Bệnh viện tăng cường ứng trực cấp cứu ngày lễ
Các Website khác - 01/09/2005
Bệnh nhân bị tai nạn giao thông đang được cấp cứu
Bệnh nhân bị tai nạn giao thông đang được cấp cứu

"Ngày nghỉ lễ, công việc cấp cứu luôn bận rộn và căng thẳng hơn vì số bệnh nhân cấp cứu nhiều hơn ngày thường (khoảng 300 ca so với 200 ca). Ngoài ca trực thông thường, bệnh viện luôn có lực lượng ứng trực khi cần thiết", Phó giám đốc Bệnh viện nhân dân Gia Định, TP HCM, Nguyễn Thanh Minh cho biết.

Cũng theo bác sĩ Minh, thì thông thường bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân chủ yếu ở ba quận Gò Vấp, Phú Nhuận và Bình Thạnh, nhưng những ngày lễ bệnh nhân của một số tỉnh như Bình Dương, Biên Hoà... cũng được đưa vào đây để cấp cứu.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã hoàn tất kế hoạch trực cụ thể trong ba ngày nghỉ lễ (từ 2 đến 5/9) từ một tuần trước. Việc trực được chia theo "tua", không có ưu tiên hay ép buộc. Ca trực kế tiếp phải làm nhiệm vụ ứng trực cho ca đang trực. Cụ thể là điện thoại phải luôn mở và mang theo bên mình 24/24h, phải sẵn sàng tiếp ứng khi bệnh viện gọi. Nếu được gọi đến tiếp ứng mà không có mặt thì bị kỷ luật theo quy định. "Đây cũng là quy định chung của tất cả bệnh viện", bác sĩ Minh nhấn mạnh.

"Vào những dịp như thế này thì số bệnh nhân đến cấp cứu vì tai nạn giao thông có liên quan tới rượu là nhiều nhất. Mà phần lớn lại liên quan đến chấn thương đầu nên công tác cấp cứu rất phức tạp", Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Văn Khôi, nhận định. Theo thống kê của Bệnh Viện Chợ Rẫy, ba ngày nghỉ lễ từ 30/4 đến 3/5 vừa qua, trong số hơn 1.000 ca cấp cứu, có đến gần 400 ca vì tai nạn giao thông. Còn tính trong 6 tháng đầu năm đã có hơn 12.500 ca cấp cứu vì tai nạn giao thông, trong đó hơn 9.300 ca bị chấn thương đầu. Mỗi ca trực có khoảng 250 người, thêm một ca ứng trực cũng chừng đó nữa, vì vậy mỗi ngày có khoảng 500 nhân viên của bệnh viện không được nghỉ lễ.

Riêng ở bệnh viện Chấn thương chỉnh hình số ca cấp cứu các ngày nghỉ lễ không tăng nhiều so với ngày thường. Nhưng sau đợt lễ thì số bệnh nhân lại tăng lên đáng kể. "Có tình trạng như trên là do người dân đi chơi đường xa, khi trở về thì cơ thể mệt mỏi nên dễ sinh ra tai nạn giao thông. Và sau lễ bệnh nhân do các tỉnh chuyển lên nhiều", bác sĩ Châu Văn Đính, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết.

Khi cấp cứu không chỉ bác sĩ, y tá, điều dưỡng mới bận rộn mà bảo vệ bệnh viện cũng rất căng thẳng. Nhất là những trường hợp tai nạn giao thông được đưa vào cấp cứu, bảo vệ phải lập biên bản tình trạng khi đưa vào để phục vụ cho công tác điều tra. Có những trường hợp thấy khả nghi, bảo vệ phải giữ người lại và báo cho cơ quan công an can thiệp...

Tại Hà Nội, công tác chuẩn bị cho ngày lễ của các bệnh viện cũng đã sẵn sàng từ vài tuần nay. Ông Cao Độc Lập, Trưởng phòng Khám cấp cứu Bệnh viện Việt Đức cho biết: "Ngoài lực lượng trực như các ngày nghỉ thông thường, bệnh viện còn thành lập Ban chỉ đạo cấp cứu dịp lễ 2/9 do giám đốc phụ trách. Ban này lập danh sách các bác sĩ, nhân viên trực dự bị để có thể huy động bất cứ lúc nào. Họ được cấp giấy đi đường để có thể đi qua những đoạn đường cấm trong ngày lễ và đến bệnh viện trong thời gian ngắn nhất. Trong mấy ngày nghỉ, các bác sĩ trưởng khoa, giáo sư đầu ngành không được phép ở xa Hà Nội quá 10 km. Ngoài ra, Việt Đức cũng có một đội cấp cứu ngoại viện luôn sẵn sàng theo sự điều động của Bộ Y tế".

Ông Lập cũng cho biết, sở dĩ phải chuẩn bị kỹ vì vào các ngày lễ, số ca cấp cứu luôn tăng vọt. Các ngày 2/9 hay 1/5 mọi năm, mỗi ngày Việt Đức tiếp nhận khoảng 150 ca cấp cứu hoặc hơn, cao gấp rưỡi so với ngày thường. Ngày 2/9 năm nay lại gắn liền với đợt nghỉ cuối tuần nên Việt Đức đã chuẩn bị tinh thần và vật chất để có thể đón nhận khoảng 200 ca cấp cứu mỗi ngày, tương đương dịp Tết nguyên đán. Ngoài ra, cũng như trong những ngày lễ lớn khác, bệnh viện cũng chuẩn bị sẵn phương án xử trí nếu có thảm họa xảy ra.

Tại Bệnh viện Xanh Pôn, việc chuẩn bị cấp cứu cho 2/9 cũng đã hoàn tất với kíp trực thường xuyên và dự trữ. "Lực lượng dự bị chính là những người nằm trong danh sách trực của ngày kế tiếp. Họ cũng phải luôn trong tình trạng sẵn sàng, không được đi xa để có thể đến ngay khi được gọi" - bác sĩ Phạm Mạnh Thân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết - "Ngoài ra, từ mấy tuần trước, Sở Y tế đã thường xuyên kiểm tra mức độ sẵn sàng của các bệnh viện Hà Nội, trong đó có Xanh Pôn bằng cách đột xuất phát lệnh báo động qua đường dây nóng. Và kết quả cho thấy mọi thứ đều ổn".

Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cho những người tham gia diễu hành tại Hội trường Ba Đình trong ngày 2/9, Sở Y tế Hà Nội cũng đã huy động các bệnh viện trên địa bàn cử các đội cấp cứu và phương tiện, thuốc men đến ứng trực. Khi có người cần giúp đỡ về y tế, những đội này sẽ kịp thời sơ cứu bệnh nhân rồi chuyển họ đến bệnh viện thích hợp.

Võ An - Thanh Nhàn