Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, theo quyết định số 1324/GP của Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) ngày 2-7-1995 cho phép hai bên: Công ty xuất nhập khẩu và đầu tư phát triển chè Việt Nam (nay là Tổng công ty Chè Việt Nam) cùng tập đoàn Mulpha Haute Couture SDN của Malaysia thành lập công ty liên doanh xây dựng Trung tâm đấu giá chè và khách sạn ba sao với tên gọi là khách sạn Indochine Hanoi tại đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Ngày 23-5-1995, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản 1204/KTÐN gửi Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, đồng ý về chủ trương thực hiện dự án thành lập khách sạn liên doanh giữa Tổng công ty Chè Việt Nam và phía đối tác là Công ty Mulpha Haute Couture của Malaysia tại khu đất 1.500 m2 trên đường Trần Khát Chân... Sau khi được cấp giấy phép đầu tư, Tổng công ty Chè Việt Nam được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định số 1042/QÐ-UB ngày 21-3-1996 thu hồi 1.500 m2 đất của HTX nông nghiệp Ðồng Thanh, giao cho Tổng công ty Chè được thuê để liên doanh với nước ngoài theo giấy phép đầu tư với thời hạn 30 năm tại đường Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng.
Ngay sau đó, Tổng công ty Chè Việt Nam đã nộp hồ sơ xin giao đất và được (Sở Ðịa chính - Nhà đất) nay là Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội ký hợp đồng số 11/5-6/96/HÐTÐ-LDNN để thuê 1.500 m2 đất tại đường Trần Khát Chân (Hà Nội) để góp vốn liên doanh với tập đoàn Mulpha Haute Couture SDN Malaysia thực hiện dự án. Sau khi ký hợp đồng thuê đất, ngày 11-5-1996, Sở Ðịa chính - Nhà đất thành phố đã cắm mốc giới khu đất cho Tổng công ty Chè Việt Nam. Ngày 22-5-1996, trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng có trách nhiệm: Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất; Ban Quản lý dự án quận Hai Bà Trưng, Phòng Ðịa chính - Nhà đất quận Hai Bà Trưng, UBND phường Thanh Nhàn, Công ty Ðịa chính Hà Nội đã tiến hành bàn giao năm mốc giới lô đất 1.500 m2 cho Tổng công ty Chè Việt Nam.
Dự án trông chừng "xuôi chèo mát mái", song trên thực tế có một vài hộ dân đã lấn chiếm đất dự án, cụ thể là hộ bà Phạm Thị Sinh, có hộ khẩu thường trú ở số 20 Nguyễn Trung Ngạn và bà Phạm Thị Tính ở số 7, tổ 1 phường Thanh Nhàn xây dựng nhà ở trái phép trên đất của dự án. Trước vụ việc trên, Tổng công ty Chè Việt Nam đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng và các cơ quan có trách nhiệm bằng văn bản để xử lý, giải quyết.
Ngày 19-4-2001, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 908/UB-NNÐC yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng sớm xử lý những vi phạm lấn chiếm đất đai ở đây đã giao cho chủ đầu tư; xử lý kiên quyết những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật, báo cáo kết quả UBND thành phố Hà Nội. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, UBND quận Hai Bà Trưng đã liên tục ra ba quyết định số 287/QÐ-UB, 289/QÐ-UB và 290/QÐ-UB ngày 30-5-2001 về giải quyết khiếu nại của bà Phạm Thị Sinh và bà Phạm Thị Tính, thực hiện cưỡng chế công trình xây dựng không phép trên khu đất dự án của Tổng công ty chè Việt Nam theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã cấp cho Tổng công ty chè Việt Nam tại lô đất 1.500 m2 đối với bà Sinh và bà Tính. Song, việc cưỡng chế không thực hiện được vì bà Sinh, bà Tính liên tục có đơn khiếu nại, không thực hiện các quyết định của UBND quận Hai Bà Trưng.
