Ăn kiêng không gây yếu xương và ngừa nhiều bệnh
Các Website khác - 29/03/2005

Những người thực hiện chế độ ăn kiêng thường có thân hình mảnh mai, nhưng ít có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, các nhà khoa học Mỹ tuyên bố.

Các chuyên gia dinh dưỡng từng cảnh báo rằng khẩu phần ăn không có các sản phẩm bổ dưỡng chế biến từ sữa có thể gây hiện tượng loãng xương, một tình trạng dẫn đến yếu xương. Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Washington (Mỹ) phát hiện ra rằng những người ăn kiêng (không dùng các sản phẩm bổ dưỡng từ sữa và thịt) không hề yếu xương như người ta tưởng.

Tiến sĩ Luigi Fontana, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết những người ăn kiêng có xương mỏng hơn so với người bình thường nhưng không hề có dấu hiệu của chứng loãng xương.

Fontana và cộng sự theo dõi 18 người theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt tuổi từ 33 đến 85. Tất cả những người này chỉ ăn những thức ăn không qua chế biến như rau, quả, củ, ngũ cốc nguyên hạt. Họ đã thực hiện chế độ ăn kiêng như vậy được 3,6 năm tính đến thời điểm tham gia nghiên cứu.

Khi so sánh những người ăn kiêng với 18 người bình thường, các chuyên gia nhận thấy nhóm ăn kiêng có chỉ số cân nặng cơ thể trung bình là 20,5, còn những người không ăn kiêng có chỉ số bình quân là 25. Trong khi đó, chỉ số từ 18,5 đến 24 được coi là khỏe mạnh.

Những người ăn kiêng thường ăn những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật không qua quá trình nấu nướng, chế biến hay biến đổi từ trạng thái tự nhiên ban đầu của chúng. Những dạng thực phẩm này có hàm lượng protein và calo rất thấp.

Vì vậy, người theo chế độ ăn kiêng thường có chỉ số cân nặng cơ thể và lượng mỡ dự trữ thấp. Nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh rằng chỉ số cân nặng cơ thể thấp và tình trạng giảm cân có liên quan đến nguy cơ gãy xương, và tình trạng thừa cân giúp ngăn ngừa chứng loãng xương.

Lúc đầu, Fontana nghĩ rằng những người ăn kiêng có hàm lượng vitamin D thấp vì họ không dùng các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa. Thế nhưng, trên thực tế, hàm lượng vitamin D trong cơ thể họ lại rất cao.

Vitamin D được da sản xuất ra khi cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và có vai trò quan trọng trong việc giữ cho xương chắc khỏe.

Fontana cho rằng những người ăn kiêng đã rất khôn ngoan khi tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời để làm tăng hàm lượng vitamin D trong cơ thể.

"Khối lượng xương thấp là do lượng calo lấy vào cơ thể quá ít, song nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên những người ăn kiêng vẫn có thể có được bộ xương chắc khỏe", ông nhận định.

Thế nhưng những cái lợi dường như lại nhiều hơn hại. Những người ăn kiêng cũng có hàm lượng protein C-reactive, một loại phân tử gây viêm nhiễm có liên quan đến bệnh tim, tiểu đường và các bệnh kinh niên khác, rất thấp. Ngoài ra, hàm lượng IGF-1, tác nhân kích thích sự phát triển của tế bào ung thư vú và ung thư tử cung, cũng thấp.

Fontana cho biết nhóm sẽ theo dõi xem những người này có bị mắc chứng loãng xương trong giai đoạn sau này hay không.

Trên quan điểm cá nhân, Fontana cho rằng không nên thực hiện khẩu phần ăn kiêng chỉ toàn thực vật chưa qua chế biến. Nhưng ông khẳng định rằng, để giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư, chúng ta nên ăn nhiều rau quả và ngũ cốc.

Việt Linh (theo Reuters)


CÁC TIN ĐÃ ĐƯA