Bệnh lao trong trại giam - mối nguy cho cộng đồng
Các Website khác - 29/12/2005
Lao động cải tạo tại trại Hoàng Tiến. Ảnh: Anh Thư

Tỷ lệ mắc lao phổi trong các trại giam cao gấp 15-20 lần so với cộng đồng, tỷ lệ kháng đa thuốc cũng gấp 7 lần. Đây là một nguồn lây lớn cho cộng đồng, nhất là trong hoàn cảnh dịch HIV đang bùng phát.

Tiến sĩ Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Trung ương, cho biết, mặc dù văcxin và thuốc điều trị lao đã ra đời từ lâu nhưng việc thanh toán bệnh này vẫn là một viễn cảnh xa vời. Nguyên nhân là việc kiểm soát nguồn lây và điều trị chưa thực sự hiệu quả. Để khống chế tốt dịch bệnh, mỗi năm ngành y tế phải phát hiện ít nhất 70% bệnh nhân lao mới và điều trị cho tối thiểu 85% số bệnh nhân.

Tuy nhiên, trong năm nay, con số phát hiện mới chỉ đạt khoảng 42% và số điều trị khỏi cũng chưa đạt chuẩn. Sự phát triển của dịch HIV khiến cho công tác chống lao càng khó khăn hơn vì căn bệnh này làm tăng nguy cơ nhiễm và tiến triển thành bệnh lao. Nếu không nhiễm HIV, chỉ 5% số người nhiễm khuẩn lao tiến triển thành bệnh; nhưng ở những người nhiễm HIV, tỷ lệ này lên đến 30%.

Ở các trại giam và trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội (trung tâm 05-06), việc phát hiện và điều trị lao càng kém hơn. Kết quả điều tra của chương trình phòng chống lao cho thấy, ở trong nhà tù, cứ 100.000 người thì có khoảng 1.000-1.900 người mắc lao phổi, trong khi ở cộng đồng, con số này chỉ là 72. Gần 2/3 số bệnh nhân lao ở đây kháng thuốc, hơn 1/4 kháng đa thuốc.

"Lao và HIV là hai bệnh hay gặp nhất ở các trại giam và trại 05-06. Nguy cơ kết hợp 2 bệnh này là rất lớn vì có những trung tâm giáo dưỡng có tỷ lệ nhiễm HIV tới gần một nửa. Các bệnh nhân này là nguồn lây nguy hiểm không chỉ cho các trại viên, học viên mà cả cho cán bộ và cộng đồng khi họ trở về" - tiến sĩ Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế nói. Theo Cục Y tế Bộ Công an, tỷ lệ cán bộ các trại giam mắc lao cao hơn cộng đồng tới 3-5 lần.

Điều đáng sợ là rất khó quản lý các nguồn bệnh này do họ cứ vào, ra trại thường xuyên, nhiều trường hợp chuyển trại mà nhân viên y tế không biết vì phải giữ bí mật. Bệnh nhân phần lớn bỏ trị và làm tăng khả năng kháng thuốc. Thạc sĩ Chu Mạnh Dũng thuộc Chương trình chống lao quốc gia cho biết, phạm nhân vào trại hầu như không được khám phát hiện lao, điều kiện vật chất và nhân lực trong tù cũng không cho phép triển khai tốt các biện pháp quản lý điều trị. Trong số phạm nhân mắc lao, nhiều người đã tự dùng thuốc nhưng phần lớn là dùng sai.

Theo ông Đinh Ngọc Sỹ, quản lý lao trong nhóm cư dân đặc biệt là một yếu tố quan trọng nhằm khống chế bệnh trong cộng đồng. Ngành y tế đang có kế hoạch xây dựng mô hình điểm phòng chống lao trong trại giam và nhân rộng nó, đồng thời tập huấn về bệnh cho cán bộ và trại viên.

H.H.