Chuyện ghi ở trại giam nữ Thủ Đức
Các Website khác - 05/08/2008

Trại giam Thủ Đức là trại giam có quy mô lớn nhất cả nước với trên 8.000 phạm nhân đang thụ án, trong đó có trên 1.000 phạm nhân là nữ. “Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là thiếu quản giáo nữ”- Giám thị trại giam Thủ Đức Trần Hữu Thông nói

Nữ phạm nhân trong giờ lao động
Khi quản giáo nam coi phạm nhân nữ

 “Ngay cả nam giới nghe đến nghề quản giáo đã ngại chứ nói gì đến nữ. Cho tới nay, toàn trại chỉ có hơn 40 cán bộ nữ làm công tác quản giáo. Chính vì thế chúng tôi bắt buộc phải đưa quản giáo nam qua giúp các chị em làm công tác này, điều này đúng ra là không hợp lý nhưng chúng tôi không còn cách nào khác” – Ông Thông nói.

Chuyện quản giáo nam coi phạm nhân nữ quả là điều khá lạ, nên chúng tôi đã thuyết phục ông Thông cho gặp một số quản giáo để tìm hiểu thêm tình hình. Người chúng tôi gặp đầu tiên là Nguyễn Văn Tỵ- Quản giáo trại K3. Tỵ nhập ngũ năm 2000 và được điều về làm quản giáo trại nữ ngay sau khi huấn luyện. “Hồi mới nhận nhiệm vụ tôi cũng bất ngờ lắm. Ai đời mình thanh niên trai tráng thế này lại phải đi coi phạm nhân nữ. Phụ nữ bình thường đã phức tạp, phạm nhân nữ lại càng phức tạp hơn” - Anh Tỵ tâm sự.

Để làm tốt công việc của mình, ban đầu Tỵ phải đi tìm hiểu từng số phận, từng hoàn cảnh của các nữ phạm nhân mà mình quản lý. Nhưng khó nhất với các quản giáo nam chính là về tâm lý. Một quản giáo nữ có thể tìm nhiều cách để tiếp cận, thậm chí tỉ tê tâm sự về mọi chuyện để tìm hiểu phạm nhân. Với quản giáo nam nếu không tế nhị, không biết phương pháp thì rất khó làm được.

Phạm nhân nữ rất ngại nói chuyện với quản giáo nam và khi đã không thích, họ nghĩ ra đủ nghìn phương kế để né tránh, thậm chí cả những mưu mẹo rất riêng như bệnh phụ nữ. Tỵ kể: “Tôi nghĩ chỉ có sự chân thành và kiên nhẫn mới có thể tiếp cận được những người tù này. Bởi dầu sao họ cũng là con người, có phạm tội gì đi nữa thì trong sâu thẳm  tâm hồn họ vẫn còn một chút le lói của hy vọng, của sự phục thiện”.

Tỵ vẫn nhớ mãi một người tên là Phạm Thị Tuyết. Tuyết phạm tội chứa mại dâm và bị kết án. Bản thân Tuyết lại bị bệnh tim và cao huyết áp nên khi vào tù, Tuyết luôn tìm cách từ bỏ cuộc sống. Được cứu, Tuyết chỉ khóc. Để phạm nhân từ bỏ ý định chết, Tỵ đã phải cất công tìm hiểu về gia đình Tuyết và phát hiện ra nhiều điều: Mẹ Tuyết bị bệnh nặng, em trai bị tật nguyền và sau khi Tuyết bị bắt, mẹ Tuyết phải đành lòng cho cháu đi làm “Ô sin”  để lấy tiền khắc phục hậu quả do Tuyết gây ra.

Từ những thông tin này, Tỵ đã động viên, khuyên nhủ Tuyết hãy sống vì mọi người, cố gắng học tập tốt để còn cơ hội về với mẹ, với con. Ban đầu Tuyết còn chưa tin vào những lời khuyên của quản giáo, nhưng sự chân thành của Tỵ dần đã thuyết phục được cô. Nhất là khi nhận được tin về con mình đang sống ổn định, Tuyết đã có những thay đổi. Cô vui vẻ trở lại, chịu khó cùng làm việc như các tù nhân khác và hy vọng một ngày sẽ được ra khỏi trại để gặp con.

Một trường hợp khác là nữ phạm nhân Lâm Thị Mai. Mai bị kết án buôn bán ma tuý với 16 năm tù. Sau khi vào trại, Mai thường xuyên quậỵ phá, đánh nhau với phạm nhân khác,  dù được các cán bộ giáo dục nhiều lần nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Tỵ kể: “Với trường hợp này, đã có người đề nghị xử lý mạnh tay hơn nữa nhưng tôi vẫn nhận sẽ tìm cách giáo dục.

Sau khi tìm hiểu sâu về Mai, tôi mới biết khi Mai bị kết án, chồng ở ngoài đã cưới vợ khác còn 2 đứa con cũng lêu lổng, lang thang. Chính vì thế Mai sinh ra bất mãn, chán nản”. Từ những tìm hiểu trên, Tỵ lại trở thành người khuyên răn, an ủi Mai. “Quả thực tôi chưa biết nhiều về cuộc đời nhưng nhờ những cán bộ lớn tuổi, có kinh nghiệm đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ” - Tỵ bảo.

