Siêu mọi nhẽ!
Các Website khác - 23/03/2006

Siêu mọi nhẽ!
Hà Văn Thịnh

Không tin nghe cứ nghĩ là chuyện ở nước tiên tiến nào: Hơn 200 con người ở PMU18 hiện đang quản đến 20 dự án khổng lồ, với tổng trị giá lên đến 33.000 tỉ đồng! Đó là con số kinh hoàng về "hiệu quả kinh tế" trong quản lý kinh tế của một nước chậm phát triển như nước ta.

Thông thường, số tiền ấy, khi được triển khai trên mọi chặng đường, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý, giám sát, điều hành... không ít hơn vài ngàn người. Vậy, sự thật ở đâu?

Đây thực sự là điều nghiêm trọng của cái bất thường. Nghiêm trọng bởi ba lẽ. Thứ nhất, Bộ GTVT không thể không biết vì chính bộ này là cơ quan chủ chi, chủ quyết.

Thứ hai, từng ấy người, từng ấy công trình, từng ấy tiền, không thể có chuyện điều phối một cách dễ dàng, dù có cả bộ óc của thiên tài. Chẳng lẽ lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá Bùi Tiến Dũng là thiên tài?

Thứ ba, những sai phạm được báo động từ mọi hướng từ lâu, nhưng ngày 17.3 vừa rồi, ông Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến vẫn chủ trì cuộc hội nghị về chống tham nhũng và lãng phí. Đó quả là chuyện siêu "đùa dai" quá mức.

Báo chí cho biết cháu ruột của "ngài" thứ trưởng chỉ học đến trung cấp, nhưng vẫn ngang nhiên ngồi ở ghế phó TGĐ. Đó là chưa kể con gái, cháu này, cháu kia làm ở những bộ phận xung yếu của một cơ quan giàu có nhất. Chuyện còn động trời hơn nữa là vị phó TGĐ "cháu ruột" kia đã từng có án 3 năm tù giam!

Pháp luật bị coi thường bởi các động tác ảo thuật siêu kinh tế. Chỗ lắm tiền nhiều của thành chỗ đục ngầu nước để béo gia đình quan. Ai đã tạo nên - dù là do kém cỏi hay do mờ ám, cái siêu đục, siêu béo, siêu dễ đục khoét tiền của dân, của nước? Người đó chắc hẳn phải thuộc hạng siêu giả vờ! Đó cũng là một dạng siêu, nhưng là siêu của lòng tham.

Chuyện PMU18 thực sự là siêu động trời. Người dân không kịp hết bàng hoàng bởi các sự kiện nóng cứ diễn ra dồn dập. Cơ chế quản lý kinh tế của ta thực đáng báo động và cơ chế quản lý, xử lý kỷ luật cán bộ cũng rất đáng phải bàn. Sự việc rõ ràng còn hơn cả ánh sáng ban ngày, nhưng câu trả lời vẫn cứ là chờ kết quả điều tra. Công an bắt rồi khi đó mới có quyết định này, quyết định kia để dừng chức vụ. Bắt rồi chẳng lẽ không kỷ luật? Đó là cách thức của siêu quan liêu và siêu thủ tục hành chính.

Ngẫm chuyện người mà thèm. Chỉ có chơi golf trong ngày lễ không đúng lúc mà thủ tướng phải từ chức. Chỉ có chơi tennis "quên" trả tiền thuê sân mà Thị trưởng thành phố Seoul phải lao đao... Tại sao việc từ chức (nếu không ngay lập tức sẽ bị cách chức) của người ta lại đơn giản thế? Đó là chưa nói chuyện ở ta, nếu từ chức có khi còn được bố trí một chức vụ tương đương, dẫu có ít quyền, ít bổng hơn.

Nền kinh tế sẽ không thể nào tiến nhanh được, khi vẫn còn ngổn ngang các thứ "siêu" như vậy. Đã đến lúc cần phải có những quy định về việc tạm đình chỉ công tác hay cách chức khi báo chí đã cho thấy sự thật. Tại sao báo chí thông tin rồi, không có phản ứng về sự "vọng ngữ" của báo chí, lại chưa đủ cơ sở để kết luận? Nhà nước phải coi báo chí như là một cơ quan thẩm định, giám sát. Nếu chừng nào vẫn còn coi báo chí như là một nguồn để tham khảo, thì chừng đó sức nặng của dư luận vẫn chỉ ở ngang tầm của... siêu nhẹ!