Xa đi, siđa!
Các Website khác - 03/05/2001
Xa đi, siđa!

Là một đề tài nghiên cứu khoa học và cũng là dự án thí điểm lần đầu tiên triển khai thực hiện ở Việt Nam, "Go away sida" - "xa đi, siđa" chọn Nha Trang là địa bàn tiếp cận để tiến hành điều tra, thu thập thông tin về thực trạng tình hình hoạt động của gái mại dâm và đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV. Còn vì sao lại phải gọi là siđa chứ không phải AIDS? Đơn giản những người tổ chức chương trình với mục đích nhân đạo muốn có một lời nhắn gửi thật gần gũi với những người có nguy cơ cao nhiễm HIV.

Một tiết mục trong Hội thi tuyên truyền
phòng chống HIV/AIDS của CNVC-LĐ Khánh Hoà.
Theo lời PGS, TS Nguyễn Chung á - Chánh Văn phòng Trung tâm phòng chống (TTPC) AIDS quốc gia thì dự án này đã và đang được triển khai bởi sự phối hợp thực hiện giữa Sở Y tế Khánh Hoà với Văn phòng thường trực phòng chống AIDS quốc gia và Trung tâm dự phòng - kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Hà Nội. Từ tháng 5.2000 đến tháng 3.2001, các cán bộ y tế tham gia chương trình đã gặp gỡ, phỏng vấn 714 gái mại dâm (GMD) tại 71 địa điểm... và đã có được những thông tin tương đối đầy đủ về sức khỏe, tuổi tác, trình độ... cũng như đời sống tâm sinh lý của gái làng chơi ở Nha Trang.
Vâng, có thể đã đến lúc cuộc chiến chống mại dâm cần phải bắt đầu từ hướng khác?

Hai loại gái mại dâm
Tôi đã gặp cô bé ấy tại một hiệu thuốc tây ở trung tâm thành phố. Thoạt nhìn cứ ngỡ rằng đó là một học sinh nhưng khi em đưa ra mẩu giấy có ghi tên loại thuốc đặc chủng chuyên trị bệnh hoa liễu và cứ hỏi đi hỏi lại cách dùng thì cả bà chủ hiệu thuốc và tôi đều không giấu nổi tò mò. Ban đầu em nói là hỏi giùm người quen nhưng liền sau đó sự non nớt của lứa tuổi mới vào đời đã khiến em bật khóc khi nghe người bán thuốc dặn rằng cần phải đến bác sĩ khám kỹ trước khi dùng vì chỉ những người đã mắc bệnh nặng mới dùng loại thuốc ấy. Tôi đi theo em đến một chiếc ghế đá trống trơ bên bờ biển. Sau vài phút ngại ngần, em hồn nhiên kể lại những gì đã từng trải . Quê em ở tận miền Tây Nam Bộ, đang học lớp 9, nhà nghèo nên phải nghỉ để đi theo người cô họ ra Nha Trang làm ăn. Hai cô cháu được nhận vào làm tiếp viên cho một quán càphê đèn mờ. Sau mấy tháng "đi khách" em thấy "hổng sao", không ngờ "bữa hổm" bị rát và đau bụng quá trời. Cô của em hỏi thăm người quen rồi biểu em mua thuốc này uống!

Tôi đã kể chuyện ấy với một bác sĩ tại hội thảo khoa học "Xa đi, siđa" vừa tổ chức tại Nha Trang. Người bác sĩ đó khẳng định: "Không phải ai cũng nói thật song trường hợp ấy chị có thể tin được". Còn thạc sĩ Trương Tấn Minh - Giám đốc Sở Y tế Khánh Hoà, chủ nhiệm đề tài thì cho biết một cách chi tiết hơn: "Với 7 bộ câu hỏi gồm 100 câu phỏng vấn, mỗi bộ câu hỏi phỏng vấn trung bình trong 45 phút, mỗi nhóm phỏng vấn gồm 3 người: Cán bộ y tế, giáo dục viên đồng đẳng và GMD. Thông tin mà chúng tôi thu nhận được cho thấy có 2 loại gái làng chơi đó là GMD trực tiếp và GMD gián tiếp".
GMD trực tiếp là những người trực tiếp tiếp cận với khách hàng để thương thuyết về bán dâm, họ hành nghề ngay trên đường phố, bãi biển, công viên... GMD gián tiếp thường đóng vai tiếp viên nhà hàng, phục vụ quán ăn, quán càphê, phòng hát karaoke, tiệm cắt tóc, massage... quan hệ với khách làng chơi thông qua người dắt mối hoặc chủ chứa. Cả 2 loại GMD đều giống nhau về bản chất nhưng trong giới làng chơi luôn luôn có sự phân biệt: "Trực tiếp" rẻ tiền hơn "gián tiếp"! Bởi lẽ GMD gián tiếp trẻ hơn về tuổi đời cũng như tuổi nghề và trình độ học vấn cũng cao hơn.

Bằng phương pháp nghiên cứu cắt ngang thông qua bắt thả, chọn mẫu... kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu "go away sida" cho biết, tuổi đời bình quân của GMD gián tiếp chỉ từ 21-25 tuổi (39%) và cũng không ít các em gái dưới 18 tuổi đã bước vào làng chơi (có 22,1% từ dưới 18-20 tuổi); 55,4% GMD gián tiếp nói rằng chỉ mới vào nghề khoảng 1 năm nhưng 58,9% GMD trực tiếp thừa nhận đã hành nghề từ 1-2 năm và 41,1% có kinh nghiệm từ 2 năm đến hơn 5 năm trong nghề. Về trình độ thì 17,5% GMD trực tiếp mù chữ và gần 75% trong số họ mới chỉ học xong cấp 1, cấp 2 nhưng trình độ của GMD gián tiếp còn cao hơn cả mức học vấn trung bình của phụ nữ Việt Nam.