Có những khó khăn khi trông coi phạm nhân nữ mà nhiều cán bộ ở đây đã kể lại coi như là kinh nghiệm giúp các quản giáo trẻ học tập. Như trường hợp của một quản giáo lớn tuổi tên Thịnh mà anh em quản giáo ở đây thường gọi là “bố”. Một lần, khi đưa một số phạm nhân nữ đi làm, một nữ phạm nhân khi đi rửa tay chân đã cố ý khêu gợi “bố” Thịnh.

Quản giáo Thịnh đã nghiêm giọng gọi nữ phạm nhân đến: “Cháu đáng tuổi con chú. Lẽ ra cháu làm như thế là vi phạm nội quy của trại, chú có thể phạt cháu. Nhưng chú khuyên cháu như thế này, cháu làm như thế là ảnh hưởng đến nhân phẩm của cháu và hạ thấp danh dự cán bộ trại. Lần sau nên giữ ý hơn trước mọi người”. Nghe xong, nữ phạm nhân đã khóc nghẹn ngào: “Con xin lỗi cán bộ! Con không biết như thế là vi phạm”.

Thư viện nữ Trại giam Thủ Đức
Hy vọng một ngày mai tươi sáng

Chúng tôi vào thăm khu trại giam nữ. Tất cả các phòng giam, bếp ăn, khu làm việc, thư viện đều khang trang sạch đẹp. Nếu không có bóng dáng những phạm nhân trong bộ quần áo sọc đi lại, có lẽ ai cũng nghĩ đây là trại an dưỡng thì đúng hơn. Ngoài tiêu chuẩn ăn theo quy định, phạm nhân nào muốn ăn gì thêm có thể đặt nhà bếp nấu.

Ngoài giờ lao động theo quy định, họ còn có thể đọc sách, xem tivi. Các phạm nhân cũng có thể liên lạc được với gia đình thông qua điện thoại công cộng hay là viết thư. Hằng tuần gia đình đều có thể lên thăm và gửi quà bánh, thức ăn cho phạm nhân… Bởi thế, hầu hết các phạm nhân nữ mà chúng tôi gặp đều cho rằng nhờ có môi trường như thế này mà cuộc sống tinh thần của họ thoải mái hơn, họ có thể yên tâm cải tạo chờ ngày trở về.

Trong thư viện nữ, chúng tôi gặp 2 nữ phạm nhân đang làm nhiệm vụ thủ thư. Cả 2 đều rất xinh xắn, dễ thương mà nếu gặp ngoài đời, sẽ không ít chàng trai nao lòng. Nguyễn Thị Ngọc Châu- một trong 2 thủ thư hồn nhiên kể: “Ban đầu vào trong này em cứ nghĩ là sẽ bị giam, phải làm công việc nặng nhọc. Đâu nghĩ sẽ như thế này”.

Ngọc Châu năm nay mới hơn 20 tuổi. Cô vào trại bởi lý do “hồn nhiên” như chính cô. Ngọc Châu quê ở Tây Ninh, năm 18 tuổi, cô xuống Sài Gòn và yêu một chàng trai. Vài lần người yêu của cô nhờ cô cầm gói hàng gì đây đi giao cho những người khách. Một lần khi đang giao hàng bên quận 7 thì cô bị công an bắt. Khám người cô, công an đã thu giữ 100 viên thuốc lắc. “Đến lúc đó em mới biết mình phạm tội buôn bán chất ma túy. Lỗi chỉ tại em quá tin tưởng và người yêu” - Cô tâm sự.

Vào trại, nhờ sự giúp đỡ của cán bộ trại cũng như công việc đã giúp cô vượt qua khó khăn về tinh thần. Giờ đây Ngọc Châu đang là một phạm nhân tiêu biểu khi cô là cán bộ tích cực của tiểu ban văn hóa của Hội đồng tự quản, tham gia rất nhiều hoạt động trong trại. Với Châu, ngày về không còn xa nữa.

Bạn cùng phòng với Ngọc Châu là Trần Thị Sen. Sen quê Sài Gòn, trước khi nhập trại đã từng là giám đốc một Cty xây dựng khá lớn. Sau một vụ làm ăn, cô bị bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vào trại, chồng con bỏ đi nước ngoài và vốn liếng bao năm làm ăn cũng mất hết, Sen tưởng đã gục ngã.

May nhờ môi trường trong trại giam cùng sự động viên từ các quản giáo, Sen mới bình tâm dần. Rồi gia đình lên thăm thường xuyên, con trai từ nước ngoài cũng viết thư về động viên đã khiến Sen an tâm cải tạo. Sen bảo: “Giờ em mong sớm được ra tù để chăm sóc các con và làm lại từ đầu”.

Chúng tôi đi qua những khu lao động, nơi này các nữ phạm nhân đang say mê trên những bàn máy may, nơi kia các cô đang kiên nhẫn với từng nét thêu. Tiếng cười đùa chọc ghẹo nhau y như trong các phân xưởng nữ ở các khu công nghiệp. Dường như ai cũng đang cố gắng cải tạo mình, cố gắng để trở thành những người có ích trước khi trở lại  cuộc sống bình thường.                 

Trọng Thịnh