Công nghệ laser mới trị mụn trứng cá
Các Website khác - 09/11/2005
Máy CT3.

Loại laser mới có tên CT3, khi chiếu vào da, tia laser sẽ đi sâu tác động trực tiếp vào tuyến bã, làm co tuyến bã và ngăn chặn hiệu quả việc phát sinh nhiều bã nhờn gây mụn trứng cá.

Để điều trị tận gốc mụn trứng cá, cần tác động trực tiếp vào tuyến bã để ngăn chặn việc phát sinh nhiều bã nhờn. Loại laser mới CT3 là loại công suất cao Nd-YAG xung dài (20ms), có bước sóng 1.320nm. CT3 đã được Cơ quan thuốc và thực phẩm Mỹ xác nhận hiệu quả và chính thức chấp thuận sử dụng tại Mỹ để điều trị mụn, xóa sẹo mụn trứng cá…

Khi chiếu vào da, với bước sóng 1.320nm, tia laser CT3 tác động trực tiếp vào tuyến bã, làm co tuyến bã, ngăn phát sinh nhiều bã nhờn gây mụn trứng cá. Tuy nhiên, để có thể đi xuyên qua da và tác động mạnh vào tuyến bã nằm bên dưới mà không gây hoại lớp da bên trên, đầu chiếu tia laser được trang bị thêm 1 đầu xịt hơi lạnh (cryogen), 1 đầu kiểm soát nhiệt độ da khi chiếu tia, và tất cả đều được điều khiển bằng máy vi tính. Việc xịt hơi lạnh sẽ hạ thấp nhiệt độ nhằm bảo vệ lớp da bề mặt, trong khi vẫn để cho tia laser đi xuyên tác động mạnh vào các tuyến bã bên dưới. Bộ phận kiểm tra nhiệt độ được nối với máy vi tính sẽ đảm bảo lớp da bề mặt không bị quá nhiệt gây tổn thương… Nếu nhiệt độ bề mặt da vượt quá 45 độ C, máy vi tính sẽ ngăn chặn máy phát tia laser… Mỗi tuần chiếu laser một lần, liên tục trong khoảng 6 tuần.

Ngoài việc kiểm soát tuyến bã, thiết bị laser CT3 còn rất hiệu quả trong điều trị thẩm mỹ. Tia laser với khả năng tác động vào nguyên bào sợi giúp kích thích tăng sinh collagen trong lớp bì sẽ làm căng lớp da quanh sẹo mụn, xóa sẹo mụn đã phát sinh, nâng lên và làm đầy dần sẹo lõm, xóa vết rạn ở da bụng, đùi, xóa nếp nhăn vùng mặt, cổ...
Đối với xóa sẹo mụn, xóa rạn da, xóa nhăn... sau chiếu tia laser khoảng 1 tuần, collagen bắt đầu được sản sinh ra và kéo dài cho đến nhiều tuần sau. Kết quả sẽ thấy rõ sau khoảng 3-6 lần chiếu, mỗi lần cách nhau 1 tháng.
Mụn trứng cá là một loại bệnh da thông thường, nhưng ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, sinh hoạt và tâm lý của bệnh nhân, nhất là khi mụn để lại sẹo trên mặt. Những dấu tích này sẽ “đeo đuổi” người bệnh lâu dài, có khi đến hết cuộc đời. Nguyên nhân gây mụn trứng cá có thể do hoóc môn, yếu tố di truyền hoặc vi khuẩn… Mụn trứng cá phát triển khi tuyến bã của cơ thể sản xuất ra quá nhiều chất nhờn, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và làm phát triển các loại mụn trứng cá đầu trắng, đầu đen và có khi bị sưng đỏ.

Hiện nay, để điều trị mụn trứng cá, bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc thoa ngoài da, thuốc uống, thuốc chích, lột da mặt… Ngoài ra, chuyên ngành thẩm mỹ còn dùng công nghệ trị liệu bằng quang học, đôi khi kết hợp song song với các phương pháp trên để nhanh chóng rút ngắn thời gian điều trị. Trị liệu bằng quang học hiện đang được áp dụng tại Việt Nam hầu hết là dùng tia sáng IPL (công suất thấp) có bước sóng phù hợp để tác động vào vi khuẩn P. Acnes - vi khuẩn gây ra mụn trứng cá.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)


CÁC TIN ĐÃ ĐƯA

▪ Nghịch lý atisô (09/07/2005)

▪ Thon thả sau khi sinh (09/11/2005)

▪ Đẹp nhờ tóc (08/11/2005)

▪ Tóc gió thôi bay (05/11/2005)

▪ Hương nắng mai (29/10/2005)

▪ Các 'sao' thẩm mỹ (27/10/2005)

▪ Làm gì tốt cho tóc (27/10/2005)

▪ Hãy thay đổi cách chăm sóc da theo tuổi (25/10/2005)

▪ Lê Thanh Hải đề cao chữ 'duyên' trong cuộc sống (24/10/2005)

▪ Mỹ phẩm từ ánh sáng (23/10/2005)