Quản lý chất lượng xây dựng công trình  trong khu đô thị mới
Các Website khác - 07/02/2006
Hỏi: Ðề nghị báo cho biết việc quản lý chất lượng xây dựng công trình trong khu đô thị mới được thực hiện như thế nào? 
Trả lời: Nghị định số 2/2006/NÐ-CP ngày 5-1-2006 của Chính phủ ban hành Quy chế khu đô thị mới quy định việc quản lý chất lượng xây dựng công trình trong khu đô thị mới được thực hiện như sau:

- Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về chất lượng các công trình xây dựng thuộc dự án của mình theo quy định của pháp luật về xây dựng.

- Việc quản lý chất lượng công trình xây dựng trong khu đô thị mới thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

- Ðối với các công trình có chuyển giao như: Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình khác phải được nghiệm thu trước khi chuyển giao. Khi chuyển giao, chủ đầu tư phải giao đầy đủ hồ sơ quản lý chất lượng công trình cho bên nhận chuyển giao. Trường hợp khi thực hiện dự án đã xác định được bên nhận chuyển giao thì bên nhận chuyển giao được tham gia quản lý chất lượng và nghiệm thu công trình trong giai đoạn xây dựng đến hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư có trách nhiệm bảo hành công trình và bên nhận chuyển giao có trách nhiệm thực hiện bảo trì công trình theo quy định.

- Ðối với công trình nhà chung cư và nhà ở được xây dựng để bán, phải được kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng trước khi đưa vào kinh doanh, khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Bên bán trích sao và giao cho bên mua giấy chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng, các bản vẽ hoàn công có liên quan và thực hiện bảo hành với thời gian không ít hơn 12 tháng đối với phần công trình được bán.

---------------------------

Tạm giữ phương tiện giao thông

Hỏi: Theo quy định mới, những trường hợp vi phạm nào thì bị tạm giữ phương tiện giao thông? Thời gian tạm giữ là bao lâu?

Trả lời: Theo Nghị định số 152 của Chính phủ ban hành ngày 15-12-2005 quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thì những hành vi vi phạm sau sẽ bị tạm giữ phương tiện giao thông:

- Tạm giữ phương tiện trong thời hạn ba ngày đối với người điều khiển, người ngồi trên mô-tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm khi đi trên đường quy định phải đội mũ bảo hiểm. - Tạm giữ phương tiện trong thời hạn 10 ngày đối với các hành vi vi phạm quy định: Người điều khiển mô-tô, xe máy vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép, không tuân thủ hướng dẫn của người điều khiển giao thông tại nơi ùn tắc giao thông, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, kiểm soát giao thông, đèn tín hiệu. Khi xảy ra tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo cơ quan có thẩm quyền, không cấp cứu người bị nạn. Ðiều khiển xe chạy quá tốc độ quy định 20km/giờ. Sử dụng bia, rượu mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn quá quy định, hoặc sử dụng chất kích thích mà pháp luật cấm, hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông. Chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn hoặc không giữ đúng khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông. Không có giấy đăng ký xe theo quy định, gắn biển số không đúng số, ký hiệu trong giấy đăng ký, biển số không do cơ quan thẩm quyền cấp; sử dụng giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa. Người từ 14 đến 16 tuổi điều khiển các loại xe cơ giới (xe máy, ô-tô) và người từ 16 đến 18 tuổi điều khiển xe mô-tô có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên. Người điều khiển mô-tô không có giấy phép lái xe.

- Tạm giữ phương tiện 30 ngày nếu điều khiển xe lạng lách, đánh võng, đuổi nhau gây tai nạn hoặc không chấp hành lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hay chống đối người thi hành công vụ.

---------------------------

Việc tổ chức thi nâng ngạch viên chức

Hỏi: Ðề nghị báo cho biết quy định của Nhà nước về việc tổ chức thi nâng ngạch viên chức hằng năm.

Trả lời: Thông tư số 10/2004/TT-BNV ngày 19-2-2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc tổ chức thi nâng ngạch viên chức như sau: Hằng năm, các đơn vị sử dụng viên chức phải xây dựng kế hoạch nâng ngạch để báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý ngạch viên chức. Căn cứ vào yêu cầu và tính chất của từng ngạch viên chức chuyên ngành, cơ quan quản lý ngạch viên chức chuyên ngành quy định cụ thể nội dung và hình thức thi. Về tổ chức thi nâng ngạch:

- Ðối với các ngạch viên chức tương đương ngạch chuyên viên trở xuống: Bộ, tỉnh quyết định đề án thi, quyết định đơn vị tổ chức thi trên cơ sở cơ cấu ngạch và nhu cầu thực tế của từng đơn vị sự nghiệp.

- Ðối với các ngạch viên chức tương đương với ngạch chuyên viên chính: Sau khi tổng hợp nhu cầu thi nâng ngạch của các đơn vị sự nghiệp, bộ, tỉnh xây dựng đề án theo quy định gửi Bộ Nội vụ để thống nhất kế hoạch và chỉ tiêu dự thi. Sau khi các bộ tổ chức kỳ thi và công nhận kết quả thi nâng ngạch gửi bộ được phân công quản lý ngạch viên chức chuyên ngành cấp giấy chứng nhận ngạch để bộ, tỉnh bổ nhiệm vào ngạch viên chức theo thẩm quyền.

- Ðối với các ngạch viên chức tương đương với ngạch chuyên viên cao cấp: Sau khi tổng hợp nhu cầu thi nâng ngạch của các bộ, tỉnh, bộ quản lý ngạch viên chức chuyên ngành xây dựng đề án gửi Bộ Nội vụ để thống nhất kế hoạch và chỉ tiêu dự thi. Bộ Nội vụ phối hợp các bộ quản lý ngạch viên chức chuyên ngành tổ chức kỳ thi nâng ngạch. Sau khi có kết quả công nhận kỳ thi nâng ngạch, bộ, tỉnh gửi danh sách viên chức đạt kết quả về Bộ Nội vụ để Bộ trưởng Nội vụ cấp giấy chứng nhận ngạch và ra quyết định bổ nhiệm vào ngạch.

- Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ thi nâng ngạch, Hội đồng thi nâng ngạch phải báo cáo kết quả kỳ thi nâng ngạch đến người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch để xem xét, quyết định công nhận và đề nghị bộ quản lý ngạch viên chức chuyên ngành hoặc Bộ Nội vụ cấp giấy chứng nhận ngạch. Chậm nhất 45 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ thi nâng ngạch, Hội đồng thi nâng ngạch phải công bố kết quả thi, thông báo cho người dự thi biết và gửi giấy chứng nhận ngạch cho người đạt kết quả. Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả kỳ thi, căn cứ vào giấy chứng nhận ngạch, cơ quan có thẩm quyền quản lý ngạch viên chức ra quyết định bổ nhiệm vào ngạch.

- Chậm nhất 20 ngày kể từ khi công bố kết quả thi nâng ngạch, nếu người dự thi có đơn khiếu nại thì Hội đồng thi nâng ngạch có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời cho đương sự biết. Sau thời hạn trên, mọi đơn khiếu nại sẽ không giải quyết.

- Chậm nhất 30 ngày kể từ khi công nhận kết quả kỳ thi nâng ngạch, cơ quan có thẩm quyền quản lý ngạch viên chức gửi báo cáo danh sách những người đạt kỳ thi nâng ngạch (theo Mẫu số 05) về Bộ Nội vụ và cơ quan có thẩm quyền quản lý ngạch viên chức chuyên ngành để theo dõi.