Những em bé sinh ra dưới 1.500 g rất dễ bị thiếu máu, dẫn đến bú kém, chậm tăng cân và có thể gây cơn ngưng thở. Cần cho trẻ uống thêm siro sắt khi được 1,5 tháng tuổi.
Đến khi trẻ bú được 1.000 ml sữa/ngày hoặc bắt đầu ăn dặm, nên cho uống thêm siro đa sinh tố và khoáng chất. Trẻ sinh quá non chỉ nên ăn dặm khi đã 6 tháng tuổi hoặc được 5 kg (để tránh bị sặc khi cho ăn thức ăn đặc).
Các vấn đề hay gặp khác ở trẻ sinh ra dưới 1.500 g:
Cơn ngưng thở: Trẻ sinh non thường bị cơn ngưng thở do não còn non, do nghẽn tắc đường thở trên, ngoài ra còn có thể do trào ngược dạ dày, thực quản, thiếu máu, nhiễm trùng… Cơn ngưng thở nặng có thể làm trẻ tím tái và chậm nhịp tim. Điều trị cơn ngưng thở bằng cách kích thích cho trẻ thở, dùng thuốc (theo toa bác sĩ) trị chứng trào ngược dạ dày, thực quản và thiếu máu. Khi bú trẻ thường phải gắng sức, thở mệt và ngưng thở, nên vắt sữa mẹ ra ly và cho uống bằng muỗng.
Trào ngược dạ dày thực quản: Trẻ sinh non rất dễ bị trào ngược dạ dày, thực quản (nôn thường xuyên) gây chậm tăng cân, viêm phổi, có những cơn ngưng thở… Nên đặt trẻ nằm đầu cao trong và sau khi bú ít nhất 1 giờ. Cho trẻ bú nhiều lần, mỗi lần một ít, dùng thuốc chống trào ngược (theo toa bác sĩ để tránh bị ngộ độc thuốc).
Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non do mạch máu phát triển quá mức làm bong võng mạc: Xảy ra ở trẻ dưới 1.500 g hoặc sinh non dưới 28 tuần, gây mù nếu không phát hiện đúng lúc và điều trị kịp thời. Những trẻ này cần được khám mắt lúc được 1 tháng tuổi, nếu có bệnh lý võng mạc nặng sẽ được điều trị bằng laser quang đông ngay để tránh bong võng mạc.
Chậm phát triển tâm thần hoặc bại não: Gần khoảng 85% trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 1.500 g được cứu sống. 5-15% trong số này bị bại não và 25-50% bị chậm phát triển tâm thần. Trẻ bị nhũn chất trắng quanh não thất hoặc xuất huyết não thì nguy cơ càng cao. Vì vậy, khi trẻ sinh non cần được theo dõi về sự phát triển tâm thần kinh lâu dài và tập vật lý trị liệu hỗ trợ.
Thoát vị bẹn, thoát vị rốn, hẹp da quy đầu và tinh hoàn ẩn: Nếu thoát vị bẹn nghẹt, cần phải phẫu thuật ngay. Thoát vị rốn sẽ tự hết sau 3-5 tuổi. Cần phẫu thuật nếu sau 5 tuổi vẫn còn tồn tại thoát vị rốn. Hẹp da qui đầu sẽ được cắt hoặc nong sau khi trẻ được trên 2,25 kg. Khi trẻ được 1 tuổi mà tinh hoàn vẫn chưa xuống bìu, cần được phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu để tránh bị ung thư sau này.
Với những trẻ sinh quá nhẹ cân, nên tiêm phòng lao khi được 33 tuần tuổi chỉnh sau khi sinh (ví dụ nếu trẻ sinh non 28 tuần thì sẽ tiêm sau sinh 5 tuần). Tiêm phòng viêm gan B khi trẻ được 2 kg. Thời điểm này, cơ thể trẻ có thể sinh miễn dịch tốt sau khi được tiêm phòng ngừa.
Cần theo dõi sự phát triển của trẻ, gồm theo dõi vòng đầu, cân nặng và chiều dài theo biểu đồ tăng trưởng của trẻ sinh non. Những trẻ nào không bắt kịp sự phát triển sau 8 tháng tuổi thường có tiên lượng xấu hơn. Những trẻ phát triển tốt là những trẻ bắt kịp sự phát triển như trẻ đủ tháng mà không có những rối loạn nặng nề. Trẻ sinh non cần được theo dõi lâu dài bởi bác sĩ gia đình và bác sĩ chuyên về sơ sinh.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)