Bảo hiểm y tế còn quá nhiều bất cập
Các Website khác - 01/09/2005
Một ca phẫu thuật miễn phí tại nhi đồng II.
Một ca phẫu thuật miễn phí tại Nhi đồng II.

Vì sao không có hướng dẫn thanh toán cho các trường hợp tai nạn giao thông, hoặc nên bỏ danh mục thuốc bảo hiểm y tế vì nó quá phi lý... Đó là những bức xúc mà các cơ sở y tế nêu ra tại cuộc họp chiều qua với Bảo hiểm TP HCM để triển khai thông tư 21 về hướng dẫn thực hiện NĐ 63 về bảo hiểm y tế.

Điều đầu tiên, các bệnh viện thắc mắc vì sao thông tư mới nhưng không có hướng dẫn về việc thanh toán cho các trường hợp tai nạn giao thông điều trị tại bệnh viện.

Trả lời vấn đề này, phía bảo hiểm khẳng định rằng: những trường hợp tai nạn giao thông được điều trị tại bất kỳ cơ sở nào cũng không được bảo hiểm y tế chi trả. Những trường hợp bị tai nạn giao thông trên đoạn đường từ nhà đến chỗ làm trong giờ làm việc sẽ được tính là tai nạn lao động và do bảo hiểm lao động chi trả. "Bảo hiểm y tế không chi trả cho những trường hợp tai nạn giao thông do vi phạm luật giao thông, nhưng làm thế nào để xác nhận người bị tai nạn giao thông có vi phạm luật giao thông hay không thì phải chờ văn bản hướng dẫn từ cấp trên. Trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn thì các cơ sở điều trị vẫn thu tiền các bệnh nhân bị tai nạn giao thông", Phó giám đốc bảo hiểm thành phố, bà Hà Thị Hiền, cho biết.

Phía cơ sở điều trị đòi hỏi bên bảo hiểm phải có văn bản cụ thể để bệnh viện giải thích với bệnh nhân, nhưng bà Hiền cho rằng Bảo hiểm thành phố không có quyền ra văn bản đó.

Tất cả các cơ sở điều trị cũng thống nhất rằng nên bỏ danh mục thuốc bảo hiểm y tế vì nó quá phi lý. Bởi mỗi căn bệnh, mỗi bệnh viện phải dùng một danh mục thuốc khác nhau mà ngành bảo hiểm lẫn Bộ Y tế không thể bao quát hết được. Càng không nên có sự phân loại bệnh viện để ban hành danh mục thuốc bảo hiểm cho từng hạng bệnh viện. Vì có những bệnh viện xếp hạng dưới nhưng làm được cả những công việc phức tạp của các bệnh viện tuyến trên. Điển hình như Trung tâm y tế Củ Chi chỉ là bệnh viện hạng ba nhưng đã làm được những việc của một bệnh viện hạng một, thế nhưng chỉ được cấp cho danh mục thuốc của một trung tâm y tế. Hơn nữa khi "Trung tâm trình danh mục thuốc đề nghị để phục vụ cho công tác khám chữa trị tại trung tâm thì tất cả đều bị phía bảo hiểm gạt bỏ, kể cả thuốc Paracetamol. Chúng tôi thực sự không hiểu tại sao lại như vậy", đại diện y tế Củ Chi bức xúc.

"Đề nghị bỏ ngay danh mục thuốc bảo hiểm vì điều này là vô cùng phi lý, nó làm mất nhiều thời gian và công sức của các cơ sở điều trị. Chỉ cần ban hành danh mục các loại thuốc mà Bộ Y tế cấm sử dụng trong điều trị là đủ. Nhiệm vụ của bảo hiểm y tế là thanh toán tiền theo đúng quy định chứ không phải quản lý cả công tác khám chữa bệnh của các cơ sở điều trị", Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, Nguyễn Xuân Cẩm, nhấn mạnh.

Các cơ sở điều trị cũng cho rằng danh mục thuốc bảo hiểm sẽ không thể đi kịp với sự tiến bộ và thay đổi từng ngày trong kỹ thuật điều trị. Ví dụ như, nội soi điều trị được bảo hiểm nhưng nội soi can thiệp lại không được bảo hiểm, mặc dù hiệu quả điều trị của nội soi can thiệp rất cao mà chi phí lại rất ít so với nội soi điều trị. Hay trong phẫu thuật tim, các bệnh viện thu phí trọn gói, nhưng trong danh mục bảo hiểm thì vật tư tiêu hao, công phẫu thuật không có trong danh mục thanh toán, bệnh viện không biết phải làm thế nào để quyết toán với phía bảo hiểm.

"Đã ra khung giá thanh toán thì không cần có thêm danh mục khống chế trong điều trị, như danh mục thuốc, danh mục kỹ thuật cao... Nếu có thì nên lập danh mục những gì không được bảo hiểm chi trả. Như vậy, danh mục chắc chắn sẽ ít hơn và dễ dàng hơn cho cơ sở y tế trong công tác khám, điều trị và công tác tài chính", ông Cẩm đề nghị.

Theo thông tư mới thì Bảo hiểm sẽ không thanh toán 50% đơn giá trên toa thuốc chống thải ghép sau phẫu thuật, thuốc điều trị ung thư như trước đây. Mặc dù đến chiều ngày 31/8, thông tư mới được phía bảo hiểm triển khai tại TP HCM, nhưng hiệu lực thi hành lại được tính từ 22/8. Do đó, những bệnh viện nào vẫn thực hiện quy định cũ (như Bệnh viện ung bướu vẫn thanh toán 50% số tiền trên mỗi toa thuốc điều trị ung thư) thì sẽ không được bảo hiểm thanh toán kể từ khi thông tư có hiệu lực thi hành. "Chắc chắn không có hồi tố. Do đó các bệnh viện đành chịu thất thu", bà Hiền cho biết.

Kết thúc cuộc họp, các cơ sở điều cho rằng, mặc dù là thông tư hướng dẫn nhưng vẫn còn quá nhiều điều bất cập, sẽ gây khó khăn cho công tác lập hóa đơn thanh toán.

Võ An