Chiếc điện thoại đời mới, điều khiển từ xa, ví tiền, thớt thái thịt hay bàn phím máy tính... Những đồ vật quen thuộc đó chính là nơi trú ngụ lý tưởng của rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.
1- Những chiếc ví
Là những vật dụng rất quen thuộc đối với tất cả mọi người, không kể là nam giới hay phụ nữ. Tuy nhiên, đó lại là một trong những nơi trú ẩn của một số loại vi khuẩn rất đáng quan tâm. Mặc dù, phần lớn thời gian ví luôn được để trong người, song cũng có đôi khi nó được quẳng trên sàn nhà, đặt dưới đất, trên thảm cỏ, trong ngăn bàn…hoặc bất kì nơi nào khác. Và tất nhiên, mỗi khi tiện tay đặt ví ở đâu đó, nó cũng dễ dàng mang về cho người chủ của mình một vài con vi khuẩn không mong muốn.
Ngoài ra, những thứ lặt vặt liên tục được rút ra, rút vào trong ví, chẳng hạn thẻ rút tiền, giấy tờ tuỳ thân, một vài tờ biên lai, tiền trả lại sau khi đi chợ chứa không ít vi khuẩn … cũng góp phần làm cho số vi khuẩn ở đây tăng lên đáng kể. Những vi khuẩn này tồn tại khá lâu, đặc biệt là trong những chiếc ví của cánh mày râu. Bởi họ thường có thói quen nhét ví vào túi quần, do đó nhiệt độ của ví khá ấm áp và là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn tha hồ sinh sôi, nảy nở.
2 - Điều khiển từ xa
Điều khiển từ xa là ổ chứa vi khuẩn vì nó do nhiều người cầm nắm năm này qua năm khác. Ảnh: ABC. |
Thật không gì lý tưởng hơn sau một ngày làm việc mệt mỏi được ngồi thư giãn bên chiếc ti vi, xem các chương trình yêu thích với một chiếc điều khiển trong tay và… nhấm nháp một túi bắp chiên bơ. Song ít ai để ý rằng bàn tay vừa bốc đồ ăn, vừa bấm điều khiển đã vô tình tạo cơ hội cho vi khuẩn bám trên điều khiển ti vi xâm nhập vào cơ thể một cách dễ dàng.
Nhiều người sẽ bất ngờ khi biết rằng: những chiếc điều khiển lâu ngày không được lau chùi, vệ sinh thậm chí còn bẩn hơn cả một cái toa lét. Nếu đem kiểm tra dưới kính hiển vi, bạn sẽ thấy số lượng vi khuẩn trên đó nhiều hơn hẳn cái bệ bồn cầu mà bấy lâu ta vẫn xem là nơi nhiều vi khuẩn nhất. Ngoài ra, điều khiển còn nhiễm đủ thứ vi khuẩn vì người này dùng chạm tay vào đó, và để lại 'hậu quả' cho người khác cầm vào...
3 – Đồ lót
Có khoảng không dưới 0,1 gam những chất cặn còn bám lại trên một bộ quần áo lót mới thay của bạn. Nó chứa xấp xỉ 100 triệu vi khuẩn E. coli. Những vi khuẩn này chỉ được loại sạch khi xử lý quần lót với nước sôi, sau đó đem giặt sạch và phơi khô. Nếu không xử lý bằng cách đó, vi khuẩn không thể loại bỏ một cách hoàn toàn.
4 - Thớt cắt thức ăn
Thớt là nơi chứa nhiều vi khuẩn vì nó hiếm khi được cọ sạch. Ảnh: ABC. |
Theo tiến sĩ vi sinh vật Gerba, trung bình trên bề mặt một chiếc thớt có thể chứa một lượng vi khuẩn nhiều gấp 200 lần vi khuẩn có trên bệ của một cái toa lét. Nguyên nhân là vì người ta thường cọ rửa sơ sài và ít khi làm khô nó, trong khi thớt là nơi thường xuyên đặt đủ mọi loại thức ăn để cắt thái. Vì vậy, thay vì rửa một cách thông thường và đại khái, hãy quan tâm và giành nhiều thời gian hơn khi rửa một cái thớt sau khi sử dụng.
