Cần mở rộng đối tượng thành lập cơ sở sản xuất phim
Các Website khác - 07/10/2005
Một cảnh trong phim Mùa len trâu
của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ
Nghiêm Minh
Hiện nay, các văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam còn thiếu các quy định về vấn đề hoạt động điện ảnh có yếu tố nước ngoài. Đó chính là một trong những lý do cấp thiết phải ban hành một bộ luật cho lĩnh vực nghệ thuật này. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Điện ảnh Việt Nam vẫn còn để lại nhiều điều thắc mắc.
Câu hỏi đầu tiên được dành cho các đối tượng được coi là chủ sở hữu/giám đốc của cơ sở sản xuất phim tư nhân. Điểm b khoản 3 Điều 13 quy định: Chủ sở hữu cơ sở sản xuất phim tư nhân phải là công dân Việt Nam; có đăng ký hộ khẩu thường trú tại Việt Nam và không thuộc quy định cấm của Luật Doanh nghiệp. Điểm c khoản này cũng quy định điều kiện tương tự đối với trường hợp giám đốc đồng thời là chủ sở hữu.

Theo ý kiến của các nhà soạn thảo luật, vì điện ảnh thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật gắn với định hướng giáo dục tư tưởng nên chưa thể cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài làm chủ các cơ sở sản xuất phim tư nhân hoạt động tại Việt Nam. Có chăng chỉ là được phép liên doanh với các cơ sở sản xuất phim trong nước thành lập các cơ sở sản xuất phim liên doanh theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà trong đó, bên Việt Nam giữ cổ phần chi phối.

Thực tế cho thấy, một số cá nhân là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài như Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Trần Anh Hùng... đã sản xuất được những bộ phim Việt Nam rất có giá trị. Sự cân nhắc về vấn đề định hướng là quan trọng, nhưng vì trong Dự thảo đã có các quy định rất chặt chẽ về việc cấp giấy phép phổ biến phim, hơn nữa, khi được phép thành lập doanh nghiệp theo Luật Đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp cũng phải qua một sự thẩm định rất nghiêm ngặt của Nhà nước.

Do vậy, nên chăng có thể mở rộng cho các đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài để thành lập doanh nghiệp theo Luật Đầu tư nước ngoài cũng được thành lập cơ sở sản xuất phim tại Việt Nam. Sự cởi mở này không những tạo sự thông thoáng theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài, mà còn là một cơ hội để điện ảnh Việt Nam có những gam mầu đa sắc.

Nếu như những điều kiện về chủ thể của cơ sở sản xuất phim được quy định khá chặt chẽ, thì trong vấn đề liên doanh liên kết, Dự thảo lại tỏ ra khá thông thoáng đối với các cơ sở đặc thù này. Không biết có phải là quan điểm của Dự thảo, hay chỉ là lỗi do đánh chữ mà tại khoản 7 Điều 44 quy định: Cơ sở sản xuất phim liên doanh không phải trình duyệt kịch bản sản xuất phim. Trong khi đó các cơ sở Việt Nam khi có hoạt động gia công, sản xuất phim ở nước ngoài hay hợp tác với các cơ sở nước ngoài để sản xuất phim tại Việt Nam hay ở nước khác đều phải trình duyệt kịch bản phim bằng tiếng nước ngoài và tiếng Việt.

Thêm một điều làm dư luận băn khoăn là các quy định về vấn đề phổ biến phim. Tại Điều 47 - quy định về hợp tác đầu tư thiết bị kỹ thuật trong rnh vực sản xuất và chiếu phim - không quy định hạn chế tỷ lệ góp vốn, có nghĩa là các công ty nước ngoài có thể vào Việt Nam hoạt động mà không có hạn chế nào. Đây là một ý tưởng hay, vì nó cho phép có được các thiết bị có chất lượng tốt. Với những quy định như vậy có thể hiểu rằng đối với chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc khai thác phim, thì các công ty nước ngoài cũng có thể được hưởng các khoản trợ cấp như các cơ sở khai thác phim tư nhân Vệt Nam.

Song, trong cam kết của Việt Nam với WTO, số lượng phim nước ngoài được chiếu thông qua hệ thống rạp chiếu phim không vượt quá 2/3 tổng số phim được chiếu trên phạm vi cả nước. Với những điều kiện được coi là khá ưu ái cho các cơ sở liên doanh ở lĩnh vực khai thác phim, xem ra phim nước ngoài đang có xu hướng áp đảo. Sự có mặt của phim nước ngoài trên thị trường khai thác và phân phối phim ở Việt Nam có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của điện ảnh Việt Nam - khi phim Vệt Nam chỉ chiếm 33% thị trường trong nước. Như vậy để hỗ trợ cho con số tỷ lệ % ít ỏi này của phim Việt Nam, nên chăng, Luật Điện ảnh cần đưa ra những quy định cụ thể về các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước đối với các rạp chiếu phim có nhiều chương trình cho phim Việt Nam.

Theo Pháp luật Việt Nam