TPHCM: Tội phạm cướp giật chủ yếu là người nghiện
Báo Tiếng chuông - 16/05/2018
Theo thống kê của Công an TPHCM, tỷ lệ người nghiện trong nhóm tội phạm xâm hại tài sản trên đường phố chiếm 30-50%.
Ảnh minh hoạ

 

Sáng 15/5, tại buổi họp báo cung cấp các thông tin liên quan đến vụ án 5 hiệp sĩ bị băng trộm đâm, khiến 2 người thiệt mạng và 3 nạn nhân khác trọng thương, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM thừa nhận trật tự an toàn xã hội ở TPHCM còn nhiều vấn đề cần giải quyết và phải giải quyết triệt để.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, số liệu về tình trạng cướp giật trên địa bàn TPHCM có lúc tăng, có lúc giảm nhưng xu hướng chung trên tổng thể là đang dần giảm; gần đây xảy ra một số vụ nghiêm trọng nhưng tính chất nguy hiểm là không mới.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm cướp giật cao, theo ông Minh, đó là tỷ lệ người nghiện ma túy còn nhiều và do nhu cầu, sự lệ thuộc về ma túy dẫn đến xâm hại tài sản. Theo thống kê của Công an TPHCM, tỷ lệ người nghiện trong nhóm tội phạm xâm hại tài sản trên đường phố chiếm 30-50%. Thậm chí, thống kê đầy đủ hơn thì tỷ lệ đối tượng cướp giật là người nghiện ma túy có thể cao hơn. Trong khi đó, chính sách pháp luật về người nghiện ma túy hiện nay còn nhiều vướng mắc.

Trước đây, TPHCM thực hiện quản lý sau cai, cai nghiện rất triệt để. Có những thời điểm, riêng các trung tâm cai nghiện ma túy của thành phố có hơn 30.000 người. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta nhấn mạnh cai nghiện tại cộng đồng, trong khi số lượng người nghiện ma túy không giảm. Căn cơ giải quyết vấn đề phát sinh ở người nghiện, đặc biệt là tình trạng lạm dụng ma túy tổng hợp ở các khu vui chơi giải trí, dịch vụ nhạy cảm như vũ trường, quán bar…

Vấn đề phòng chống ma túy hiện nay và nguy cơ ma túy tổng hợp cũng như tội phạm ma túy ngày càng quốc tế hóa thì cần phải có chính sách về lập pháp nhất quán hơn mới giải quyết được căn cơ hơn.

Ngoài ra, Thiếu tướng Minh cho biết rằng một trong những nguyên nhân khiến tội phạm gia tăng là tình trạng người nhập cư vào thành phố rất lớn, việc quản lý tạm vắng, tạm trú đối tượng này là rất khó. Người lao động phổ thông không được giáo dục, thụ hưởng văn hóa một cách đầy đủ nên nguy cơ tha hóa trở thành vấn đề không thể chối cãi. Công an TPHCM dù được đầu tư trang bị ngày càng tốt hơn, hiện đại hơn nhưng phải đối mặt với yêu cầu tinh giảm biên chế. Hiện tỷ lệ cảnh sát khu vực trên tổng dân số đang là gánh nặng cho Công an TPHCM trong việc quản lý người không có nơi cư trú ổn định.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, tội phạm là hiện tượng xã hội và có nguyên nhân xã hội. Phải giải quyết bằng giải pháp xã hội chứ không chỉ dựa vào mỗi lực lượng công an.

Hoàng Anh