Ðấu tranh giải quyết vấn đề Fulro ở Tây Nguyên và các vùng phụ cận
Các Website khác - 10/08/2005
Trong hai năm 1975 - 1976, Fulro khống chế nhiều buôn làng khu vực nam Tây Nguyên, gây cho ta nhiều khó khăn trong xây dựng, củng cố chính quyền chế độ mới ở vùng dân tộc thiểu số. Ở vùng dân tộc Chăm thuộc Ninh Thuận, Fulro âm mưu tổ chức mít-tinh ra mắt "Mặt trận giải phóng Chăm-pa" vào tháng 1-1977, nhưng đã bị ta ngăn chặn.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, đã phá vỡ kế hoạch Fulro do Mỹ và các thế lực thù địch chi phối, chỉ đạo. Trong bối cảnh miền nam những ngày đầu giải phóng, các đối tượng cầm đầu Fulro cho là thời cơ đến, đã nổi lên hoạt động vũ trang đánh cướp vũ khí của quân ngụy và chiếm cứ một số buôn làng, chống phá cách mạng và đòi chia sẻ quyền lực với ta. Chúng tiếp tục phát triển tổ chức, lực lượng lên tới khoảng 20.000 đến 25.000 tên.

Trước tình hình đó, Khu ủy Khu 6 đã thành lập Ban chỉ đạo truy quét Fulro do Thường vụ Khu ủy phụ trách, bên dưới là Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Từ tháng 8-1975, ta đã mở các đợt cao điểm truy quét Fulro, bao vây, đánh vào các mục tiêu trọng điểm, các toán cụm chỉ huy, cầm đầu, các đơn vị vũ trang quan trọng của chúng. Trong hai năm 1975 - 1976, ta đã làm rã 8.405 đối tượng Fulro ở rừng, bóc gỡ 12.140 cơ sở của chúng ở buôn, ấp, thu hàng nghìn súng các loại, trong đó có 20 tên đầu sỏ, buộc chúng phải phân tán lực lượng.

Ở Tây Nguyên, Fulro vẫn duy trì củng cố tổ chức hoạt động mạnh cả trong buôn làng và ngoài rừng. Chúng chuẩn bị cả "công hàm" để gửi các nước Anh, Pháp, Mỹ và LHQ kêu gọi giúp đỡ. Chúng còn quan hệ móc nối, câu kết với số ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động cũ, với số phản động là người dân tộc thiểu số miền bắc di cư và những phần tử phản động trong tôn giáo, nhất là trong đạo Tin Lành ở Tây Nguyên, hoạt động nhen nhóm tổ chức phản động chống phá ta rất quyết liệt. Trong hai năm 1977 - 1978, chúng đã gây ra hàng trăm vụ tập kích, phục kích, làm chết 190 người, làm bị thương 318 người, cướp đi hàng trăm súng, phá hủy, đốt phá nhiều xe ô-tô, kho tàng, trụ sở xã. Chúng còn mở rộng địa bàn hoạt động ra các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Ðồng Nai, Bình Dương, Bình Phước.

Ngày 2-2-1977, Ban Bí thư T.Ư Ðảng ra Chỉ thị số 04-CT/TƯ về việc tiếp tục phát động quần chúng xây dựng cơ sở chính trị, truy quét Fulro, bảo vệ an ninh chính trị ở các tỉnh Tây Nguyên và nam Khu 6 cũ. Ngày 20-8-1980, Chính phủ ra Chỉ thị số 268/CP "Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát động quần chúng xây dựng cơ sở chính trị, giải quyết cơ bản vấn đề Fulro ở các tỉnh Tây Nguyên".

Ðược sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), lực lượng công an các cấp đã đẩy mạnh các mặt công tác nghiệp vụ trinh sát, nắm chắc tình hình để có chủ trương, kế hoạch đấu tranh phù hợp; xác lập và đấu tranh thắng lợi hàng chục chuyên án các loại. Một số chuyên án lớn qua đấu tranh đã giúp cơ quan an ninh hiểu rõ hơn nội tình của tổ chức Fulro, tạo ra được bước ngoặt trong quá trình đấu tranh giải quyết vấn đề này ở địa phương và trên toàn Tây Nguyên. Ðiển hình là Chuyên án F384 đấu tranh lôi kéo số Fulro ly khai ở địa bàn Ðác Min, Ðác Nông - Ðác Lắc, gọi hàng 47 đối tượng, bóc gỡ một khung chính quyền ngầm cấp xã, kịp thời ngăn chặn âm mưu thành lập tổ chức Fulro mới của người Mơ Nông.

Công tác vận động quần chúng kêu gọi số Fulro ở rừng trở về được đẩy mạnh; kết hợp triển khai các công tác, biện pháp nghiệp vụ khác, đã hạn chế, ngăn chặn hoạt động vũ trang chống phá của Fulro, làm rã các cụm toán của chúng ở rừng, đẩy nhanh sự tan rã của tổ chức, lực lượng Fulro.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động vẫn âm mưu đẩy mạnh các hoạt động chống phá Việt Nam. Ở nước ngoài, cái gọi là Bộ Quốc phòng Fulro chủ trương đưa lực lượng về địa bàn Tây Nguyên để khảo sát, tìm địa điểm lập mật cứ. Chúng lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của ta để kích động, lôi kéo quần chúng, chia rẽ đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh, với Ðảng, chính quyền. Lực lượng Fulro vẫn phân tán thành nhiều toán nhỏ, đột nhập các buôn ấp để tuyên truyền gây thanh thế, xây dựng cơ sở ngầm, khống chế cán bộ cơ sở, lấy tiếp tế, cướp lương thực.

Tháng 3-1988, ta tổ chức Hội nghị tổng kết 12 năm đấu tranh giải quyết vấn đề Fulro và 10 năm thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TƯ tại Ðà Lạt (Lâm Ðồng) nhằm đánh giá kết quả đã đạt được và vạch phương pháp tiếp tục để đi đến giải quyết dứt điểm vấn đề Fulro ở Tây Nguyên.

Lực lượng công an đã tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo và trực tiếp tham gia với các ban ngành, lực lượng khác vạch trần những luận điệu lừa bịp, lôi kéo quần chúng của bọn Fulro. Các công tác, biện pháp nghiệp vụ tiếp tục được đẩy mạnh ở các địa phương. Tại Lâm Ðồng, ta đấu tranh Chuyên án F485, thu được nhiều kết quả, bắt sống toàn bộ toán Fulro thuộc "quân khu 4" của chúng góp phần giải quyết cơ bản lực lượng vũ trang Fulro ở ngoài rừng. Chuyên án T108 đấu tranh với tổ chức và hoạt động của quân khu 2 Fulro cũng kết thúc thắng lợi. Ðến năm 1990, ta đã làm tan rã hệ thống tổ chức lực lượng Fulro ở vùng này, đánh bật bọn chỉ huy đầu sỏ ra khỏi địa bàn thuộc tỉnh Gia Lai, bóc gỡ gần 1.000 cơ sở với 18 khung chính quyền ngầm cấp xã, hàng trăm khung chính quyền ngầm thôn của chúng.

Sau 17 năm kiên cường đấu tranh, lực lượng công an cùng quân và dân các tỉnh Tây Nguyên và phụ cận vượt qua bao khó khăn gian khổ, hy sinh, đã làm tan rã hoàn toàn tổ chức, lực lượng Fulro. Vấn đề Fulro được giải quyết triệt để, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn.

Theo tài liệu Bộ Công an