"Ở quê tôi, nhân dân vẫn hái lá chẽ ba về dùng làm thuốc. Xin cho biết lá chẽ ba chữa được bệnh gì?".
Trả lời:
Dây chẽ ba có tên khác là dây xanh, cây lưỡi chó, đáp hy, bún thiu; người Tày gọi là khau tai, khau trăn, thuộc họ lưỡi chó (hernandiaceae). Đó là một dây leo, lá có 3 lá chét, hoa màu tím đỏ, quả có 4 cánh. Cành và mặt dưới lá có lông mịn màu vàng.
Theo kinh nghiệm dân gian, lá chẽ ba có tác dụng chữa ghẻ, mụn nhọt. Cách làm như sau: Lấy 100 g lá tươi chia làm hai phần. Một phần băm nhỏ, nấu với nước rồi tắm; phần còn lại phơi khô, nấu với nhiều lần nước, cô thành cao đặc, bôi ngày vài lần.
Phòng y học dân tộc Viện điều dưỡng Bắc Thái trước đây lại chế biến dây chẽ ba chữa ghẻ như sau: Chọn những đoạn thân có đường kính 1,5-2 cm và cách mặt đất 1-2 m. Chặt từng khúc dài 20-25 cm, đặt trên bếp lửa cho sém lớp ngoài. Cạo sạch lớp vỏ cháy sém, dùng dao róc vỏ thân, tước thành sợi. Lấy 80-120 g sợi thuốc cho vào xoong hoặc chảo đã đốt nóng già, đảo đều. Đổ cồn 70 độ vào cho sâm sấp, đảo đều trong 5-10 giây. Lấy thuốc ra vò nát, rồi xát vào nốt ghẻ. Làm như vậy 2-3 lần trong ngày. Thuốc không làm bẩn da, không độc hại, có mùi thơm đặc biệt. Một đợt điều trị thường là 5 ngày.
Lá chẽ ba 50 g phối hợp với vỏ cây trầm gió 30 g, dùng tươi hoặc phơi khô, thái nhỏ, nấu nước đặc tắm chữa sài giật ở trẻ em.
Nhân dân còn dùng rễ chẽ ba phơi khô 10-20g thái nhỏ, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày chữa nước tiểu vàng, ho ra máu.
DS. Hữu Bảo, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)