Rối vì công nợ cuối năm
Các Website khác - 14/01/2009

Mọi năm, từ 10 – 25 tháng chạp là cao điểm các chủ sạp bán sỉ thu tất cả các khoản lớn nhỏ khác nhau trong đơn hàng từ các đầu mối ở tỉnh cho đến các điểm bán lẻ trong thành phố. Thế nhưng hiện nay nhiều sạp vẫn chưa thu hồi được đồng nào, lại còn bị các mối doạ… không lấy hàng tiếp

Vụ đứt nợ mới nhất mà nhiều nhà bán sỉ ở khu vực quận 5, quận 6 đang bàn tán là việc một bà chủ mối hàng giày dép, thời trang bao trùm từ Thanh Hoá đến Quảng Bình tự vẫn.

Tiểu thương chợ An Đông đang khó khăn trong thu hồi nợ cuối năm. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: Hồng Thái

Nỗi lo đứt nợ

Nhiều tiểu thương nói rằng bà này dùng toàn bộ tài sản đầu tư vào các dự án đất đai, lấy tiền bạn hàng đổ vào các hoạt động bất động sản, dự án nằm chờ, không có tiền trả. Bị “ví” quá, cùng đường nên bà đành liều. Bà Lý, chủ bán sỉ giày dép nội ở chợ An Đông, người bị mất hơn 200 triệu tiền “gối đầu” cho biết: “Tôi là người bán sỉ ít nhất cho bà này. Người mất nhiều nhất, lên đến bạc tỉ là những sạp hàng nhập, hàng cao cấp. Bà ấy chết, coi như là hết, đứt nợ, đâu ai nỡ lên tiếng đòi chồng, đòi con trả nợ. Mà có đòi họ cũng chẳng biết. Bán sỉ ở chợ chủ yếu dựa vào uy tín bạn hàng với nhau”.

Các đợt bão liên tiếp ở miền Trung, mưa lụt ở Hà Nội, hàng nông sản mất giá ở miền Tây… là những lý do ảnh hưởng đến sức mua, ảnh hưởng đến việc kinh doanh đang được các mối hàng đưa ra để hoãn nợ. Ngay từ cuối tháng 12, nhiều mối mua hàng đã đề nghị cho họ “tạm gác” khoản nợ cũ sang một bên để qua năm mới tính. Việc lấy hàng bán tết sẽ được thanh toán gối đầu từng đợt, tức lần thứ hai sẽ trả nợ cho lần thứ nhất, lần thứ ba sẽ trả nợ cho lần thứ hai… Nếu chủ hàng không đồng ý thì họ sẽ ngưng luôn không lấy hàng.

Một chủ sạp bán sỉ ở lầu 1 chợ An Đông kể: “Nhiều người bấm bụng chấp nhận, vì mất mối là mất cả thị trường tiêu thụ. Nhưng cũng có một số bà chủ có nguồn hàng độc quyền, nên buộc được mối lấy hàng không thanh toán nợ cũ sẽ ngưng không bán hàng tiếp. Chỉ khoảng 20 – 30% chủ sạp hàng sỉ dám làm vậy thôi, đa phần vẫn nhân nhượng cho mối”.

Thu hồi nợ khó khăn, khó bán hàng mới nên nhiều chủ sạp ở Bình Tây, An Đông và Kim Biên đã lên kế hoạch cho nhân viên nghỉ tết sớm. Thay vì nghỉ từ 25 – 28 như mọi năm, một số chủ đã ra thông báo nghỉ tết từ 22 – 23 âm lịch. Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ cửa hàng đường Lê Quang Sung, quận 6 nói: “Dù có chờ đến 25 – 28 âm lịch cũng khó thu hồi nợ. Làm quá mối sẽ đứt nợ, nên cho nhân viên nghỉ sớm để tiết kiệm chi phí”.

Xoay xở và… chấp nhận

Theo bà Ngô Phụng, chủ bán sỉ hàng bách hoá ở quận 5, mạng lưới phân phối hàng hoá trong các năm qua đã bị thu hẹp nhiều vì sự ra đời của siêu thị, trung tâm thương mại, vì đại lý phân phối độc quyền của các công ty sản xuất, các công ty xuất nhập khẩu, nên đất sống của tiểu thương chợ sỉ hiện nay chính là mạng lưới chợ, tiệm tạp hoá ở các tỉnh. Vậy nên muốn duy trì mạng lưới bán hàng riêng cho mình thì người bán sỉ phải chấp nhận nợ đọng và tìm cách khác tháo gỡ.

Một số tiểu thương chợ sỉ đã xây nhà máy sản xuất hàng cho mình ở khu công nghiệp Tân Bình, Lê Minh Xuân, Bình Chánh, mở thêm nguồn nhập hàng từ các nước để có sản phẩm độc quyền... Khi đã củng cố được thế mạnh về hàng hoá, thì họ lại càng phải o bế các mối ở tỉnh để mạng lưới tiêu thụ luôn ổn định và phát triển.

Vậy nên việc để đọng nợ, hoãn nợ hoặc đứt nợ trong tình hình sức mua kém, kinh doanh khó khăn như năm vừa qua là điều mà các tiểu thương có dự đoán trước. Bà Lý ở chợ An Đông cho rằng: “Chỉ có hai lựa chọn. Một là thu nợ thẳng tay, chấp nhận mất mối và mất dần bạn hàng. Đó là tự giết mình. Hai là từ từ tìm cách giúp họ gầy dựng lại việc kinh doanh rồi mình thu nợ sau, dù bị thiệt thòi do trượt giá và khó thu đủ 100%”.

Một số công ty bỏ hàng cho chủ bán sỉ, người bán sỉ cho mối nợ gối đầu. “Nay công ty ra thông báo yêu cầu thanh toán cuối năm, chủ hàng sỉ không thu được nợ nên bị công ty doạ đưa ra toà… cũng đành chấp nhận thôi”, bà Ngô Phụng nói.

Theo SGTT