Bóc gỡ đường dây nhập lậu điện thoại di động từ Cam-pu-chia về TP Hồ Chí Minh
Các Website khác - 28/03/2006
Ngày 23-3-2006, cơ quan điều tra đã khởi tố Nguyễn Thị Thùy Dương, Đỗ Văn Thuận, Nguyễn Thị Kim Hạnh, Nguyễn Hoàng Mỹ, Trương Văn Quốc Việt, Nguyễn Đức Dũng, Lê Quang Nghiêm về tội “buôn lậu”. Hai đối tượng Lương Ngọc Hoa và Võ Lạc  Giang Sơn bị truy tố về tội “kinh doanh trái phép”. Nguyễn Hoàng Mỹ bỏ trốn, đã bị cơ quan điều tra phát lệnh truy nã.
Cách đây 5 năm, Nguyễn Thị Thùy Dương ( sinh năm 1977 tại An Giang) là công nhân một nhà máy ở TP Hồ Chí Minh. Sau khi lập gia đình, Thùy Dương trở thành bà chủ của một cửa hàng điện thoại di động (ĐTDĐ) trên đường Phan Huy Ích, phường 15, quận 5. Thông qua các mối quan hệ, thị móc nối với một số đối tượng ở Campuchia và bọn tội phạm ở Việt Nam để nhập lậu một số lượng lớn điện thoại di động (ĐTDĐ) vào Việt Nam, thu về hàng triệu USD.

Dương nhiều lần về quê tại An Giang, trực tiếp sang chợ Tà Mâu của Campuchia mua ĐTDĐ. Sau nhiều lần “xuất cảnh làm giàu”, Dương quen một đối tượng tên Na, chuyên buôn bán mặt hàng ĐTDĐ trên đất bạn. Thấy việc nhập lậu ĐTDĐ dễ hái ra tiền nhưng cũng dễ bị bắt, Dương không trực tiếp qua Campuchia mà móc nối với chú ruột của mình là Nguyễn Hoàng Mỹ (ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) và giao nhiệm vụ cho Mỹ trực tiếp sang Campuchia nhận hàng từ Na rồi thuê người chuyển về Việt Nam. Khi điện thoại đã lọt qua biên giới, Mỹ giao cho em ruột là Nguyễn Thị Kim Hạnh vận chuyển và tập kết hàng tại một căn nhà ở Bình Chánh do Nguyễn Đức Dũng (tài xế của Hạnh) thuê làm điểm chứa hàng. Để vận chuyển được số hàng lậu này qua mặt cơ quan chức năng, bọn chúng đã sử dụng ba chiếc ô-tô BS: 52S-6362, 51LD-1312 và 52N-4313. Cả ba chiếc xe này đều được thiết kế các khoang bí mật để chứa hàng lậu. Mỗi ngày chúng vận chuyển từ hai đến ba chuyến lên TP Hồ Chí Minh. Từ tháng 8-2004 đến 6-2005, bọn chúng đã nhập và tiêu thụ trót lọt gần 18.000 chiếc ĐTDĐ của các hãng Sony Ericsson, Nokia, Samsung, Motorola... trị giá hơn 3,2 triệu USD. Để xóa sạch dấu vết, sau mỗi lần nhập hàng, các “đại lý” ở TP Hồ Chí Minh chuyển tiền qua các công ty vàng bạc đá quý ở Q5, TP Hồ Chí Minh về thị xã Châu Đốc - An Giang để bọn Hạnh - Mỹ trả tiền cho các đối tác Campuchia.

Từ điểm chứa hàng tại nhà tên Dũng ở Bình Chánh, ĐTDĐ nhập lậu được chuyển đến cho Dương và một số cửa hàng bán ĐTDĐ ở TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Tên Dũng trực tiếp lái xe BS: 52S-6362 của Hạnh vận chuyển khoảng 20.000 chiếc ĐTDĐ từ phà Vàm Cống và thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) về cho Dương và một điểm tập kết khác ở bến xe Miền Tây. Riêng căn nhà y thuê tại Bình Chánh trong khoảng từ tháng 1 đến 6-2005 đã tiếp nhận khoảng 10.000 ĐTDĐ các loại do các tài xế của Dũng thuê là các tên Nghiêm, Việt, Hòa chở về. Để mở rộng thị trường, Dũng còn móc nối bán lẻ ĐTDĐ nhập lậu cho nhiều đối tượng khác. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã bắt thêm Lương Ngọc Hoa, Võ Lạc Giang Sơn là những đối tượng chuyên nhận hàng tại nhà Dũng ở Bình Chánh đưa đi tiêu thụ. Chiếc ô-tô BS: 52S-6362 của Hạnh đã bị Công an Thốt Nốt - Cần Thơ bắt giữ khi đang vận chuyển 661 chiếc ĐTDĐ nhập lậu về Sài Gòn ngày 25-4-2005. Trong phi vụ này, Hạnh đã bồi thường cho Dương 333 triệu đồng.

Ngày 25-6-2005, Nguyễn Thị Thùy Dương cùng chồng là Đỗ Văn Thuận bị bắt khi đang trên đường đến nhà Nguyễn Đức Dũng nhận thêm 40 ĐTDĐ từ An Giang gửi lên. Khám xét nhà của Dương tại P15Q5, cơ quan chức năng phát hiện thêm 200 ĐTDĐ nhập lậu; khám xét nhà của Dũng thuê tại Bình Chánh, phát hiện 203 ĐTDĐ các loại (trong đó có 40 cái của Dương chưa kịp nhận). Tên Dũng cũng đã bị bắt ngay lúc đó. Cùng thời điểm trên, công an đã bắt tiếp đối tượng Lương Ngọc Hoa (ngụ Nguyễn Duy, P14Q8) và Võ Lạc Giang Sơn (ngụ Cần Đước, Long An) khi chúng đang mang hàng đi tiêu thụ. Hoa bị bắt giữ cùng 82 chiếc ĐTDĐ mới nhận trị giá gần 550 triệu đồng. Võ Lạc Giang Sơn bị bắt cùng với 50 chiếc ĐTDĐ trị giá 176 triệu đồng. Mặc dù bọn chúng quanh co chối cãi nhưng cuối cùng cũng phải nhận tội.

Theo Theo Công an TP Hồ Chí Minh