng người dân.
Theo bà Diệp, việc xây dựng sai phép tại TP HCM sở dĩ không thể giải quyết hoàn toàn vì người dân không được thuyết phục một cách cặn kẽ mà bị áp đặt phải chấp nhận quy định.
“Để chấn chỉnh việc này, trước tiên cần rà soát lại những người cầm cương pháp luật đã xử lý sai phạm có bình đẳng và khách quan hay chưa. Nếu ai sai cũng xử lý như nhau, không vị nể, không xí xóa thì mọi người sẽ tuân thủ tốt hơn”, bà nói.
|
Cao ốc Quốc Cường tọa lạc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP HCM xây sai phép chỉ bị tháo dỡ bậc tam cấp. Ảnh: Kiên Cường. |
Tổng thư ký hiệp hội bất động sản TP HCM Đỗ Thị Loan công kích nạn tham nhũng, chung chi, móc ngoặc đằng sau những khâu hoàn thiện giấy phép xây dựng. Bà cũng kịch liệt phản đối cách làm việc dựa trên lý thuyết suông của khâu duyệt bản vẽ.
“Sở Quy hoạch kiến trúc chỉ tính toán theo chuyên môn mà không đếm xỉa đến hiệu quả kinh tế của dự án là không ổn. Đó là lý do tại sao các tập đoàn bất động sản nước ngoài chạy dài khi vấp phải các quy định về mật độ xây dựng, khống chế tầng cao, hệ số sử dụng đất… vì xây sẽ không có lời”, bà Loan nói.
Lãnh đạo Hiệp hội bất động sản TP HCM còn bức xúc chất vấn chủ tọa về việc hàng trăm dự án chung cư, khu dân cư, khu đô thị chỉ xây nhà bán và bỏ phế các hạng mục còn lại như đường nội bộ, công viên, khu sinh hoạt chung, chiếu sáng công cộng… Những trường hợp này có gọi là sai phép hay không và ai sẽ chịu trách nhiệm xử lý.
Đi ngược lại lập luận của giới kinh doanh, Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP HCM Hồ Thị Kim Loan giải thích nguyên nhân của việc xây dựng sai phép do người dân không hiểu luật hoặc cho rằng sai sót nhỏ không ai biết, nếu bị phát hiện cùng lắm là phạt tiền rồi xí xóa… Bà cũng đề cập đến mức phạt hiện nay còn quá thấp, chỉ tối đa 100-200 nghìn đồng mỗi vụ vi phạm nên không có tính răn đe.
Thấu hiểu nỗi khổ của người dân vì từng làm công tác tư vấn thiết kế nhiều năm, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư TP HCM Nguyễn Thu Phong phát biểu: " Mua đất 5-10 năm mới xây nhà, suốt thời gian này đời sống xã hội và kinh tế có nhiều thay đổi, ngại điều chỉnh giấy phép mất thời gian nên chuyện vượt rào xây sai phép không có gì khó hiểu".Thêm vào đó, các chuẩn quy định trong giấy phép xây dựng can thiệp quá sâu vào chi tiết nhỏ của công trình càng làm cho mỗi lần điều chỉnh tốn thời gian và tiền bạc. Ông Phong cho rằng rất khó đưa ra các giải pháp cụ thể để ngăn chặn thực trạng xây dựng sai phép. Lý do, tất cả phụ thuộc vào quy chuẩn, quy định chung của hệ thống văn bản pháp luật không thể thay đổi lẻ tẻ trong một sớm một chiều.
Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên khẳng định, tình trạng xây dựng sai phép là thiếu quy hoạch chi tiết 1/500 cũng như thủ tục hành chính chưa cải cách triệt để. Từ lỗ hổng này khiến người dân và doanh nghiệp mù mờ, cứ phải chạy đi xin hướng dẫn đâm ra bức xúc.
Ông Yên thừa nhận, pháp luật không thể kín kẽ được mọi điều bởi thực tế luôn phát sinh nhiều nhu cầu nên pháp luật phải không ngừng điều chỉnh mới theo kịp. Người thi hành công vụ cũng phải biết linh hoạt để xử lý xây dựng sai phép hợp tình hợp lý hơn.
"Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiến đến xã hội hóa việc cấp phép xây dựng sau khi có đầy đủ quy hoạch chi tiết 1/500, tôi hy vọng rằng việc xây dựng sai phép sẽ được cải thiện nhiều hơn", ông nói.
Thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, trong 3 năm qua, công trình sai phép đã giảm xuống nhưng vẫn chưa đáng kể. Cụ thể, năm 2006 toàn thành phố có hơn 5.000 trường hợp xây sai phép, chiếm 20% lượng giấy phép xây dựng đã cấp. Con số này có giảm đi chút ít trong một năm sau đó, gần 4.600 nhà sai phép (chiếm 15%) và đến năm 2008 tụt xuống còn khoảng 3.500 vụ, chiếm 13,6%. |
Theo VnExpress
▪ Mời VIP kích cầu du lịch (21/02/2009)
▪ Bán hàng "kiểu miền Tây" (21/02/2009)
▪ Vietnam Airlines không tăng giá vé máy bay (21/02/2009)
▪ Đã có 150.000 người được cấp mã số thuế (21/02/2009)
▪ Du lịch giảm giá… “hết cỡ”! (21/02/2009)
▪ Tập đoàn điện lực lo mất vai trò độc quyền (21/02/2009)
▪ Tập đoàn điện lực lo mất vai trò độc quyền (21/02/2009)
▪ 'Tập đoàn sử dụng vốn không hiệu quả, sếp nên trả lại chức' (21/02/2009)
▪ Kẻ khóc người cười trên sàn vàng (21/02/2009)
▪ Giá vàng chạm mốc 2 triệu đồng/chỉ (21/02/2009)