Các tật tuổi học đường dễ mắc
Các Website khác - 04/10/2005

Hình ảnh một trẻ bị vẹo cột sống tư thế
Đó là các tật khúc xạ, bệnh về răng miệng và cong vẹo cột sống Những bệnh tật này xuất phát từ sự ít quan tâm của người lớn đối với trẻ và do trẻ chưa được hướng dẫn để có ý thức phòng ngừa bệnh tật cho bản thân.

Đáng quan tâm nhất là vấn đề cong vẹo cột sống trong lứa tuổi học đường. Bác sĩ Vũ Viết Chính, khoa nhi Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM, cho biết, một khảo sát của bệnh viện tình trạng cong vẹo cột sống trên 4.000 học sinh các cấp cho thấy: Có đến 60% bị vẹo cột sống. Đáng nói là trong 60% này có gần 50% bị vẹo cột sống tư thế (tức cột sống bị vẹo do đứng, ngồi, nằm và làm việc sai tư thế), còn lại 10% là vẹo cột sống cấu trúc, tức là do bẩm sinh.

Điều này cho thấy vấn đề giáo dục cho trẻ hiểu tác hại của việc đi, đứng, ngồi đúng tư thế trong quá trình học tập và vui chơi giải trí chưa thật sự được quan tâm. Nhất là các em vẫn đang phải ngồi học bằng những bộ bàn ghế không đúng quy cách, không phù hợp với lứa tuổi được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng cong vẹo cột sống ở lứa tuổi học đường.

10% bị vẹo cột sống cấu trúc, nhưng không được phát hiện sớm để điều chỉnh kịp thời từ nhỏ, do đó khi được phát hiện thì việc điều trị chỉnh sửa đã trở nên rất khó khăn và tốn kém. Ở những trường hợp còn có thể can thiệp để điều chỉnh lại thì phải tốn một chi phí rất lớn, 30-50 triệu đồng.

Việc chữa trị cong vẹo cột sống rất phức tạp và nguy hiểm. Nếu can thiệp quá sớm do không tiên định trước được phát triển của tật cong vẹo cột sống nên cũng rất khó có kết quả như mong muốn, những tình huống xấu nhất còn có thể gây liệt. Nếu để đến trưởng thành mới thực hiện chữa trị thì đã quá muộn.

Vì vậy các bậc phụ huynh nên tìm hiểu để biết cách phát hiện ra những dấu hiệu bị cong vẹo cột sống ở trẻ trong thời gian sớm nhất. Kiểm tra bằng cách cho trẻ đứng thẳng và quan sát sự cân bằng ở hai bên vai và lưng. Nếu không cân bằng nên nghĩ ngay đến việc trẻ đã bị cong vẹo cột sống. Sau đó cho trẻ từ từ cúi xuống và quan sát xem có dấu hiệu bất thường nào trên sống lưng của trẻ, nếu có thì cũng là dấu hiệu của cong vẹo cột sống.

Bác sĩ Chính cho rằng, mặc dù cong vẹo cột sống là một tật gây nhiều ảnh hưởng bất lợi cho trẻ trong quá trình phát triển, nhưng lại là một tật hoàn toàn có thể phòng ngừa được, nhất là cong vẹo cột sống tư thế. Vì vậy việc giáo dục hướng dẫn để trẻ hiểu được tác hại của việc sai tư thế trong khi vui chơi học tập là vô cùng cần thiết. Từ đó các em có ý thức hơn trong việc thực hiện các tư thế đúng trong học tập và sinh hoạt vui chơi.

Một bệnh khác rất hay gặp ở tuổi học đường là bệnh răng miệng. Trong các đợt kiểm tra răng miệng cho học sinh, người ta phát hiện ra có hơn 50% học sinh bị các loại bệnh này, nhất là học sinh khối tiểu học. Có nơi tỷ lệ học sinh tiểu học bị các bệnh về răng miệng lên đến 80%.

Tiến sĩ nha khoa Trần Thúy Nga, Đại học y dược TP HCM, cho biết, sở dĩ như vậy là do việc nuôi dưỡng bộ răng sữa cho trẻ ngay từ đầu không tốt. Các bà mẹ thường cho con ngậm vú hay bình sữa quá lâu khi trẻ còn bú mẹ, chất đường trong sữa là môi trường lý tưởng để sâu răng phát triển, làm men răng bị phá hỏng rất nhanh. Với trẻ đã lớn, các bậc phụ huynh lại góp phần phá hủy men răng của con bằng cách cho trẻ ăn quà vặt có chất ngọt nhiều lần trong ngày.

Bên cạnh đó, hỏng răng còn do mọi người cho trẻ dùng kem đánh răng không phù hợp, hoặc dùng nước súc miệng mà không quan tâm tới chức năng và công dụng của từng loại. "Nếu không có bệnh về răng miệng thì không nên dùng thêm bất kỳ loại nước súc miệng nào để không gây ảnh hưởng xấu cho men răng", Tiến sĩ nha khoa Trần Thúy Nga khuyên.

Để cho trẻ có hàm răng đẹp và chắc khỏe các bậc phụ huynh nên gìn giữ bộ răng sữa cho trẻ thật tốt. Không để trẻ bị sâu răng, nếu có phải đưa đến bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để được chữa trị cho đúng cách. Vì khi cần nhổ răng các nha sĩ còn phải đặt dụng cụ giữ vị trí để các răng không chạy chiếm chỗ của nhau. Có như thế khi thay răng mới mọc đúng chỗ. Nếu tự ý nhổ răng cho trẻ tại nhà rất dễ làm cho răng trẻ mọc xô lệch về sau. Nên đưa trẻ đến nha sĩ ngay cả khi trẻ chưa bị sâu răng để trẻ không có cảm giác sợ nha sĩ.

Một vấn đề đang được báo động hiện nay là hiện tượng học sinh mắc tật khúc xạ. Theo thạc sĩ Trần Hải Yến, trưởng khoa khúc xạ mắt bệnh viện mắt TP HCM, hiện các bậc phụ huynh chưa quan tâm lắm đến việc gìn giữ đôi mắt cho con em. Các cuộc kiểm tra tình trạng mắt cho học sinh đều do nhà trường tự mời bác sĩ đến khám. Hoặc phụ huynh chỉ đưa con em đi khám khi được nhà trường yêu cầu. Điều này chứng tỏ việc quan tâm đến đôi mắt của các em chưa được phụ huynh xem trọng.

Bác sĩ Yến cũng khuyên các bậc phụ huynh không nên cho trẻ đọc khi đang đi trên các phương tiện giao thông vì điều này rất có hại cho mắt. Ngoài ra, khi còn nhỏ các em có thói quen để sách rất gần mắt. Mắt trẻ con có khả năng điều tiết rất tốt nhưng nếu không được nhắc nhở để chỉnh sửa kịp thời thì dần dà các em sẽ bị cận thị thật sự. Do đó, trước khi đi học các em cần được đo kiểm tra thị lực toàn diện để phát hiện sớm những tật khúc xạ mà trẻ có thể mắc phải. Từ đó có những điều chỉnh thích hợp, đồng thời dễ dàng theo dõi tình trạng mắt của trẻ về sau.

Việc phát triển của răng, mắt và nhất là cột sống ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ. Nếu các cơ quan này phát triển bình thường khỏe mạnh sẽ làm trẻ tham gia vào cuộc sống tự tin năng động hơn. Nếu ngược lại sẽ làm trẻ tăng trưởng chậm, chiều cao không bằng trẻ bìng thường, trẻ sẽ tự thu mình lại và đặc biệt là thiếu tự tin vào bản thân.

Theo VnExpress