Bài thuốc "Bát vị tri bá gia giảm" chỉ hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường thể nhẹ
Các Website khác - 23/09/2005
Thông tin Viện Y học cổ truyền Hải Dương ứng dụng bài thuốc "bát vị tri bá gia giảm" hiệu quả với nhiều bệnh nhân tiểu đường type 2 đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Văn Bình, chủ nhiệm đề tài "Dịch tễ học bệnh đái tháo đường ở Việt Nam, các phương pháp điều trị và biện pháp dự phòng" trao đổi một số thông tin về vấn đề này.
Hỏi:: Xin ông cho biết tình hình đái tháo đường ở Việt Nam hiện nay?

PGS-TS Tạ Văn Bình: Hiện nay, cả nước có 2,2% dân số mắc bệnh ĐTĐ, trong đó, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm 4,4% (type II lứa tuổi từ 30-64 tuổi). Bệnh viện Nội tiết Trung ương tuy chỉ có 140 giường bệnh, nhưng ngày nào cũng có gần 1.000 bệnh nhân đến khám và điều trị. Đa số bệnh nhân đến bệnh viện đều ở giai đoạn cuối nên việc điều trị hết sức phức tạp, tốn kém và nguy cơ tử vong cao. Vì thế thông tin Viện Y học cổ truyền Hải Dương điều trị khỏi cho nhiều bệnh nhân bệnh ĐTĐ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả. Bản thân tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm về cách điều trị này, kể cả Việt kiều ở nước ngoài.

Hỏi: Ông đánh giá như thế nào về giá trị và hiệu quả chữa bệnh của bài thuốc y học cổ truyền "Bát vị tri bá gia giảm" chữa bệnh ĐTĐ như các phương tiện thông tin đại chúng vừa đưa?

Trả lời: Trước hết tôi khẳng định bài thuốc đó không thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, mã số: KC.10.15 của Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Y tế nghiên cứu dịch tễ học bệnh đái tháo đường ở Việt Nam, các phương pháp điều trị và biện pháp "dự phòng" do tôi là Chủ nhiệm đề tài. Từ lâu trong y học cổ truyền đã có rất nhiều bài thuốc được dùng để điều trị chứng tiêu khát. Ở Việt Nam chúng ta đã có nhiều đề tài nghiên cứu về tác dụng của một số bài thuốc đông y để chữa bệnh ĐTĐ như mướp đắng, chè gamosa, bài thuốc "Bát vị tri bá gia giảm"... Nhưng tôi xin nhấn mạnh những bài thuốc này chỉ có tác dụng hỗ trợ cho người mắc bệnh ĐTĐ type 2 ở giai đoạn nhẹ, được phát hiện sớm và chưa có biến chứng, còn đối với những thể ĐTĐ trong giai đoạn biến chứng cấp tính thì tuyệt đối không được phép sử dụng thuốc y học cổ truyền mà cần đến ngay các trung tâm y tế để điều trị cấp cứu.

Hỏi: Xin PGS cho biết cụ thể hơn về những biểu hiện của bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ type 2?

Trả lời: ĐTĐ của bệnh nhân type 1 và 2 mức độ biến chứng và nguy hiểm giống nhau. Có nghĩa là khi biến chứng thì bệnh ĐTĐ ở type 1 và 2 nặng thậm chí có thể tử vong. ĐTĐ type 1 là quá trình hủy hoại các tế bào bêta (tế bào tiết ra insulin) của đảo tụy Langerhans. Cho nên những bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ type 1 buộc phải bổ sung insulin trực tiếp vào cơ thể. Bệnh ĐTĐ type 2, ở giai đoạn đầu không phải bổ sung insulin, tỷ lệ chiếm tới 85% người mắc và các biến chứng thường có ngay tại thời điểm bệnh được phát hiện. Mặc dù vậy, bệnh này chúng ta có thể kiểm soát và phòng tránh được qua chế độ ăn uống và sinh hoạt.

Hỏi: Được biết, bệnh ĐTĐ đứng thứ 4 trong tổng số người tử vong do bệnh tật và 65% người mắc bệnh ĐTĐ không biết mình mắc bệnh, vậy tiến sĩ có lời khuyên gì?

Trả lời: Những người có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ như thừa cân, béo phì và trong gia đình có người mắc bệnh ĐTĐ, tăng huyết áp không rõ nguyên nhân... cần phải thường xuyên kiểm tra (đường máu, mỡ máu...) nhằm phát hiện sớm bệnh, nếu có. Bên cạnh đó, những người mới mắc ở giai đoạn đầu cần có chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý sẽ làm giảm tỷ lệ đường trong máu. Người mắc bệnh phải được hướng dẫn, hiểu được diễn biến và cơ chế bệnh. Biết cách theo dõi diễn biến bệnh của chính bản thân mình. Vì không ai sát tình trạng sức khỏe người bệnh bằng chính họ, qua đó có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, đồng thời sử dụng thuốc cho đúng. Khi thấy có dấu hiệu bất thường phải đến ngay bệnh viện chuyên khoa để can thiệp kịp thời.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Theo Tin tức