5 - Điện thoại
Không kể đó là điện thoại di động hay điện thoại cố định, nếu lâu ngày không được vệ sinh, chúng đều là nơi trú ẩn của ít nhất là vài loại vi khuẩn từ miệng và tay của người sử dụng. Có thể ít người để ý đến việc này, song khi nói chuyện điện thoại, một phần nước bọt có chứa vi khuẩn có thể bắn ra ngoài và bám vào chiếc điện thoại của bạn. Trong một nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học Isreal, trong số những bệnh nhân nhập viện, có ít nhất 20% trường hợp mà kiểm tra cho thấy điện thoại di động của họ có chứa nhiều loại vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, rất ít người chú ý tới việc làm vệ sinh cho chú “dế” yêu.
6 - Những chiếc vòi nước
Bề mặt ẩm ướt của một chiếc vòi nước công cộng có thể là nơi trú ngụ lý tưởng cho vi khuẩn và một số virus gây bệnh. Trong thực tế, phần đầu của một chiếc vòi nước công cộng có thể chứa một lượng vi khuẩn nhiều gấp đôi một cái bệ bồn cầu. Quả thực, không thể chủ quan với một chiếc vòi nước công cộng, khi mà nó chính là nơi mà không biết bao nhiêu bàn tay có thể đã chạm vào.
7 - Những phím bấm
Bạn có thể thấy nó có ở bất cứ nơi đâu: từ một chiếc máy rút tiền tự động ATM, trong cầu thang máy, máy bán hàng tự động…cho đến một chiếc điện thoại công cộng, hay bàn phím máy vi tính. Do tính chất sử dụng của chúng là “công cộng” nên hầu hết, chúng ít khi được vệ sinh sạch sẽ. Tất nhiên, nếu người sử dụng không chú ý đến việc rửa sạch tay sau khi dùng thì một vài loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm bám lại trên tay có thể có cơ hội tấn công gây bệnh bất kỳ lúc nào.
8 - Nhà vệ sinh công cộng
Có thể coi là nơi bẩn nhất và nhiều vi khuẩn nhất. Bạn không thể biết được có bao nhiêu người đã sử dụng chúng, và mỗi người thì có một thói quen khác nhau… Những nhà vệ sinh công cộng trong các công sở, trong bệnh viện…có thể coi là nơi trú ngụ của những mầm bệnh nguy hiểm.
9 - Xe hoặc giỏ đựng hàng trong siêu thị
Đều là những đồ vật đã qua tay của không ít người sử dụng. Những chiếc xe có thể được dùng để đựng đủ mọi thứ đồ từ đồ khô cho tới các loại thực phẩm tươi sống. Kể cả khi chúng đã được bao bọc kín, song cũng không hoàn toàn sạch khuẩn như nhiều người vẫn nghĩ. Đó là chưa kể đến việc nhiều gia đình đi mua đồ còn đặt những đứa trẻ ngồi trong xe đẩy… Nói chung, lượng vi khuẩn bám lại trên những chiếc xe mua hàng trong siêu thị là không nhỏ. Theo kết quả một cuộc kiểm tra, loại vi khuẩn phổ biến nhất bám trên những chiếc giỏ và xe đựng hàng trong siêu thị là khuẩn E. coli (khuẩn gây bệnh đường ruột). Chúng có thể tồn tại trên những chiếc giỏ này trong một thời gian khá dài và dễ dàng bám vào tay người sử dụng chờ cơ hội gây bệnh.
Tiến sĩ Philip Tierno - tác giả của cuốn sách “Cuộc sống bí mật của vi khuẩn” (The secret life of Germs) cũng khẳng định: con người thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn, dù chỉ một số ít trong đó gây nguy hại cho sức khoẻ của con người, song nó cũng rất đáng đề phòng. Cũng theo ông, trong số 60.000 loại vi khuẩn mà con người tiếp xúc hàng ngày, chỉ có khoảng 1- 2% là tiềm ẩn khả năng gây nguy hiểm. Cuối cùng, Tierno khẳng định: Bạn không nhất thiết phải sống trong một môi trường được bao bọc kĩ càng và hoàn toàn không có vi khuẩn, song điều quan trọng là bạn cần phải nhận thức được sự thực đang tồn tại xung quanh mình. Chúng ta có thể tiếp xúc thoải mái với mọi đồ vật, song cần phải lưu ý rửa sạch tay trước khi ăn, hoặc đưa tay lên mắt, mũi, miệng...
Minh Ngọc (theo ABC)