Thuỷ điện Sơn La: Đã sẵn sàng cho ngày ngăn sông
Các Website khác - 22/11/2005
Thuỷ điện Sơn La: Đã sẵn sàng cho ngày ngăn sông

Trên công trường Sơn La, hàng nghìn cán bộ công nhân, hàng trăm thiết bị máy móc đang dồn sức hoàn tất những hạng mục cuối cùng cho ngày ngăn sông. Khoảng cách giữa hai bờ sông ngày càng thu hẹp dần. Sơn La đang sẵn sàng chờ ngày ngăn sông.

Đổ đất đá lấn dòng sông Đà trên
quai đập.
Những "mét" sông cuối cùng

Ngày 2.12 chính thức được chọn là ngày ngăn sông Đà, ngày có ý nghĩa gần như quyết định đối với toàn bộ công trình thuỷ điện Sơn La. Trên công trường xây dựng nhà máy những ngày cuối tháng 11, trên cả hai bờ con sông Đà hùng vĩ, hàng nghìn cán bộ công nhân kỹ thuật, hàng trăm thiết bị máy móc đang đổ dồn vào những hạng mục cuối cùng hoàn tất cho ngày ngăn sông.

Trên hai quai đập ngăn sông, phía thượng lưu và hạ lưu sông, hàng trăm xe tải chở đất đá nối đuôi nhau chạy rồng rắn hướng ra phía sông. Lòng sông len lỏi giữa hai quai đập ngày càng hẹp dần theo từng khối đất đá.

"Có lẽ đây sẽ là những mét sông cuối cùng giữa hai bờ, chúng tôi đã hoàn tất hầu như toàn bộ các điều kiện cần thiết cho ngày ngăn sông" - Phó trưởng BQL Dự án thuỷ điện Sơn La - kỹ sư Lưu Thế Biểu, nói.

Nhìn từ trên cao, công trường xây dựng nhà máy điện lọt thỏm giữa hai triền núi cao. Nói là ngăn sông, thực tế phần lớn lưu lượng nước sông Đà chảy qua khu vực nhà máy hiện đã được chuyển thành công qua cống dẫn dòng từ ngày 13.11.

Có thể dễ dàng hình dung dòng sông Đà rộng thênh thang giờ đang được "chẻ" làm hai. Và để làm được nhát kéo thần kỳ ấy, hơn 5.200 cán bộ công nhân kỹ thuật của TCty Xây dựng Sông Đà, TCty Xây dựng Trường Sơn và TCty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) đã phải làm... quần quật, làm thâu 3 ca từ gần 2 năm nay.

Ngay từ đầu tháng 11, lực lượng hùng hậu trên 4.300 cán bộ công nhân của Sông Đà đã thực hiện xong việc lắp lăng trụ đá quai thượng lưu, lấn từ bờ phải vào lòng sông đến 72m. ở hạ lưu, quai đập ngăn sông như hai lăng trụ đá lõi đất lừng lững tiến vào lòng sông gần 52 nghìn mét khối đất đá.

Đứng bên quai đập ngăn sông thượng lưu, vị phó tổng chỉ huy của TCty Xây dựng Sông Đà tại Sơn La - kỹ sư Phạm Văn Kiểm nhắc đi nhắc lại rằng: "Việc ngăn sông gần như đã hoàn tất! Khoảng cách giữa hai bờ đập ngăn đang được thu hẹp dần và sẽ chỉ còn một vài mét dành cho ngày ngăn sông".

Nhưng để làm được như vậy, từ giữa tháng 11 cho đến cận ngày khởi công, lực lượng thi công của Sông Đà phải đào, đắp và lấn vào lòng sông đến 62 nghìn mét khối đất đá ở đập thượng lưu và 86,4 nghìn mét khối ở đập hạ lưu. "5.000 mét khối đá (đắp, nổ mìn) và 8.700 mét khối đá quá cỡ sẽ được thực hiện trong 3 ngày trước, ngăn và sau ngăn sông. Điều quan trọng, ngay cả vật liệu phục vụ cho ngày ngăn sông, chúng tôi cũng đã chuẩn bị xong" - ông Kiểm nói.

Chạy đua với thời gian
Chuẩn bị cho ngày ngăn sông, trong gần 2 năm qua, hàng loạt các công trình phụ trợ, nhà ở, hệ thống giao thông, hệ thống cấp nước sinh hoạt và kênh dẫn dòng được các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành với khối lượng đồ sộ.

Có thể liệt kê như 125km đường giao thông, 2 cây cầu bêtông bắc qua sông Đà, hệ thống lưới điện 110-220kV gần 200km, 57 nghìn mét vuông nhà ở đảm bảo cho khoảng 6.000 công nhân, một loạt các công trình công cộng và cống dẫn dòng có ý nghĩa then chốt cho ngày ngăn sông.

Để xây dựng công trình cống dẫn dòng, các đơn vị thi công phải đào tới 4,3 triệu mét khối đất đá, đổ gần 190 nghìn mét khối bêtông và lắp đặt trên 1.400 tấn thiết bị.

"Điều quan trọng, cống dẫn dòng đang vận hành rất tốt, đảm bảo cho ngày ngăn sông thành công và đảm bảo cho Sơn La trở thành công trình thuỷ điện đầu tiên ở nước ta có đầy đủ điều kiện vừa ngăn sông, vừa khởi công vào ngày 2.12 tới đây" - ông Lưu Thế Biểu nói.

Cũng theo ông Biểu, việc sớm hoàn thành ngăn sông có ý nghĩa quyết định đối với việc rút ngắn thời gian sớm đưa nhà máy vào vận hành 2 năm, sớm mang lại cho Nhà nước 700 triệu USD/năm.

Cẩm Văn