Ăn quá nhiều thịt gây bệnh mạn tính
Các Website khác - 30/12/2005
Nghiên cứu mới nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia công bố cho thấy, khẩu phần ăn của người dân Việt Nam ngày càng nhiều thịt động vật, trong khi lượng cá và rau lại không tăng. Đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh mạn tính.
Béo phì + bệnh tích mỡ trong tế bào

Theo điều tra, mức tiêu thụ thức ăn động vật ở thành thị tăng với 84 gram/người/ngày. Số liệu này còn cao hơn cả mức tiêu thụ ở Nhật với 74 gram/người/ngày. Điều này cũng cảnh báo sự nguy hiểm khi người dân sử dụng quá nhiều thịt động vật...

Giáo sư Nguyễn Công Khẩn, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, sự gia tăng của một số bệnh mạn tính thời gian qua chính là do liên quan tới ăn uống và lối sống. Theo thống kê, ăn nhiều thịt động vật đã làm tăng số lượng người thừa cân, béo phì, đặc biệt ở trẻ em và ở phụ nữ tuổi từ 50-60. Cũng theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, cách đây 40 năm chỉ có 1% dân số trưởng thành ở miền bắc bị bệnh huyết áp, nhưng đến nay, chỉ tính riêng khu vực nội thành Hà Nội có tới 23,6% bị bệnh huyết áp. Bệnh đái tháo đường cũng tăng lên nhanh chóng theo sự phát triển của kinh tế. Từ chỗ điều tra hẹp chỉ có 1,1% dân số mắc bệnh (năm 1991) nhưng chỉ sau một năm, tỷ lệ này là 2,52%. Và đặc biệt, tỷ lệ nhiễm mỡ trong máu đã tăng đáng kể và gây nhiều chứng bệnh nan y khác.

Có bằng chứng cho thấy những năm gần đây, các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng có xu hướng gia tăng như béo phì, tim mạch, tiểu đường và ung thư. Vai trò của chế độ ăn đã được chứng minh là đặc biệt quan trọng trong các bệnh trên.

35% các trường hợp ung thư liên quan đến chế độ ăn uống

Viện Dinh dưỡng đang tiến hành cuộc tổng điều tra tình trạng thừa cân, béo phì trong toàn quốc. Điều tra về tình trạng thừa mỡ trong máu cũng được tiến hành tại đồng bằng sông Hồng. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, qua những kết quả điều tra sơ bộ cho thấy tỷ lệ người Việt Nam thừa cân, béo phì hiện đã cao hơn hẳn so với con số tương ứng trong nghiên cứu về thực trạng dinh dưỡng người Việt Nam năm 2000.

Béo phì có nguy cơ gia tăng ở khu vực các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tỷ lệ thừa cân và béo phì của nhóm 4-5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh là 2,5%, ở Hà Nội trên 1%. Tỷ lệ thừa cân và béo phì của nhóm tuổi 6- 11 tuổi ở nội thành TP Hồ Chí Minh là 12%, ở nội thành Hà Nội là 4%. Tỷ lệ này của người trưởng thành ở Hà Nội: nam là 15%, nữ là 19%.

Số liệu theo dõi trong bệnh viện cho thấy số bệnh nhân tiểu đường, kể cả thể không phụ thuộc Insulin (type II) tăng lên rõ rệt. Bệnh tim mạch, có sự liên quan chặt chẽ giữa thừa cân và bệnh tăng huyết áp ở người trên 60 tuổi. Gần đây, số trường hợp đột quỵ tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước. Tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim hiện nay tăng gấp 6 lần so với thập kỷ 60. Qua điều tra thời gian gần đây, trên 35% các trường hợp ung thư được phát hiện là có liên quan đến chế độ ăn, đặc biệt là chế độ ăn nhiều chất béo, đạm động vật, và nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, các loại hạt có nhiễm độc tố aflatoxin.

Giáo sư Hà Huy Khôi, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam nhận xét thừa ăn cũng nguy hiểm không kém thiếu ăn. Thừa ăn nghĩa là ăn quá nhu cầu - gây tăng cân dẫn tới béo phì. Trẻ em thừa cân khi lớn lên dễ trở thành người béo. Những người béo dễ mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường và nhiều bệnh khác. Ở Việt Nam hiện nay bên cạnh các bệnh do thiếu dinh dưỡng còn phổ biến, đã bắt đầu có sự gia tăng các bệnh béo phệ, tăng huyết áp, tiểu đường... Chăm sóc y tế cho các bệnh này rất tốn kém, do đó cần thực hiện chiến lược dự phòng trước hết thông qua chế độ ăn hợp lý.

Các bác sĩ khuyến cáo chế độ ăn, uống đối với người bị các bệnh mạn tính cũng cần phải đặc biệt quan tâm và có chế độ ăn “kiêng". Thí dụ, người tăng huyết áp chế độ ăn cần ít muối, ở bệnh thận mãn tính chế độ ăn cần ít đạm, ở người xơ mỡ động mạch chế độ ăn cần ít các chất béo nguồn động vật... Đối với nhiều loại bệnh, áp dụng một chế độ ăn hợp lý là điều bắt buộc để bệnh ít biến chứng, đỡ phải dùng thuốc.

Theo Gia đình và xã hội