"Tôi bị cắt cả 2 buồng trứng do u nang từ năm 15 tuổi, nay 30 tuổi, đã lập gia đình và đều đạt cảm giác thỏa mãn sau mỗi lần giao hợp. Xin cho biết trường hợp của tôi có giống tình trạng mãn kinh không? Có cần bổ sung hoóc môn không? Xin nói thêm là ngực tôi hình như không phát triển sau khi cắt buồng trứng".
Trả lời:
Những biến đổi cơ thể khi bị cắt cả 2 buồng trứng ở tuổi 15 phụ thuộc vào thời điểm đã dậy thì hay chưa dậy thì. Con gái thường bắt đầu có biểu hiện dậy thì quanh tuổi 13 do ảnh hưởng của các hoóc môn estrogen (do buồng trứng bài tiết) và progesteron (thể vàng bài tiết). Vú to lên là dấu hiệu sớm nhất, tiếp theo là mọc lông mu, cơ thể nở nang, sau đó mới là sự ra kinh lần đầu. Nếu bị cắt cả 2 buồng trứng ở thời điểm này thì nhiều dấu hiệu sinh lý sẽ ngừng hoặc mất đi, chẳng hạn như không ra kinh nữa, ngực ngừng phát triển, lông không mọc... Nếu đã qua tuổi dậy thì, nghĩa là sự phát triển cơ thể đã hoàn thành rồi thì chỉ mất đi hiện tượng hành kinh hàng tháng.
Còn nếu mất 2 buồng trứng khi hoàn toàn chưa có biểu hiện dậy thì, bệnh nhân chẳng những sẽ không có kinh nguyệt mà nhiều dấu hiệu khác của cơ thể cũng kém phát triển (chỉ là kém thôi vì sự phát triển cơ thể nữ còn do nhiều yếu tố tác động như: nhiễm sắc thể, tuyến thượng thận, tuyến giáp trạng...). Tuy nhiên, ham muốn tình dục thì không bị ảnh hưởng vì hoóc môn nam (testosteron do tuyến thương thận tiết ra) mới là yếu tố duy trì và làm tăng dục năng ở cả nam và nữ. Chỉ khi cắt bỏ cả buồng trứng và tuyến thượng thận thì mới có ảnh hưởng đến ham muốn tình dục.
Có một điều quan trọng bạn cần biết chắc chắn: Phải chăng các thầy thuốc đã thực sự cắt bỏ 2 buồng trứng nang hóa ở một em gái mới 15 tuổi? Vì thông thường các thầy thuốc đều cố gắng bảo tồn mô lành của buồng trứng để duy trì chức năng nội tiết. Trong trường hợp này, mô lành còn lại vẫn có thể hoạt động bù, không gây thiếu hụt về nội tiết và không ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như đời sống tình dục. Để biết tình trạng nội tiết như thế nào, chị nên đến các bệnh viện sản - phụ khoa để làm những xét nghiệm cần thiết, trên cơ sở đó mới có thể đưa ra chế độ điều trị thích hợp.
BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)