![]() |
Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. |
Ông Nguyễn Lân Việt, Phó viện trưởng viện Tim mạch, cho biết, nếu như cách đây vài chục năm, các ca nhồi máu cơ tim rất hiếm gặp thì hiện nay, ngày nào cũng có những bệnh nhân bị tai biến này được đưa đến viện. Các bệnh lý tim mạch khác cũng tăng vọt so với vài thập kỷ trước.
Ông Việt cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới đang lo ngại về sự gia tăng nhanh chóng của 4 loại bệnh không lây nhiễm của Việt Nam, trong đó có bệnh tim mạch (bên cạnh tiểu đường, ung thư và rối loạn tâm thần). Thể hiện rõ nhất là chứng cao huyết áp. Cách đây 30 năm, tỷ lệ cao huyết áp ở người trưởng thành chỉ cấp xỉ 2%. Nhưng đến nay, con số này đã là 16%. Một điều tra gần đây trên những người 25 tuổi trở lên ở nội thành Hà Nội cho thấy, có đến 23% bị cao huyết áp.
Theo ông Việt, có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp, trong đó phần lớn có thể phòng ngừa được, chẳng hạn như thói quen hút thuốc lá. Viện Tim mạch từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân mới 40-45 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim. Khi tìm hiểu, các bác sĩ được biết hầu hết trong số họ đều hút 1-2 bao thuốc lá mỗi ngày. Mối liên hệ giữa thuốc lá và nhồi máu cơ tim rất rõ rệt, chỉ cần loại bỏ thói quen hút thuốc là đã giảm hẳn nguy cơ mắc tai biến này.
Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh tim mạch, có thể dẫn đến bệnh mỡ máu, xơ vữa động mạch... Căn bệnh này tăng rất nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ. Theo khảo sát tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, tỷ lệ béo phì ở trẻ em đã tăng từ 2,2% lên 7,9% chỉ trong vòng 2 năm. Một nghiên cứu trên 2.000 phụ nữ lứa tuổi 30-59 ở nội thành Hà Nội cho thấy, cứ 5 người thì một người thừa cân hoặc béo phì. Theo tiến sĩ Lê Bạch Mai, Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng cộng đồng (Viện Dinh dưỡng), điều đáng ngại là tỷ lệ mỡ trong cơ thể người Việt Nam rất cao. Nếu như người phương Tây chỉ có 19% mỡ khi chỉ số BMI là 25 thì với người Việt Nam, ngay khi BMI mới chớm 23 thì tỷ lệ mỡ cơ thể đã lên đến 22%. Lượng mỡ cao đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
Bà Mai cho rằng, thói quen ăn uống chính là một yếu tố làm tăng nguy cơ béo phì và bệnh tim mạch cho người Việt Nam. Chẳng hạn, người Hà Nội ăn trung bình 145 g thịt mỗi ngày, gấp 3 lượng cá. Tuy Việt Nam là một nước nhiệt đới với nhiều loại rau xanh quả chín nhưng loại thực phẩm này chỉ chiếm một phần khiêm tốn trong bữa ăn của người thành thị. Ngoài ra, thói quen ăn mặn được hình thành từ thời nghèo khó và duy trì qua xu hướng dùng đồ chế biến sẵn, fastfood cũng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh huyết áp cao.
Nhân Ngày tim mạch thế giới năm nay (25/9), Hội Tim mạch học tổ chức 6 buổi truyền thông giáo dục kiến thức tại Hà Nội vào các buổi sáng thứ 7 và chủ nhật từ 27/8 đến 18/9. Địa điểm tổ chức lần lượt theo thời gian là: Nhà văn hóa quận Cầu Giấy, nhà khách Chính phủ, nhà văn hóa Học sinh sinh viên, rạp chiếu phim quận Thanh Xuân, trung tâm chiếu phim quốc gia và cung văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội. Ngoài việc được tiếp nhận kiến thức về các bệnh tim mạch, cách phòng chống, chế độ dinh dưỡng hợp lý để có một trái tim khỏe, những người tham dự còn được khám, tư vấn miễn phí về sức khỏe tim mạch. Tại TP HCM, chương trình tương tự cũng được tổ chức tại 11 quận từ ngày 14/8 đến 18/9. |
Thanh Nhàn
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)