Trong những ngày gần đây, dư luận bàn tán nhiều về chuyện một số câu thủ đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam bán độ tại SEA Games 23. Nhưng vấn đề đặt ra là hiện nay trong Luật Hình sự Việt Nam không dự liệu tội "bán độ"; vậy hành vi bán độ bóng đá sẽ được xử lý ra sao?
Có quan điểm cho rằng hành vi cá độ bóng đá là đánh bạc, tổ chức cá độ là tổ chức đánh bạc và cầu thủ bán độ là đồng phạm tổ chức đánh bạc. Chúng tôi không đồng ý với quan điểm này.
Tội đánh bạc dự liệu bởi Điều 248 BLHS tiên niệm phải có yếu tố may rủi: người chơi cờ bạc không nắm chắc kết quả của cuộc chơi vì kết quả này tùy thuộc vào yếu tố may rủi. Sự may rủi là hoàn toàn trong một số hình thức cờ bạc như: đánh đề, xóc đĩa; trong một số hình thức cờ bạc khác có thể có sự tính toán, vận động trí óc của người chơi như: bài tây, mạt chược, tài bàn, tổ tôm..., nhưng thắng thua còn tùy thuộc vào bài đẹp hay xấu, và đó chính là yếu tố đỏ đen, may rủi.
Bóng đá cũng nhiều khi mang là những bất ngờ, nhưng người cá độ khi ước tính về sự thắng thua của một đội bóng đã có một sự tính toán thận trọng căn cứ vào thành tích của hai đội trong cuộc, họ không trông đợi vào yếu tố may rủi. Do đó tham gia vào việc cá cược trong các cuộc thi đấu thể thao không phải là hành vi cờ bạc, bằng cớ là việc cá cược trong các cuộc đua ngựa, đua chó vẫn được tổ chức một cách hợp pháp tại Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới .
Đồng hóa hành vi "cá độ" với tội đánh bạc đã khập khiễng thì hành vi tổ chức cá độ cũng khó có thể đồng hóa được với tội tổ chức đánh bạc dự liệu bởi Điều 249 BLHS; lại càng không thể xem hành vi bán độ là đồng phạm tổ chức cờ bạc.
Nói như thế không có nghĩa là việc tổ chức bán độ và hành vi bán độ không bị trừng trị trong tình trạng hiện nay của pháp luật. Thực sự hành vi này đáng bị trừng trị nhưng trên cơ sở pháp lý nào?
Theo tôi, hành vi tổ chức bán độ là tội "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" dự liệu bởi Điều 139 BLHS. Thực vậy, lừa đảo là dùng những thủ đoạn gian xảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Các biện pháp do người tổ chức bán độ thực hiện để sắp xếp trước kết quả của một trận đấu và như thế loại bỏ hoàn toàn khả năng thắng cược của người cá độ, là thủ đoạn gian xảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Trường hợp này cũng giống như hành vi cờ gian bạc lận vẫn được các tác giả coi là hành vi lừa đảo. Các cầu thủ bóng đá giúp người tổ chức bán độ thực hiện ý đồ này là người đồng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 20 BLHS.
Tóm lại, theo tôi bán độ bóng đá là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hình phạt áp dụng là khung hình phạt dự liệu tại Khoản 2 Điều 139 BLHS.
Luật sư Nguyễn Mạnh Bách Tiến sĩ Luật khoa
|