Cảnh giác chất độc ngay trong nhà
Các Website khác - 14/08/2005

Các loại sơn có hàm lượng chì và thủy ngân cao
Rất nhiều sản phẩm mà chúng ta sử dụng hoặc lưu trữ thường xuyên trong nhà có chứa các chất độc nguy hại đến sức khỏe, ví dụ như dung dịch làm sạch bếp, chất tẩy làm sạch ống thoát nước, các loại thuốc diệt cỏ, trừ sâu... Làm thế nào để tránh hoặc ít nhất là giảm thiểu những mối nguy hại này?

Nếu chúng ta dùng không hoặc hủy bỏ không đúng cách, chất độc có thể rò rỉ ra không khí, rò rỉ vào nước và làm ô nhiễm môi trường sống trong nhà và thậm chí là gây độc.

Thậm chí một số nguy hại lại mang tính chất “tiềm ẩn”, trong đó nhiễm độc về chì và thủy ngân có nguy cơ cao nhất, do 2 chất này được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp và trong sản xuất hàng tiêu dùng.

Phổ biến nhất là trong các sản phẩm sơn, bao gồm cả sơn nội thất, sơn tường, sơn đồ chơi, sản xuất pha lê, thuỷ tinh màu, các thiết bị điện tử như pin, thiết bị trợ thính, thiết bị radio, nhiệt kế và kể cả mỹ phẩm.

Khi sử dụng các sản phẩm này nguy cơ chì và thủy ngân đi vào cơ thể rất cao, ví dụ như hít và nuốt những bụi sơn sử dụng chì và thủy ngân bóc ra từ tường, làm bể nhiệt kế, hoặc sử dụng thường xuyên các chén bát tráng men dùng chì... Lâu ngày, lượng chì và thủy ngân sẽ tích tụ trong cơ thể, gây bệnh nguy hiểm.

Các nhà sản xuất và các chuyên gia tư vấn đưa ra một số lời khuyên giảm thiểu nguy cơ hấp thụ chất độc như sau:

- Lựa chọn các sản phẩm ít nguy hại nhất.

- Nên xem thành phần nguyên liệu trên bao bì để có thông tin chính xác. Nếu trên bao bì mà không có những thông tin này, hãy tìm mua một sản phẩm khác. Cũng cần lưu ý các sản phẩm ghi “không độc hại” vì có thể đây chỉ là một cách quảng cáo.

- Đọc thật kỹ và làm theo các hướng dẫn của nhà sản xuất.

Lời khuyên này nghe như đơn giản, nhưng rất nhiều người bỏ qua! Thậm chí nhiều người không đọc hướng dẫn mà chỉ hỏi từ người bán hàng và làm theo, không tuân thủ đến cách thức và trình tự khi sử dụng, bảo quản hoặc hủy bỏ sản phẩm.

- Chỉ mua một lượng đủ dùng.

Các chương trình khuyến mãi “mua nhiều, giảm giá” cộng với tâm lý “để dành sử dụng sau” làm ta hay mua nhiều hơn nhu cầu thực tế. Khi đó, chúng ta phải lưu giữ trong nhà, nguy cơ bể, vỡ hoặc trẻ em tiếp xúc cao hơn...

- Hãy sử dụng các vật dụng cẩn thận để tránh phải sửa chữa hoặc tân trang.

Ví dụ như tường, bàn ghế hoặc bếp, vì dùng không cẩn thận gây ra dơ bẩn hoặc trầy xướt, khi đó buộc phải sơn, đánh bóng hoặc chùi tẩy và do đó tăng nguy cơ tiếp xúc với chì, thủy ngân và hóa chất độc hại khác.

Khi rửa chén hoặc rửa rau, nên có một cái rổ để lọc những rác nhỏ, bỏ vào thùng rác thay vì để nước xối xuống ống thoát nước. Theo thời gian, ống thoát nước sẽ bị nghẹt, cần phải dùng hóa chất để làm sạch vì khi đó phải tiếp xúc với dung dịch có nhiều hóa chất độc hại.

- Áp dụng các mẹo vặt, tránh mua các sản phẩm tẩy rửa.

Bằng cách này vừa tiết kiệm tiền vừa giảm nguy cơ tiếp xúc với chất độc. Ví dụ, cồn có thể giết vi khuẩn, làm sạch các vết bẩn trên vải hoặc chanh có thể đánh bóng kim loại.

Theo VnMedia