Bệnh bại liệt do virus hoang dại nguy hiểm nhưng dễ phòng
Các Website khác - 07/09/2005
Theo bác sĩ Phan Văn Tú, Phó trưởng phòng Vi sinh Viện Pasteur (TP Hồ Chí Minh), bệnh bại liệt không có thuốc điều trị đặc hiệu. Phòng bệnh chủ yếu là tiêm chủng và giữ gìn vệ sinh cho trẻ trong ăn uống.
* Hỏi: Thưa bác sĩ, vì sao lại gọi là bệnh bại liệt do viurs hoang dại?

- Bác sĩ PHAN VĂN TÚ: Bệnh bại liệt gây nên bởi virus polio - loại virus hoang dại sống trong tự nhiên (để phân biệt với các virus lưu hành có nguồn gốc từ vaccine tồn trong phân trẻ em).

Hỏi: Thời gian ủ bệnh trong bao lâu; bệnh nhân thường có triệu chứng gì và bệnh thường xảy ra đối với lứa tuổi nào?

Trả lời: Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 2 tuần với các biểu hiện nhẹ thường không có triệu chứng. Khi phát bệnh, bệnh nhân có triệu chứng ban đầu giống như cảm cúm, sau đó tiêu chảy và có những dấu hiệu giống như viêm não, bệnh nhân có dấu hiệu sốt, co giật và bắt đầu yếu tay chân - phần nhiều là yếu chân và bị không đối xứng (thường bị một chân). Khi bị liệt bệnh nhân mất chức năng vận động, còn cảm giác vẫn bình thường. Sau một thời gian thì cơ bắt đầu teo. Theo thống kê, trong 1.000 trẻ bị bệnh sẽ có 1 trẻ bị di chứng bại liệt suốt đời (tỷ lệ 1/100). Theo y văn, bệnh thường xảy ra với trẻ ở độ tuổi dưới 15. Trong đó đa phần trẻ ở độ tuổi từ 1 đến 3.

Hỏi: Thưa bác sĩ, hiện nay chúng ta đã có tiến bộ gì mới trong điều trị căn bệnh này?

Trả lời: Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các bệnh viện vẫn sử dụng phác đồ điều trị như đối với các bệnh nhân viêm não. Mặc dầu nguy hiểm nhưng bệnh bại liệt do virus hoang dại lại được phòng ngừa rất đơn giản bởi chủng ngừa. Tại Việt Nam, hơn 20 năm qua chủng ngừa bại liệt do vi rurus hoang dại đã được thực hiện. Từ năm 1997 sau ca bị bệnh bại liệt do virus hoang dại xảy ra ở Phú Yên đến nay thì chúng ta không còn ca nào. Chính vì vậy năm 2000. Tổ chức Y tế thế giới mới chính thức công nhận chúng ta đã thanh toán bại liệt do virus hoang dã.

Hỏi: Thưa ông, hiện nay việc chủng ngừa được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Theo Chương trình Quốc gia, trẻ sơ sinh sẽ được uống vaccine ngừa bại liệt do virus hoang dã vào tháng thứ 1, thứ 2 và thứ 3 sau khi sinh. Đối với những vùng có nguy cơ cao (tỷ lệ trẻ uống không đủ liều) thì hằng năm ngành y tế vẫn tổ chức cho trẻ dưới 1 tuổi uống vaccine nhắc lại. Ngoài ra, vì là bệnh lây qua đường tiêu hóa nên phải chú ý giữ gìn vệ sinh cho trẻ, phải thực hiện ăn chín uống sôi, trước khi ăn phải rửa tay.

Hỏi: Từ năm 1997 đến nay ở Việt Nam không còn trẻ nào bị bại liệt do virus hoang dại, nhưng tại sao vẫn còn tình trạng trẻ bị sốt bại liệt?

Trả lời: Những trường hợp bại liệt này do nhiều nguyên nhân khác, thậm chí trong đó có những trường hợp do virus đường ruột gây nên, tuy nhiên, qua giám sát dịch tễ từ 1997 đến nay chúng ta chưa phát hiện trường hợp nào bị bại liệt do virus hoang dại poloi.

Hỏi: Xin BS cho biết tình hình bệnh bại liệt do virus hoang dại ở Indonesia hiện nay. Thưa BS, theo chúng tôi được biết đất nước này cũng đã thanh toán bại liệt do virus hoang dại gần 10 năm nay. Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng tái phát này?

Trả lời: Theo Tổ chức Y tế thế giới, cho đến cuối tháng 8, Indonesia đã có 225 trường hợp nhiễm. Theo điều tra của Tổ chức Y tế thế giới, virus này xâm nhập vào Indonesia có nguồn gốc từ châu Phi.

Hỏi: Trước nguy cơ này chúng ta phải xử trí như thế nào?

Trả lời: Theo chỉ đạo của Bộ Y tế trong tháng 9 này, chúng ta sẽ tổ chức chiến dịch uống nhắc lại vaccine ngừa bại liệt do virus hoang dại cho các tỉnh miền Tây có đường biên giới với Campuchia. Hiện Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị dự phòng ở địa phương tăng cường công tác giám sát dịch tễ để phát hiện và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm của căn bệnh nguy hiểm này.

Theo Theo Sài Gòn giải phóng