Những chuyển biến tích cực trong hoạt động tư pháp
Các Website khác - 15/02/2006
Cải cách tư pháp là một chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước ta. Ngày 2-1-2002, Bộ Chính trị T.Ư Ðảng đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/T.Ư về "Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới". Qua bốn năm triển khai thực hiện, hoạt động tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nhất là chất lượng hoạt động tư pháp được nâng cao.
Những năm qua, hoạt động tư pháp ở các khâu từ điều tra, bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động bổ trợ tư pháp có chuyển biến rõ nét theo hướng tôn trọng quyền dân chủ, quyền con người và bảo đảm công bằng xã hội. Việc bắt, giam, giữ được xem xét cẩn thận trên cơ sở pháp luật, được kiểm tra chặt chẽ, khắc phục một bước việc lạm dụng bắt khẩn cấp, hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và bắt oan, sai; tỷ lệ bắt, giam, giữ đưa ra truy tố đạt cao; công tác xét xử được xem xét thận trọng, đúng pháp luật và tình trạng tồn đọng án phúc thẩm đã cơ bản được khắc phục.

Công tác giải quyết án trọng điểm và đấu tranh chống tội phạm được đẩy nhanh tiến độ và đạt kết quả tốt; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng đã, đang được chỉ đạo giải quyết và xử lý nghiêm minh, không có "vùng cấm" nào. Công tác đặc xá và thi hành án hình sự có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực; công tác thi hành án dân sự được tiến hành với nhiều giải pháp, thu được nhiều kết quả khả quan. Việc giải quyết bồi thường cho người bị oan do người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự gây ra đã và đang được tiến hành theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ QH là việc chưa có tiền lệ ở nước ta, được xã hội và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Bộ Công an phối hợp các cơ quan hữu quan hoàn thiện Ðề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan điều tra thuộc Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (NDTC). Các cơ quan điều tra, cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, đơn vị làm nhiệm vụ bổ trợ tư pháp và công an cấp huyện đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc những quy định mới của Bộ luật tố Tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Các cơ quan tư pháp trung ương đã tăng cường kiểm tra nội bộ và thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ kiểm tra công tác bắt, giam, giữ. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật, trong đó chú trọng thanh tra chuyên đề về công tác bắt, giam, giữ, điều tra, xử lý tội phạm. Việc phê chuẩn các trường hợp bị bắt, tạm giữ, tạm giam được Viện kiểm sát các cấp xem xét thận trọng, bảo đảm có căn cứ, hạn chế đến mức thấp nhất việc lạm dụng bắt khẩn cấp, bắt giữ không có lệnh.

Sau các cuộc kiểm sát nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam các viện kiểm sát đều có kết luận, kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan quản lý khắc phục vi phạm. Vì vậy, mấy năm qua, tuy số vụ án được khởi tố tăng, nhưng số người bị bắt, tạm giữ chuyển khởi tố hình sự đạt tỷ lệ cao; tỷ lệ người bị bắt tạm giữ sau xử lý hành chính hoặc trả tự do giảm rõ rệt; tình trạng quá hạn tạm giữ, tạm giam đã được khắc phục đáng kể.

Nhìn chung, việc bắt, giam, giữ, xử lý ở các địa phương được tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng pháp luật, không phát hiện có sai sót lớn; việc lạm dụng bắt khẩn cấp cơ bản được khắc phục; hạn chế tối đa các trường hợp quá hạn tạm giữ, tạm giam; tỷ lệ khám phá án đạt cao hơn trước. Một số địa phương đạt tỷ lệ điều tra khám phá án cao là: Cà Mau (99,7%), Sơn La (96%), TP Hồ Chí Minh (81-95%), Bình Dương (95%)... Tỷ lệ bắt giữ hình sự sau phải chuyển xử lý hành chính đã giảm so với trước đây, trong đó, một số địa phương không còn trường hợp nào bắt giữ sau phải chuyển xử lý hành chính như: Bắc Cạn, Hưng Yên...

Viện Kiểm sát NDTC đã chỉ đạo tăng cường cán bộ cho khâu công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự; thực hiện thông khâu kiểm sát điều tra - kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự. Theo đó, kiểm sát viên làm nhiệm vụ kiểm sát điều tra, đồng thời tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm để nắm chắc hồ sơ, chủ động hơn trong việc xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa. Sau khi thực hiện cơ chế này, công tác thực hành quyền công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhìn chung, kiểm sát viên tham gia phiên tòa đều tích cực và chủ động hơn vào việc xét hỏi, tranh luận để cùng với tòa án tìm ra sự thật khách quan của vụ án.

Thông qua công tác kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, viện kiểm sát các cấp đã tập hợp các dạng vi phạm kiến nghị tòa án rút kinh nghiệm trong công tác xét xử và thông báo rút kinh nghiệm về công tác kiểm sát xét xử.

