90% nguyên liệu dược của VN nhập từ nước ngoài
Các Website khác - 27/04/2008

 

Ngành công nghiệp dược Việt Nam đa phần ở dạng bào chế đơn giản, hàm lượng kỹ thuật thấp và trên 90% nguyên liệu phục vụ công nghiệp dược, 50% giá trị thuốc thành phẩm đặc biệt đối với nhóm tác dụng lý hóa và hoạt chất phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Ảnh minh họa
Nguồn nhân lực nói chung và nhân lực chuyên ngành công nghiệp dược, công nghiệp hóa dược còn quá thiếu và yếu.

Báo cáo đề dẫn của ngành Y tế tại "Hội nghị phát triển công nghiệp dược và các giải pháp quân bình cung cầu để ổn định thị trường dược phẩm" ngày 25/4, đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém và bất cập của ngành dược Việt Nam.

Theo đó, trong số 171 doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, chỉ có 30% đơn vị đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tiêu chuẩn thực hành tốt trong sản xuất vacxin và sinh phẩm y tế (GMP).

Yêu cầu công khai xử phạt các đơn vị, cá nhân vi phạm chất lượng dược phẩm

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ:

Ngành y tế cần tập trung quy hoạch các cơ sở sản xuất dược phẩm, vùng nguyên liệu; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thương mại và công khai xử phạt các đơn vị, cá nhân vi phạm chất lượng dược phẩm; đồng thời tăng cường giám sát, phát triển nguồn nhân lực ngành dược theo nhu cầu các doanh nghiệp, đầu tư cho chương trình sản phẩm quốc gia trọng điểm về dược liệu.

Theo quy định, đến hết ngày 30/6/2008, các doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược phải đạt tiêu chuẩn GMP của WHO, nhưng hiện còn 17 doanh nghiệp chưa đạt tiêu chuẩn GMP; 24 doanh nghiệp sản xuất đã đạt tiêu chuẩn ASEAN-GMP nhưng chưa chuyển đổi theo tiêu chuẩn của WHO-GMP.

Đây thực sự là thách thức lớn đối với ngành dược trong khi việc đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp vẫn trùng lặp, nhái mặt hàng và chủ yếu sản xuất các loại thuốc thông thường mà chưa chú ý đầu tư sản xuất các loại ở dạng bào chế đặc trị, thuốc chuyên khoa đặc trị.

Ngành y tế cũng thừa nhận đến nay chưa kiểm tra, kiểm soát hoàn toàn được việc tăng giá thuốc tự phát trên thị trường; sự đầu tư phối hợp giữa nhà sản xuất và các bệnh viện còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ và phát huy hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng thị trường dược phẩm có nguy cơ bị biến động nếu không có giải pháp quản lý căn cơ, bền vững mang tính chất lâu dài cho ngành.

Theo Tiến sĩ Triệu, để tạo được sự bình ổn thị trường dược phẩm, xây dựng hệ thống lưu thông phân phối thuốc lành mạnh đủ khả năng điều tiết những biến động, đảm bảo cung cấp đủ thuốc cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, chúng ta phải ưu tiên phát triển công nghiệp hóa dược, chế biến, chiết xuất dược liệu và công nghiệp phụ trợ ngành dược về trang thiết bị.