Ngày 24-8-2002, ngay cả khi Tổng công ty Chè Việt Nam đã lên phương án cụ thể, đề nghị UBND, Công an quận Hai Bà Trưng và Công an phường Thanh Nhàn cùng các ngành liên quan hỗ trợ lực lượng giúp chủ đầu tư thu dọn mặt bằng và triển khai dự án tại khu đất trên thì bà Sinh, bà Tính cùng một số người lại ngang nhiên cản trở, không cho máy xúc, máy ủi của chủ đầu tư hoạt động, đe dọa công nhân đơn vị đang thi công. Một lần nữa, việc triển khai dự án của Tổng công ty chè Việt Nam lại không thực hiện được!
Vậy là, suốt mười năm qua, dự án vẫn không được triển khai! UBND thành phố cùng các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng có thái độ như thế nào đối với việc ngang nhiên lấn chiếm đất dự án, cản trở dự án liên doanh hợp pháp với nước ngoài của Tổng công ty Chè Việt Nam? Việc vi phạm Luật Ðất đai và Luật Xây dựng của bà Sinh và bà Tính đã rõ! Vì, ngày 10-6-2003, tại Văn bản số 559/TTNN của Chánh thanh tra Nhà nước thành phố Hà Nội cũng đã khẳng định: "Việc bà Phạm Thị Sinh, Phạm Thị Tính lấn chiếm đất, xây dựng trái phép trên diện tích 1.500 m2 đất của Tổng công ty Chè Việt Nam, UBND quận Hai Bà Trưng có quyết định số 289 và 290/QÐ-UB ngày 30-5-2001 về việc cưỡng chế dỡ bỏ công trình xây dựng trái phép của bà Sinh và bà Tính là đúng pháp luật...".
Ðồng thời, Thanh tra Nhà nước thành phố cũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội: "Có quyết định giải quyết khiếu nại của bà Phạm Thị Sinh và bà Phạm Thị Tính; giao UBND quận Hai Bà Trưng giải tỏa vi phạm của bà Sinh và bà Tính theo quy định của pháp luật, giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án".
Thế nhưng, văn bản cứ ra, kết luận thanh tra cứ ký còn việc tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Trước bức xúc của dư luận cũng như đòi hỏi chính đáng của chủ dự án, ngày 11-10-2005, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 282 giao Thanh tra thành phố xem xét, kiểm tra lại và tổng hợp hồ sơ việc khiếu nại của công dân về quyền sử dụng đất của Tổng công ty Chè Việt Nam tại phường Thanh Nhàn.
Thực hiện sự chỉ đạo trên, ngày 5-12-2005, Thanh tra thành phố Hà Nội có văn bản số 1384 báo cáo UBND thành phố. Thanh tra thành phố khẳng định diện tích 1.500 m2 đất UBND thành phố Hà Nội giao cho Tổng Công ty Chè Việt Nam thuê tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng có nguồn gốc là đất HTX nông nghiệp Ðồng Thanh quản lý, nằm trong diện tích ao có tên là Hồ Câu Lớn. Gia đình ông Phạm Văn Gang, bà Phạm Thị Sinh, bà Phạm Thị Tính sử dụng 462 m2 đất nông nghiệp ở vị trí tiếp giáp với Hồ Câu Lớn, do đó không nằm trong khu đất 1.500 m2 của Tổng công ty Chè Việt Nam.
Việc hai bà Sinh, Tính khiếu nại đòi quyền sử dụng đất của Tổng công ty Chè được cấp là không có căn cứ. Năm 1996-1999, hai người này đã vào lấn chiếm đất xây nhà không phép trên diện tích đất UBND thành phố đã cấp cho Tổng công ty Chè là vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm.
Như vậy, nguyên nhân gây cản trở dự án là do việc lấn chiếm đất của hai đối tượng nêu trên đã rõ. Ðề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm có biện pháp kiên quyết, giải phóng mặt bằng để dự án liên doanh với đối tác nước ngoài của Tổng công ty Chè Việt Nam sớm triển khai thực hiện.
|