Viện Kiểm sát NDTC, Bộ Công an, Tòa án NDTC đã phối hợp chỉ đạo phát hiện và điều tra, truy tố, xét xử thành công nhiều vụ án trọng điểm. Ðiển hình là các vụ án lớn như: vụ Trương Văn Cam và đồng bọn; vụ Lã Thị Kim Oanh; vụ buôn lậu ở hang Dơi; vụ Công ty Ðông Nam buôn lậu; vụ Công ty điện lực TP Hồ Chí Minh; vụ Mai Văn Huy cùng đồng bọn phạm tội tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Công ty thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Ðồng Tháp; vụ Trần Hồng Sơn phạm tội tham ô, cố ý làm trái, đưa và nhận hối lộ xảy ra ở huyện Mường Tè (Lai Châu); vụ Phạm Văn Phương (Phương VICARENT) lừa đảo và cưỡng đoạt tài sản ở Bà Rịa - Vũng Tàu; vụ Nông Văn Măng phạm tội đưa và nhận hối lộ xảy ra ở cửa khẩu Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn); vụ Nguyễn Quang Thường, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty dầu khí Việt Nam cùng một số đối tượng thuộc ngành dầu khí làm giả chứng từ, tài liệu, tham ô tài sản trị giá hàng triệu USD...

Kết quả giải quyết thành công các vụ án này được dư luận hoan nghênh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Từ thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đã đề xuất với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật có liên quan công tác tư pháp.

Thực hiện chủ trương "tranh tụng" theo định hướng của Nghị quyết 08-NQ/TW, các Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp triển khai việc tổ chức các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Trong những năm qua, hầu hết các vụ án lớn, trọng điểm đã được các Tòa án phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra xét xử kịp thời theo tinh thần cải cách tư pháp. Trên cơ sở rút kinh nghiệm việc tổ chức các phiên tòa hình sự theo tinh thần cải cách tư pháp, Tòa án NDTC đã chỉ đạo các Tòa án trong toàn ngành từng bước tổ chức phiên tòa dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính và lao động theo tinh thần cải cách tư pháp và trên cơ sở pháp luật tố tụng.

Do việc tổ chức các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp nên đã đề cao vị trí, vai trò và tinh thần trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng, góp phần khắc phục oan sai, nâng cao chất lượng xét xử và bảo đảm giải quyết các vụ án trong thời hạn luật định.

Sau hơn một năm thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự và gần một năm thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử các vụ án dân sự cho các tòa án nhân dân cấp huyện cho thấy, chủ trương này phù hợp yêu cầu của thực tiễn hoạt động tư pháp, đặc biệt là hoạt động xét xử của tòa án nhân dân.

Sau khi thực hiện thẩm quyền mới, từ 1-7-2004 đến 30-6-2005, thì 90 tòa án cấp huyện và 17 tòa án quân sự cấp khu vực được giao thẩm quyền xét xử mới về hình sự đã thụ lý 3.759 vụ, giải quyết được 3.486 vụ, đạt 93%. Ðối với 126 tòa án nhân dân cấp huyện thực hiện thẩm quyền xét xử theo Ðiều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 từ ngày 1-1-2005 đã thực hiện tốt thẩm quyền mới.

Viện Kiểm sát NDTC chủ trì phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án NDTC xây dựng kế hoạch về tổng rà soát, giải quyết các khiếu kiện về tư pháp kéo dài, bức xúc; phối hợp các cơ quan tư pháp địa phương tiến hành tổng rà soát các đơn khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc kéo dài để phân loại, trên cơ sở đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan tư pháp phải giải quyết. Do thực hiện tốt kế hoạch này, nên số đơn bức xúc kéo dài trong hoạt động tư pháp giảm đi đáng kể. Ðơn do các cơ quan của Ðảng, Nhà nước, Quốc hội, MTTQ Việt Nam và cơ quan báo chí chuyển đến viện kiểm sát các cấp đã được quản lý chặt chẽ, giải quyết theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả đến cơ quan, đơn vị chuyển đơn.

Việc thực hiện Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ QH về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự gây ra đã tạo ra chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cơ quan và người tiến hành tố tụng, tinh thần trách nhiệm của cán bộ có chức danh tư pháp được nâng cao hơn; do đó, việc khởi tố, truy tố, kết tội oan và bỏ lọt tội phạm đã giảm rõ rệt so với trước.

Bộ Công an, Viện Kiểm sát NDTC và Tòa án NDTC đã tiếp nhận và nghiêm túc xem xét, phân loại, giải quyết các đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị oan. Bên cạnh việc làm thủ tục khôi phục danh dự, thương lượng bồi thường và tổ chức công khai xin lỗi đương sự tùy theo từng mức độ vi phạm, các cơ quan tư pháp trung ương còn xem xét, xử lý kỷ luật những cán bộ, công chức, chiến sĩ trực tiếp thụ lý giải quyết các vụ án.

Viện Kiểm sát NDTC còn tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn việc rà soát, lập hồ sơ và chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thụ lý giải quyết yêu cầu của người bị oan; chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan đến việc làm oan.