Điều 92 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai quy định:
5. Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn chịu trách nhiệm chính về việc bảo vệ an toàn công trình. Trường hợp hành lang bảo vệ an toàn công trình bị lấn, bị chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn nơi có hành lang bảo vệ an toàn công trình để xử lý
6. Chủ tịch UBND các cấp nơi có công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm sau:
a) Phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình; ngăn chặn kịp thời các công trình xây dựng trái phép trên đất hành lang bảo vệ an toàn công trình; buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
b) Phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ an toàn công trình; phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình trong việc công bố mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình.
c) Trường hợp để xảy ra hiện tượng lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình tại địa phương thì Chủ tịch UBND các cấp phải liên đới chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Điều 95 của Nghị định số 181/2004/NĐ- CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai quy định:
UBND các cấp có trách nhiệm quản lý chặt chẽ quỹ đất chưa sử dụng và việc đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng tại địa phương theo quy định sau:
1. Khi thống kê, kiểm kê đất đai thì đất chưa sử dụng được chia thành ba loại, gồm: đất bằng chưa sử dụng, đất đồi núi chưa sử dụng, núi đá không có rừng cây.
Đối với mỗi loại đất cần xác định rõ diện tích đất mà Nhà nước chưa đưa vào sử dụng nhưng đang bị bao chiếm trái pháp luật.
2. Khi thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai cần xác định rõ diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nhưng đang trong tình trạng hoang hóa để thu hồi, bổ sung vào quỹ đất chưa sử dụng của địa phương.
3 . Khi lập quy hoạch sử dụng đất phải xác định rõ quỹ đất chưa sử dụng sẽ được đưa vào sử dụng trong kỳ quy hoạch đó; khi lập kế hoạch sử dụng đất phải xác định rõ tiến độ hằng năm đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng.
----------
Chính sách với trẻ em mồ côi không nơi nương tựa
Hỏi: Cháu gái tôi mới 4 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Xin hỏi Nhà nước có chính sách gì đối với trẻ mồ côi không nơi nương tựa?
Thanh Thảo (Nghệ An)
Trả lời: Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa thuộc nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (theo quy định tại Điều 40 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004). Khoản 1 điều 42 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định về chính sách của Nhà nước đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như sau: Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng các quyền của trẻ em; Hỗ trợ cá nhân, gia đình nhận chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em; Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp trẻ em, thành lập cơ sở trợ giúp trẻ em để bảo đảm cho mọi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không còn nơi nương tựa được chăm sóc, nuôi dưỡng".
Khoản 2 điều 77 Luật Giáo dục ngày 2-12-1998 quy định Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Bên cạnh đó, mục II Thông tư 10/2002 ngày 12-6-2002 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định trẻ dưới 16 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, trẻ bị bỏ rơi, không có nguồn nuôi dưỡng, không có người thân thích để nương tựa thì được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội. Đối với những trẻ mồ côi mặc dù còn người thân thích nhưng người đó không đủ khả năng nuôi dưỡng thì cũng được xem xét, tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, Nhà nước còn có chính sách cứu trợ xã hội đối với những trẻ em dưới 16 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị bỏ rơi, bị mất nguồn nuôi dưỡng và không còn người thân thích để nương tựa. Điều 9 Nghị định 07/2000/NĐ-CP ngày 09-3-2000 của Chính phủ về Chính sách cứu trợ xã hội quy định: "Trẻ em từ 13 tuổi trở lên thuộc các cơ sở bảo trợ xã hội không còn học, văn hóa thì được giới thiệu đến các trung tâm dạy nghề để học nghề theo quy định hiện hành của Nhà nước. Trẻ em đã trưởng thành đang ở cơ sở bảo trợ xã hội thì được đưa trở về địa phương. UBND xã, phường có trách nhiệm tiếp nhận và tạo điều kiện cho các em có việc làm và hòa nhập với cộng đồng".
Nhà nước quy định mức cứu trợ xã hội thường xuyên đối với trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa tại điều 10 và điều 11 Nghị định 07 trên, cụ thể là:
- Mức trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên tối thiểu do xã, phường quản lý bằng 45.000 đồng/người/tháng.
- Mức trợ cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng tối thiểu tại cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước bằng 100.000 đồng/người/tháng; Riêng với trẻ em dưới 18 tháng tuổi thì mức trợ cấp là 150.000 đồng/người /tháng.
Ngoài khoản trợ cấp trên, trẻ em ở cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Nhà nước quản lý còn được hưởng thêm các khoản trợ cấp để mua sắm tư trang, vật dụng cho sinh hoạt đời sống thường ngày; Trợ cấp mua thuốc chữa bệnh thông thường, trợ cấp mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập.
----------
Quy định cấp giấy phép xây dựng tạm
Hỏi: Trường hợp nào thì chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm?
Trả lời: Tại khoản 3 Điều 62 Luật Xây dựng có quy định: các công trình, nhà ở riêng lẻ trong vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện thì chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm có thời hạn. Tiếp theo đó, tại khoản 2, mục I Thông tư số 09/2005/TT-BXD của Bộ xây dựng hướng dẫn cụ thể như sau:
- Việc cấp giấy phép xây dựng chỉ tạm áp dụng đối với những vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện.
- Tùy thuộc vào tình hình, đặc điểm của mỗi địa phương, mỗi khu vực, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể thời gian thực hiện quy hoạch xây dựng, quy mô công trình được phép xây dựng tạm cho phù hợp, tránh lãng phí nhưng vẫn bảo đảm an toàn, vệ sinh, môi trường để làm cơ sở cho việc cấp giấy phép xây dựng tạm và xác định thời gian có hiệu lực của giấy phép xây dựng tạm.
- Trong nội dung của giấy phép xây dựng tạm phải ghi rõ thời gian có hiệu lực của giấy phép. Hết thời hạn có hiệu lực của giấy phép, nếu Nhà nước giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch thì chủ công trình xây dựng phải tự phá dỡ và được đến bù phần hiện trạng công trình đã có trước khi xây dựng theo giấy phép xây dựng tạm, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chủ công trình xây dựng phải chịu mọi chi phí cho việc cưỡng chế.
|