Hoại tử ngón tay vì... nhẫn, "khảm móng" (móng chân quặp cắm vào thịt) vì giày mũi nhọn, viêm khớp gối vì mặc váy cả khi trời, se lạnh, mưa dầm hay nhiễm trùng nặng đầu ngón tay, chân do cắt da, lấy móng là bệnh thường gặp của nhiều "bóng hồng" nghiện làm đẹp.
![]() |
Làm đẹp đang trở thành một "hội chứng" |
Theo Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, thời gian gần đây có nhiều phụ nữ phải chịu mất cả ngón tay chỉ... vì đeo nhẫn, với nguyên do hết sức "lãng xẹt": họ vẫn cố gắng đeo nhẫn trong tình trạng ngón tay đã bị chấn thương sưng vù, phù nề, khiến mạch máu bị chèn ép, gây hoại tử cả ngón tay đó !
Chị Phan Lê G., ở Hóc Môn, đeo nhẫn có quá nhiều góc cạnh, lúc sơ ý nhẫn đã bị móc vào cửa, làm tuột da cả ngón tay chị! Còn chị Kiều Thanh D., kinh doanh nữ trang ở chợ An Đông, vì lý do nghề nghiệp nên 10 ngón tay chị đeo... 12 cái nhẫn để làm mẫu cho khách hàng. Có những chiếc nhẫn quá rộng, sợ rơi, chị "sáng kiến" dùng chỉ quấn quanh nhẫn thật dày và chặt khít vào ngón tay. Vì khó tháo ra, nên có chiếc nhẫn chị đeo cả mấy tháng trời, khiến da, cơ và cả xương ngón tay chỗ đeo nhẫn bị lõm xuống, ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu ở phần đầu ngón tay, gây hoại tử cục bộ!
BV Chấn thương Chỉnh hình cũng tiếp nhận nhiều thân chủ vì đi giày mũi nhọn đã bị chứng "khảm móng" (móng chân quặp cắm vào thịt). Chị Lê Thị Thu T., thư ký văn phòng, đều đặn mỗi ngày hơn 15 tiếng đi đứng "cheo leo" trên chiếc giày mũi nhọn cao 7 phân. Đi làm chưa tròn hai tháng, chị đã phải đến BV. Theo chẩn đoán của BS, ngón chân của con người khá mềm, móng chân lại cứng, nên khi mang giày nhọn mũi sẽ gây sự ép chặt quá mạnh 5 đầu ngón chân, khiến chúng bị sưng tấy cục bộ, tạo thành hiện tượng "khảm móng". Nếu chị T. đến BV trễ, dễ dẫn tái nhiễm trùng kế phát các ngón chân, rất nguy hiểm!
Trường hợp như của chị Lê G. (P.3, Q.8) cũng không phải là cá biệt: là cô gái có cặp chân dài nên chị G. rất thích diện váy mini . Vào những ngày tiết trời se lạnh, mưa dầm hoặc khi giao mùa, G. phải chịu đựng chứng viêm khớp gối, vì da thịt và phần khớp gối thường xuyên lộ ra ngoài...
BV Tai mũi họng TP tại báo động những "hệ lụy" do xỏ và đeo bông tai. Trương Hy P., 17 tuổi, đến BV với hai lỗ tai bị mưng mủ do nhiễm trùng, sau khi được xỏ lỗ tai "tốc hành" từ một người xỏ lỗ tai dạo mà cây kim dùng để xỏ lỗ tai cho P. bị... gỉ sét. Trước và sau khi xỏ lỗ tai, P. không được lau rửa tai bằng thuốc sát trùng. Các BS tại BV Tai mũi họng cũng không thể quên cái ngày phải đón cùng lúc 3 nữ bệnh nhân "sành điệu", xỏ 4 lỗ trên mỗi tai. Vì phần mềm dái tai đã hết chỗ, các cô xỏ lỗ cả trên phần sụn nên bị viêm xương sụn tai, khiến việc chữa trị khá khó khăn, kéo dài...
