![]() |
Bị cáo Trần Quang. |
Ngày thứ hai xét xử vụ tiêu cực tại Vietsovpetro, HĐXX vẫn tập trung xét hỏi các bị cáo về dự án xây dựng Block 140 chỗ. Nguyên phó tổng giám đốc Vietsovpetro đồng thời là phó chủ tịch Hội đồng xét thầu, Dương Quốc Hà vẫn một mực cho rằng, khoản tiền 430.000 USD được hưởng là thưởng của đối tác...
Theo khai nhận của bị cáo Dương Quốc Hà, dự án xây dựng nhà ở (block) 140 chỗ nằm trong tổ hợp công nghệ trung tâm 3 thuộc vòm nam mỏ Bạch Hổ được phê duyệt kế hoạch đấu thầu theo hình thức đấu thầu quốc tế hai giai đoạn. "Đầu tiên, tổ chấm thầu gồm 30 người tiến hành chấm thầu với một quy trình tuyệt đối bí mật. Sau khi có kết quả thì tổ chấm thầu sẽ báo cho tôi và anh Nguyễn Giao (tức nguyên tổng giám đốc Vietsovpetro) xem xét và cho kết quả thầu cuối cùng. Kết quả này sẽ được chúng tôi báo với cơ quan cấp trên. Thứ hai, chúng tôi sẽ đôn đốc đơn vị trúng thầu thực hiện gói thầu này", bị cáo Hà khai.
Do không có khả năng về tài chính nên Viện Corall (Ukraina) đã liên doanh với PTSC để dự thầu. Bị cáo Hà đã thừa nhận sau khi giao cho PTSC trúng thầu dự án trên, Vietsovpetro không quan tâm đến việc đơn vị này liên danh với ai để thực hiện dự án. Bị cáo Hà giải thích, do dự án này thực hiện theo phương thức chìa khóa trao tay, PTSC muốn thuê ai làm đó là chuyện của họ, Vietsovpetro không quan tâm miễn sao đảm bảo thời hạn hợp đồng đã ký, chất lượng công trình. Cũng theo bị cáo Hà: "Đến khi bị bắt, tôi mới biết dự án block đó là do công ty Interpet Việt Nam làm và mới biết Trần Quang là người của Interpet Việt Nam".
Nguyên phó tổng giám đốc Vietsovpetro cũng một mực khẳng định, không giúp đỡ gì cho PTSC trúng thầu mặc dù có tư cách là phó chủ tịch Hội đồng xét thầu: "Luật đấu thầu rất chặt chẽ nên bị cáo có muốn cũng không làm được".
Tuy nhiên, trước đó, Trần Quang (Xưởng trưởng Xưởng điện lạnh - thuộc PTSC, kiêm điều hành Công ty TNHH Interpet Việt Nam) lại khai nhận rõ về cuộc gặp gỡ giữa bộ ba Quang - Hà - Thường dẫn đến việc chia chác tiền nâng giá bỏ thầu như thế nào. Theo Quang: "Sau khi biết liên doanh PTSC - Corall trúng thầu (nhưng chưa công bố), ông Dương Quốc Hà đã gặp Quang và yêu cầu Quang gọi Nguyễn Quang Thường (lúc này là Giám đốc Công ty PTSC) đến gặp tại khách sạn Sofitel (Hà Nội) để thỏa thuận giá bỏ thầu".
Chống chế lại lời khai của Quang, bị cáo Hà "nại": "Lúc đó PTSC đã là đơn vị trúng thầu và nhiệm vụ của tôi cũng đã kết thúc nên tôi đến thăm để chúc mừng PTSC và nhắc PTSC chú ý làm việc cho chất lượng". Tuy nhiên, Dương Quốc Hà cũng thừa nhận, sau đó, Nguyễn Quang Thường có nói đến khoản tiền thưởng cho chủ dự án. Và theo Dương Quốc Hà được biết thì số tiền thưởng này là của Viện Corall mà Trần Quang là người chịu trách nhiệm lo khoản tiền này.
