Bệnh tiểu đường đáng lo hơn cúm gia cầm
Các Website khác - 27/10/2005
Bệnh tiểu đường có thể giết chết nhiều người hơn cúm gia cầm ở châu Á
Giáo sư Paul Zimmet, giám đốc Trung tâm Phối hợp chống bệnh tiểu đường và Viện Nghiên cứu bệnh tiểu đường trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khẳng định ở châu Á, bệnh tiểu đường là một vấn đề sức khỏe lớn hơn cả cúm gia cầm và AIDS cộng lại, và nó đã trở thành một “cơn sóng thần bệnh tiểu đường toàn cầu”.

Ông Zimmet cho rằng trong khi các chính phủ tập trung vào nguy cơ tiềm tàng của virus cúm gia cầm và HIV, bệnh tiểu đường đã trở thành một đại dịch thầm lặng. “Nó đã trượt khỏi màn hình radar” - ông Zimmet nói - “Tỉ lệ bệnh tiểu đường ở châu Á giờ đây vượt hẳn châu Âu, nơi nó được chú ý hơn trong vai trò là một vấn đề sức khỏe”. Khoảng 5% dân số trưởng thành ở châu Âu bị tiểu đường. Tại châu Á, tỉ lệ tương ứng là 10% -12% và tỉ lệ này tăng đến 30% - 40% ở các quốc gia Thái Bình Dương”.

Ông Zimmet đã cung cấp các thông tin về bệnh tiểu đường cho một hội nghị quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, trong tuần này, theo đó bệnh tiểu đường giết chết nhiều gấp đôi số người thiệt mạng vì những căn bệnh truyền nhiễm. “Đây là một cơn sóng thần tiểu đường toàn cầu, một thảm họa sẽ trở thành cuộc khủng hoảng y tế của thế kỷ 21 và có thể giảm tuổi thọ toàn cầu lần đầu tiên trong 200 năm” - ông cho biết.

Giáo sư nói rằng châu Á nằm ở trung tâm của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do sự “Coca-Cola hóa” lối sống của mình, với việc thực phẩm từ gạo bị thay thế bởi những loại thực phẩm kiểu phương Tây nhiều chất béo và đường. Ông Zimmet cũng cho biết một trong những xu hướng đáng lo ngại nhất về đà gia tăng bệnh tiểu đường là sự phổ biến căn bệnh này ở giới trẻ. “Tại châu Á lần đầu tiên chúng ta chứng kiến tiểu đường type 2 - dạng tiểu đường của người lớn - ở trẻ em” - ông nói - “Ngày càng nhiều trẻ em bị béo phì vì không vận động thân thể ở trường. Chúng ngồi bên máy vi tính cả ngày. Áp lực học tập đã đẩy việc vận động thân thể khỏi chương trình học”.

Giáo sư Zimmet khẳng định không nơi nào có vấn đề tiểu đường nghiêm trọng hơn ở châu Á, nơi trong vòng một thập kỷ tới sẽ tập trung 60% dân số bị tiểu đường toàn cầu do chế độ ăn uống nhiều chất béo và lối sống lười vận động. Ông cho rằng với việc 4/5 nước có dân số bị tiểu đường lớn nhất ở châu Á, có thể nhìn thấy sự ra đi sớm của 200 triệu mạng người.

Theo ông, các chính phủ châu Á chưa xem xét nghiêm túc vấn đề bệnh tiểu đường dù ông ca ngợi nỗ lực của Singapore tăng thời lượng vận động thân thể trong sinh viên. Ông cũng thừa nhận rằng WHO cũng có một phần lỗi vì tổ chức này chi phần lớn nguồn lực chống các bệnh truyền nhiễm chứ không xem xét nghiêm túc vấn đề bệnh tiểu đường.

Liên quan đến cúm gia cầm, hôm qua 27-10, một bé gái 12 tuổi thiệt mạng tại một ngôi làng nơi 545 con gà chết vì cúm gia cầm ở tỉnh Hồ Nam tuần qua, nhưng chính phủ Trung Quốc cho biết bé gái nói trên tử vong vì bệnh viêm phổi. Trong khi đó, Pháp cho biết kết quả xét nghiệm 3 người dân trên đảo Reunion thuộc Pháp bị nghi nhiễm virus cúm gia cầm sau khi tham quan một vườn chim ở Thái Lan cho kết quả âm tính. Indonesia đang điều tra khả năng có các trường hợp cúm gia cầm mới trên đảo Bali trong khi một quan chức của Ngân hàng Thế giới cho biết các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ họp tại Geneva, Thụy Sĩ vào tuần tới để bàn việc lập quỹ chống cúm gia cầm.

Trùng Quang (Theo AFP, AP, Asia Pulse)