Hầu hết GMD đều thú thật rằng không biết đến bao giờ mới có thể chấm dứt công việc mà họ đang làm. Nhức nhối hơn là có khoảng 11% GMD cho biết họ vẫn sống cùng chồng, con và "làm tiền" là để nuôi... gia đình!

Bảy loại khách làng chơi
Người khách đã truyền bệnh cho em là ai? Cô bé mà tôi đã gặp đau đớn thú nhận rằng em không biết. Quả là em còn quá trẻ, mới vào nghề lại không được ai "bày vẽ"... làm sao đủ khôn để biết những gì cần phải biết. Bây giờ, khi đã lâm trọng bệnh em mới hiểu rằng khi khách đã "thoả mãn", họ rất thoáng và nếu muốn... em cũng có thể biết rõ lai lịch của từng người.

Theo lời các cô gái làng chơi thì có cả thảy 7 loại khách thường xuyên tìm đến họ mà nếu xếp theo thứ tự thì đứng đầu trong danh sách ấy là cán bộ công nhân viên chức, tiếp theo là bộ đội, lái xe (taxi, xe ôm, đạp xíchlô), sinh viên, nông dân, thương gia và người nước ngoài. Thì ra có đến hơn 60% khách làng chơi là người lành (hiểu theo nghĩa chung nhất vì họ đều là CBCNVC), 35,2% GMD gián tiếp và 21,3% GMD trực tiếp đã trả lời họ có khách hàng là người nước ngoài; không ít GMD gián tiếp cho biết họ đã từng có người yêu là những người rất đàng hoàng và ai cũng thích quan hệ với "bồ" hơn phải tiếp khách.

Vẫn dựa theo dòng... "tự bạch" của các cô gái ấy thì 78,4% GMD trực tiếp và 59,9% GMD gián tiếp đã từng mắc các loại bệnh lý qua đường tình dục. Tuy vậy, bình quân mỗi tuần họ vẫn tiếp từ 5-15 khách hàng. Dưới 20% GMD ở Nha Trang nói rằng họ biết khách hàng của mình là người sử dụng ma tuý và 0,5% GMD trực tiếp thú nhận bản thân có sử dụng ma tuý. Khoảng 88-92% GMD cho biết họ luôn đề nghị khách phải sử dụng bao caosu (BCS) khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên chỉ có khoảng 50% GMD nói tất cả khách hàng của họ đồng ý sử dụng BCS và mặc dù họ đã cố gắng thuyết phục nhưng vẫn có khoảng từ 47-57% khách hàng nài nỉ đưa thêm tiền để không sử dụng BCS! Ngoài ra đối với người yêu (hoặc chồng) thì chỉ có 8,5% GMD trực tiếp và 19,1% GMD gián tiếp dùng đến BCS.

Không rõ cô gái làng chơi tội nghiệp kia sau đó có chữa khỏi bệnh hay là tên em đã nằm trong danh sách gần 800 bệnh nhân bị nhiễm HIV ở tỉnh Khánh Hoà? Tôi chỉ biết rằng hiện tại riêng trên địa bàn TP.Nha Trang có 504 người nhiễm HIV/AIDS, 205 ca tử vong và báo động là đã có hàng chục trường hợp phụ nữ đứng đắn, hiền lành vô tình bị lây nhiễm từ chồng mà chồng của họ đã bị lây nhiễm HIV/AIDS vì lỡ một lần... quan hệ với GMD. Cá biệt có trường hợp cả gia đình bị nhiễm HIV/AIDS, gây xáo trộn cuộc sống không chỉ đối với dòng tộc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của cộng đồng.

Tìm lối ra... từ cái nhìn nhân bản
Trở lại dự án "Xa đi, siđa", bằng công thức tính bắt-thả đã ước lượng hiện có khoảng 910 GMD trên địa bàn TP.Nha Trang, gồm 466 GMD gián tiếp, 444 GMD "trực tiếp". Tuy nhiên vẫn có tín hiệu lạc quan bởi vì tỉ lệ GMD bị nhiễm HIV còn rất thấp. Tôi cho rằng đó chưa phải là con số chính xác tuyệt đối và những thông tin thu nhận vừa qua được vẫn chủ yếu căn cứ vào lời khai của gái làng chơi song cũng cần khẳng định lại rằng đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện thành công một cuộc điều tra xã hội học về GMD. Nhưng điều tra để làm gì khi mà chúng ta vẫn chỉ tập trung chống mại dâm từ một phía? Thạc sĩ Trương Tấn Minh khẳng định: "Những thông tin quan trọng này chắc chắn sẽ giúp các nhà quản lý nghiên cứu hoạch định chiến lược phòng chống mại dâm. Xin lưu ý, hầu hết GMD đều nói rằng họ rất sợ bị xã hội bỏ rơi và nếu được giúp đỡ về tài chính để học nghề hoặc tìm được việc làm (mà không phải vào trung tâm 05) thì chắc chắn họ sẽ từ bỏ con đường lầm lỡ...".

Tiến sĩ xã hội học Tonji Mozella Durant (Hoa Kỳ) là người đang soạn thảo chương trình can thiệp nhằm đẩy mạnh công tác dự phòng, giảm thiểu số người hành nghề mại dâm và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV cho biết: "Cốt lõi của vấn đề là ở chỗ đa số GMD đều thực sự mong muốn được thay đổi cuộc sống hiện tại nhưng họ lại không biết phải làm thế nào thoát khỏi. Vậy thì tại sao chúng ta không cố gắng giúp đỡ họ bằng tất cả những gì có thể".