![]() |
Chủng ngừa cho gia cầm. |
Theo dự báo của một chuyên gia cấp cao về cúm gia cầm của WHO, đại dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào và làm khoảng 5-150 triệu người thiệt mạng. Tuy nhiên, sự chuẩn bị của thế giới trong vài tháng tới sẽ tạo ra sự khác biệt mang tính quyết định.
Tiến sĩ David Nabarro vừa được WHO bổ nhiệm vào vị trí phụ trách điều phối các hoạt động ngăn chặn dịch cúm gia cầm bùng phát ở châu Á. Trong cương vị mới, ông sẽ nỗ lực thuyết phục tất cả các quốc gia thành viên, các công ty dược phẩm trên thế giới và mọi tổ chức chính trị, y tế liên quan cùng góp sức đẩy lùi một đại dịch tàn khốc đang đe dọa trước mắt.
"Hậu quả liên quan đến tính mạng con người khi đại dịch bùng phát sẽ rất khủng khiếp", Nabarro nhận định. Khi mà virus gây bệnh đang hoành hành trong cộng đồng chim di cư như hiện nay thì đại dịch có thể xảy ra ở cả châu Phi hoặc Trung Đông. Sức tàn phá của nó ví như sự kết hợp của hiện tượng trái đất nóng lên và dịch bệnh HIV/AIDS với tốc độ gấp 10 lần hiện nay.
Số ca tử vong dự đoán của Nabarro cao gấp 3 lần so với đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1919 tồi tệ nhất từ trước tới nay, với khoảng 50 triệu người thiệt mạng. "Lý do đưa ra số liệu cao như vậy đơn giản là vì tôi muốn đảm bảo rằng khi đại dịch tới, chúng ta đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất". Theo ông, số ca tử vong sẽ phụ thuộc vào nơi dịch khởi phát, tốc độ phát hiện dịch và kiểu đối phó của chính quyền.
Trong khi đó, WHO không tán thành với số liệu mà Nabarro đưa ra và cho rằng số ca tử vong chỉ dừng ở mức 2 tới 7,2 triệu người. Tuy nhiên, WHO cũng không giấu nổi sự lo lắng về virus cúm gia cầm chủng độc H5N1. Mặc dù virus này hiện nay chưa có khả năng truyền bệnh từ người sang người, song WHO vẫn "không rời mắt" khỏi mục tiêu để phát hiện bất kỳ thay đổi gene nào làm cho nó trở nên nguy hiểm và dễ lây lan trong cộng đồng người. "Virus đang lởn vởn trong môi trường và có chiều hướng tây tiến, tất cả đều có thể châm ngòi cho đại dịch", đại diện của WHO về bệnh cúm Dick Thompson cho biết.
Dự báo được đưa ra khi các bộ trưởng nông nghiệp của khối ASEAN vừa thông qua kế hoạch đối phó với virus H5N1 trong 3 năm (tính từ năm 2006). Kế hoạch này tập trung vào 8 lĩnh vực: hệ thống cảnh báo và giám sát bệnh, chủng ngừa, cải thiện năng lực chẩn đoán và xây dựng các vùng "sạch bệnh". ASEAN cũng kêu gọi xây dựng quỹ chống dịch ước tính 2 triệu USD dành cho nghiên cứu và đào tạo.
Mỹ Linh (theo BBC)
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)