![]() |
Nguyên phó tổng giám đốc Vietsovpetro Dương Quốc Hà |
Bị cáo Hà giải thích thêm: "Lúc này tôi mới cảm nhận là anh Trần Quang có mối quan hệ với PTSC và Viện Corall. Nhưng do nghĩ chuyện một đơn vị của nước ngoài thưởng là chuyện bình thường nên tôi mới chấp nhận. Hơn nữa, nghe nói có thưởng thì phấn khởi chứ thật sự không biết tiền thưởng là bao nhiêu vì chuyện tiền bạc là tế nhị". Từ đó, bị cáo Dương Quốc Hà một mực cho rằng, bị cáo chỉ nhận tiền từ Trần Quang một lần là 430.000 USD và đó là tiền của Corall thưởng. Tuy nhiên, khi HĐXX công bố lời khai của Hà tại cơ quan điều tra cho thấy, Hà biết rõ khoản tiền trên có từ đâu thì bị cáo Hà ấp úng: "Do tâm lý không ổn định nên khai vậy".
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Quang lại cho biết, thu được khoảng 1,6 triệu USD tiền "lãi" từ dự án trên, chi cho phía Corall 200 nghìn, còn lại 1,4 triệu USD thì ông Hà "xén" ngay 100.000 USD với lý do "chia cho mấy anh em khác cũng có công". Còn lại 1,3 triệu USD thì bắt đầu... chia 3. Theo Quang: "Có hai lần, một lần 380.000 USD, một lần 155.000 USD, bị cáo gói vào một tờ báo rồi bỏ vào túi đựng vợt tennis mang đến tận nhà cho ông Hà". Tuy nhiên, cả Hà, Quang, Thường đều cố tình né tránh, cho rằng khoản tiền 1,4 triệu USD là tiền lợi nhuận của phía nước ngoài.
Tham gia xét hỏi các bị cáo, đại diện VKS lý giải: "Theo hợp đồng nguyên tắc giữa PTSC và Corall ký khi liên danh dự thầu, lợi nhuận chia theo tỷ lệ: PTSC là 60%, Corall là 40%. Trong khi đó, các bị cáo khai tổng lợi nhuận dự án là 1,6 triệu USD, chưa tính đến rủi ro. Như vậy, lợi nhuận của Corall làm sao đạt đến 1,4 triệu USD. Ngoài ra, bị cáo Thường khai, việc rút tiền này diễn ra vào giữa năm 2000, lúc đó việc lắp đặt khối nhà block này chưa hoàn thành, làm sao biết lãi hay lỗ mà rút tiền ra để chia nhau. Từ đó, đủ cơ sở chứng minh số tiền 1,4 triệu USD không phải là tiền lãi của dự án mà là tiền vốn đầu tư xây dựng cơ bản của nhà nước đã bị cáo bị cáo chiếm đoạt".
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.
B. An
Theo dòng sự kiện: |
▪ Chuyển xếp lương cán bộ được bầu giữ chức danh chuyên trách cấp xã (06/10/2005)
▪ Ðổi mới cơ chế quản lý về sở hữu trí tuệ (06/10/2005)
▪ Cơ chế tài chính đối với các trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại nước ngoài (06/10/2005)
▪ Dương Quốc Hà đã chủ động đòi chia nhiều tỷ đồng? (06/10/2005)
▪ Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ (06/10/2005)
▪ Truy bắt cướp, 2 chiến sĩ công an hy sinh (06/10/2005)
▪ Giám đốc ban quản lý dự án là người rút ruột công trình (06/10/2005)
▪ Người bị xử thua trong vụ kiện Techcombank kháng cáo (06/10/2005)
▪ Đưa hối lộ theo chỉ đạo của HLV trưởng Nguyễn Thành Vinh (06/10/2005)
▪ 'Bà Ba Bị' ở Đăk Lăk (06/10/2005)