Nhiều "thân chủ" của BV Da Liễu là các chị em sau một thời gian dài làm móng tay, móng chân thì bị hư móng. Các loại sơn móng là dung dịch hóa học lấy nitrocellutose làm nguyên liệu, có pha thêm các hợp chất hữu cơ như ethyllactate, acetone, ethylacetate, butyrin... đều có độc tính dễ “ăn” vô móng tay. Một bệnh nhân gần đây: Chị Lê Thu Trinh, nhà ở Q.4, bị nhiễm trùng nặng 10 đầu móng tay và hai ngón chân cái do cắt da, lấy khóe móng.
Cuối cùng là những trường hợp phụ nữ thích diện quần, áo quá chật hoặc thắt chặt ngang hông, lâu dần làm bàng quang bị đẩy lùi xuống dưới không có lợi cho việc khống chế bài tiết nước tiểu. Hậu quả là nhiều chị khổ sở vì khi ho, cười lớn, hắt hơi thì nước tiểu lại tự động rịn ra.
T.Y, 29 tuổi, điều trị bệnh viêm nhiễm đường sinh dục một thời gian dài mà vẫn không thuyên giảm, mãi đến khi BS tìm ra được nguyên nhân: Y. thường xuyên mặc quần lót bằng chất liệu va-li-de và quần jeans quá chật vào những ngày giữa chu kỳ và lúc hành kinh, gây ẩm thấp, dễ làm vi khuẩn sinh sôi!
BS Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, cho biết: Một nghiên cứu y khoa điều tra về vi khuẩn học kéo dài suốt 5 tháng với 50 người đeo nhẫn "vĩnh cửu", đã phát hiện có 20 người (40%) ở phần da ngón tay phía dưới nhẫn tồn tại trực khuẩn âm tính Gram (Gramnegative). Điều này cho thấy, nhẫn đeo lưu cữu trên tay bám một lượng lớn vi khuẩn, virus và tác nhân gây bệnh. Lời khuyên của BS đối với phái đẹp là nên chú ý để da được "thở", bằng cách chỉ đeo nhẫn, bông tai, dây chuyền vào những lúc cần thiết, khi về đến nhà hoặc lúc ngủ cần gỡ ra. Với BS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc BV Tai mũi họng, thì tuyệt đối không được trao... tai cho những người xỏ lỗ tai dạo, vì chắc chắn sẽ rước họa vào thân. BS Huỳnh Huy Hoàng (BV Da Liễu TPHCM) lại lưu ý một nguyên tắc tối quan trọng: khi vừa sơn móng tay xong, chị em không nên nhón thức ăn đưa vào miệng - đặc biệt là thực phẩm có chứa dầu mỡ - vì chất độc có trong sơn dễ hòa tan vào thực phẩm, gây ngộ độc. Không nên cho thợ lấy khóe móng, vì 90% trường hợp sẽ bị nhiễm trùng trầm trọng. |
(Theo PNCN)
▪ Nghịch lý atisô (09/07/2005)
▪ Trái cây và khuôn ngực (24/08/2005)
▪ Cách đánh bóng thương hiệu của những đại gia Hàn Quốc (24/08/2005)
▪ Những lưu ý khi sử dụng mỹ phẩm (23/08/2005)
▪ Cái đẹp nhân cách vượt trội ngoại hình (23/08/2005)
▪ Thuốc nhuộm tóc có khả năng gây ung thư (22/08/2005)
▪ Người mẫu Việt Nam: Để tự tin bước ra thế giới (21/08/2005)
▪ Mái tóc Hilary Duff có ‘phép màu’ (21/08/2005)
▪ Kem tự chế có trị được mụn? (20/08/2005)
▪ Zoo và 100 thân hình đẹp nhất 2005 (20/08/2005)